Đường Hồ Chí Minh: Ngay sau khởi công, Ban QLDA suýt bị... giải thể

Dù đã được chính thức khởi công, nhưng dự án vẫn chưa hết trắc trở, đặc biệt là cơ chế phân giao, quản lý vốn...

Đường Hồ Chí Minh qua huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An - Ảnh: Khánh Linh

Từ thay đổi cơ chế quản lý vốn

Ngay sau nghi lễ khởi công chính ở Xuân Sơn, Quảng Bình, các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp thi công từ Khe Cò (Hà Tĩnh, ranh giới với Nghệ An) vào đến Ngọc Hồi (Kon Tum) lần lượt làm lễ ra quân triển khai dự án với khí thế rầm rộ, không khác gì thời chiến...

Ngày 6/4/2000, tôi đi cùng anh Hà Đình Cẩn đến Khe Gát (Quảng Bình) dự lễ ra quân của Tổng công ty XD Trường Sơn - Binh đoàn 12, tiền thân là Bộ đội Trường Sơn của nguyên Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng lừng danh và huyền thoại như con đường, người đã đặt tên cho đường Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ này, theo yêu cầu của anh Cẩn, tôi đã hát bài Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh (một bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Hoàn, lời thơ Đỗ Quý Doãn). Được hát giữa rừng Trường Sơn thực sự là một hạnh phúc của thế hệ đi sau như tôi với các thế hệ đi trước.

Cũng ngay sau lễ khởi công, Bộ GTVT và Bộ Tài chính họp bàn thống nhất cơ chế quản lý vốn đầu tư cho dự án đường Hồ Chí Minh. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn đồng chủ trì. Hai Bộ trưởng đã thống nhất giao việc quản lý cấp phát vốn đầu tư cho các Ban Quản lý dự án khu vực (khoảng 10 Ban Quản lý dự án khu vực).

Thấy không ổn, tôi gặp anh Cẩn nói ngay: “Thế này là hỏng rồi, Ban mình không quản lý vốn đầu tư thì không chỉ đạo được ai đâu, người ta chỉ nghe người quản lý trực tiếp thôi như thế thì con đường sẽ nát bét”.

Anh Cẩn trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Ông lo giải quyết vụ này đi nhé”. Hai Bộ trưởng quyết rồi, xoay xở thế nào được đây chứ?

Cả đêm hôm đó tôi không ngủ được, trong đầu loạn xạ các phương án, các giả thiết. Sáng ra, tôi báo cáo anh Cẩn: “Anh sắp xếp báo cáo đồng chí Thứ trưởng Bộ mình, nhờ anh ấy thuyết phục Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn thay đổi ý kiến, giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Ban Hồ Chí Minh) trực tiếp quản lý vốn đầu tư, các Ban Quản lý dự án khu vực sẽ giúp Ban Hồ Chí Minh quản lý hiện trường thi công, những việc còn lại em sẽ tìm cách giải quyết”.

Đến đề nghị giải thể táo bạo

Soạn sẵn một số kiến nghị của Ban Hồ Chí Minh và cầm theo Quyết định 18, sáng sớm tôi sang Bộ Tài chính tìm gặp anh Thành, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, người đang dự thảo thông báo kết luận cuộc họp của hai Bộ trưởng. Sau màn chào hỏi, tôi vào thẳng vấn đề: “Em sang gặp anh để đề nghị cho giải thể Ban QLDA đường Hồ Chí Minh”.

Anh Thành hốt hoảng: “Cậu nói gì thế? Cậu có bị làm sao không? Cậu bảo chúng tôi chống lại Chính phủ à?”.

Tôi đưa Quyết định 18 ra và giải thích: “Anh xem, tại Điều 2 Quyết định 18 nói rõ thế này: Chủ đầu tư: Bộ GTVT, Đại diện chủ đầu tư: Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Vậy bây giờ giao vốn về cho các Ban Quản lý dự án khu vực thì còn cần gì vai trò của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nữa, như vậy khác gì là các anh muốn giải thể Ban Hồ Chí Minh?”.

Thấy vấn đề trở nên nghiêm trọng, anh Thành lập tức triệu tập cả Vụ Đầu tư lại cùng làm việc với tôi. Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi thống nhất: Thuyết phục Bộ trưởng Bộ Tài chính thay đổi ý kiến là trách nhiệm của Vụ Đầu tư, thuyết phục Bộ trưởng Bộ GTVT là nhiệm vụ của Ban Hồ Chí Minh, xong rồi mới ra Thông báo kết luận cuộc họp của hai Bộ trưởng (sau này lâu dần không ai nhắc đến việc phải có thông báo này nữa).

Anh Cẩn nói với tôi: “Lãnh đạo Bộ đồng ý giúp Ban mình rồi đấy!”. Sau đó, Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn và Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng thống nhất giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh quản lý vốn đầu tư đường Hồ Chí Minh, các Ban Quản lý dự án khu vực làm nhiệm vụ quản lý hiện trường thi công trong địa đoạn được phân giao. Thế là đã “xoay chuyển được tình thế” một cách ngoạn mục!

8 công trình được chọn vinh danh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình” gồm: Đường Hồ Chí Minh; đường dây 500kV Bắc - Nam; vệ tinh viễn thông của Việt Nam (VINASAT-1, VINASAT- 2); nhà máy thủy điện Hòa Bình; Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000; Từ điển Bách khoa toàn thư; Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu; chương trình tiêm chủng mở rộng. Những công trình được lựa chọn là niềm tự hào to lớn về ý chí và nghị lực phi thường của con người Việt Nam, là minh chứng sống động cho bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội. Những công trình này là những đóng góp mang tính quyết định vào những thành tựu nổi bật của đất nước trong hàng chục năm qua.

Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Ban QLDA 2

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/duong-ho-chi-minh-ngay-sau-khoi-cong-ban-qlda-suyt-bi-giai-the-d276581.html