Đường đua hỗn loạn

Thế giới đang chứng kiến một nước Mỹ không hề biết 'khách sáo' trong việc gia tăng áp lực lên tất cả, kể cả bạn bè, đồng minh, đối tác hay kình địch, trên bất cứ phương diện nào. Nhưng, khi thứ sức ép ghê gớm ấy được trút sang cả khía cạnh quân sự, bằng những hành động dồn dập trong thực tế thì sức phản chấn có lẽ cũng sẽ không thể nhẹ nhàng.

Không chút ngại ngần

Mới đầu tháng 8 này thôi, nước Mỹ mới chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Thế nhưng, chỉ đến ngày 18-8, Lầu Năm Góc đã kịp tuyên bố về việc thử thành công một tên lửa hành trình đất đối đất tầm trung. Tên lửa ấy, phiên bản mới của dòng tên lửa Tomahawk nổi tiếng, có thể mang đầu đạn hạt nhân, đã đánh trúng mục tiêu cách 500 km.

Cần lật lại quá khứ gần một chút, để hiểu thêm về hàm ý của Washington khi công bố kết quả cuộc thử nghiệm này. Ngày 5-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Moskva cũng sẽ buộc phải khởi động các chương trình tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung nếu Mỹ bắt đầu tiến trình đó sau khi INF đổ vỡ. Ông cổ vũ lòng tự tin của người dân đất nước mình, khi khẳng định rằng với kho vũ khí tên lửa hiện có, cùng những tiến bộ của quốc gia này trong phát triển tên lửa siêu thanh, Nga có đủ năng lực để đối phó với mọi mối đe dọa từ Mỹ.

Tuy nhiên, dù sao, người đứng đầu Điện Kremlin vẫn hy vọng rằng Moskva và Washington có thể cân nhắc mọi hậu quả, quay trở lại đối thoại về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, để “tránh một cuộc đua hỗn loạn, không giới hạn, không luật lệ”.

Vậy thì, có thể hiểu hành động thử tên lửa từ phía Mỹ như thế nào, ngoài màu sắc của một động thái thách thức?

Có thể hiểu việc Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập tức xác nhận rằng kế hoạch này được bắt đầu triển khai từ tháng 2 - ngay sau khi thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga - nghị sĩ Frants Klinshevich đánh giá rằng đây “rõ ràng là một sự nhạo báng cộng đồng quốc tế”, còn Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma (Hạ viện Nga) Yuri Shvutkin khẳng định: “Mỹ đã vi phạm INF từ khi hiệp định đó vẫn còn hiệu lực” và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoihu làm rõ: “Các quỹ phục vụ việc phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung đã được duyệt chi trong ngân sách quốc phòng của Mỹ 1 năm trước khi rời INF” - như thế nào?

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 - ký ức “toát mồ hôi” của nhân loại về nguy cơ hủy diệt trong chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 - ký ức “toát mồ hôi” của nhân loại về nguy cơ hủy diệt trong chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh.

Hiện thực là như vậy. Trong khi Nga - quốc gia bị Mỹ cáo buộc là đã có những hành động vi phạm INF, để trở thành cái cớ chính đáng cho Mỹ rời bỏ thỏa thuận đó - liên tục cố gắng níu kéo và để ngỏ những cánh cửa đối thoại nhằm cứu vãn hiệp định thì Mỹ liên tiếp bước những bước rất xa khỏi bàn đàm phán. Có thể nói, Washington không bày tỏ chút thiện chí nào và có lẽ là cũng không hề có ý định chỉ gây sức ép để “bàn bạc lại” các điều khoản.

Tên lửa tầm trung đất đối đất Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân đã không được sử dụng từ sau khi INF chính thức có hiệu lực năm 1988. Nhưng bây giờ, nó đã quay trở lại. Cho dù có thể trên lý thuyết, còn cần thêm nhiều thời gian để nó đủ khả năng vận hành suôn sẻ trên thực địa thì nó cũng đã quay trở lại.

Bài học từ lịch sử

Bóng dáng u ám của một cuộc cạnh tranh chết chóc giữa hai siêu cường quân sự hàng đầu thế giới đang khiến tất cả kinh hãi. Nói như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng: “Việc Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới kéo theo việc gia tăng đối đầu quân sự, gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đối với tình hình an ninh khu vực và quốc tế”.

Sẽ không một nền kinh tế nào trên thế giới không bị tác động bởi viễn cảnh ấy, khi những động thái răn đe luôn có khả năng vượt quá giới hạn. Và trong quá khứ, chính nước Nga cũng đã nhận được những bài học cay đắng từ một cuộc đua tương tự, ở thời Chiến tranh Lạnh. Nền kinh tế Liên Xô - mà Nga là quốc gia kế thừa - đã bộc lộ tất cả khiếm khuyết của mình sau một thời gian dài chạy đua vũ trang với Mỹ, để rồi thông qua những biến động xã hội cũng như dưới những đòn “tâm lý chiến” từ phương Tây, những khiếm khuyết ấy bị khuếch đại, trở thành không thể san lấp và đủ sức làm sụt toang cả những thành trì tưởng chừng vĩnh cửu.

Phải chăng, đây là một cái bẫy mà Washington giăng ra đối với Moskva? Phải chăng, vẫn luôn có những người mong muốn bối cảnh cũ lặp lại để bảo toàn vị thế đơn cực độc tôn - “thành phố trên đỉnh đồi” - của nước Mỹ?

Song, có lẽ, cũng chính là bởi bài học xương máu đó, phía Nga vẫn phản ứng rất có “chừng mực”. Một ngày sau khi Lầu Năm Góc công bố kết quả vụ thử tên lửa, Bộ Ngoại giao Nga vẫn khẳng định: “Nga sẽ không để mình bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang và vẫn sẽ không triển khai hệ thống tên lửa của mình nếu Mỹ không làm điều đó trước”. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo nước Nga vẫn chờ đợi một “sự kiềm chế” từ phía Mỹ.

Vấn đề là liệu siêu cường số 1 thế giới có muốn dừng lại?

Ngày 21-8, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo chấp thuận hợp đồng trị giá 8 tỷ USD bán chiến đấu cơ cho Đài Loan, một hành động không hề “dễ chịu” đối với Trung Quốc.

Phép thử cho thế giới

Câu trả lời là: Không!

Ngày 20-8,â một ngày sau khi công bố kết quả thử tên lửa, tại một cuộc họp của Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở Washington, khi đề cập đến khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như tiến trình hiện đại hóa quân đội Mỹ, đại diện Bộ Tư lệnh Lục quân Ryan D.McCarthy hé lộ rằng Lầu Năm Góc đang phát triển một loại tên lửa siêu thanh (bay nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh) mang đầu đạn hạt nhân.

Tất nhiên, tuyên bố này, cũng như những hành động trước đó, vẫn luôn có thể được giới chức Mỹ diễn giải theo cách Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng để xé bỏ INF: Vì Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước trước nên Mỹ cần thoát ly các điều khoản ấy để không phải chịu thiệt thòi trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình.

Có điều, hiện tại, thế giới đã phẳng đi rất nhiều so với những năm Chiến tranh Lạnh. Ngày 22-8, Nga và Trung Quốc đã cùng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về kế hoạch thử và triển khai các tên lửa đất đối đất tầm trung của Mỹ. Những công cụ đáp trả phi quân sự như vậy đã được sử dụng. Và ở một khía cạnh nào đó, nó có tác dụng khích động tâm lý “bài Mỹ” nhiều hơn là việc Nga cũng sớm “mở kho” vũ khí răn đe đồ sộ của mình.

Thử tên lửa tầm trung gần như ngay lập tức sau khi rời INF, nước Mỹ thách thức không chỉ Nga, mà tất cả các kình địch.

Trong sâu thẳm, đây là một phép thử cho ý nghĩa tồn tại của tổ chức quyền lực lớn nhất thế giới (trên lý thuyết). Liên Hiệp Quốc, từ trước đến nay, thường chỉ có thể đưa ra những lời kêu gọi chung chung và chỉ cần 1 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an phủ quyết, mọi quyết định sẽ đều bị gác lại. Nhưng hiện tại, nước Mỹ đang đẩy mọi chuyện đến sát giới hạn, khi đòi hỏi sự phục tùng từ tất cả.

Chấp nhận trở lại với thế giới đơn cực, dịch chuyển theo quỹ đạo mà nước Mỹ quyết định, hay lên tiếng phản kháng để bảo vệ an ninh và ổn định nhằm phục vụ cho lợi ích của chính mình - những lựa chọn không hề dễ dàng.

Và ngay tại nước Mỹ, những lựa chọn cũng không hề rõ ràng. Sự cứng rắn được Nhà Trắng cũng như Lầu Năm Góc thể hiện khó có thể tách rời với những vận động chính trường Mỹ, khi cuộc đua tới ngôi tổng thống nhiệm kỳ tới xem như đã mở. Đương kim Tổng thống Mỹ đã giành được sự ủng hộ của đa số cử tri khi thể hiện mình là một con người cứng rắn và thực dụng (để toàn tâm toàn ý “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” - (Make American great again, như slogan tranh cử). Ông cũng đã từng bị công kích tơi bời bởi những cáo buộc liên quan tới nước Nga.

Và bởi vậy, hiện tại, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một câu nói đùa của giới quan sát cũng vẫn luôn đúng, ở không ít khía cạnh: “Các vấn đề lớn của thế giới thường lại được quyết định tại chính trường Mỹ”. Cũng không nên quên, công nghiệp quốc phòng là ngành kinh tế “hốt bạc” đến mức độ nào...

Đông Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/duong-dua-hon-loan-561840/