Đường lên 'Nóc nhà biên cương'

'Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối người lính Biên phòng' là câu nói đã được nghe từ lâu nhưng cho đến khi được tham gia cùng Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải (Bộ đội Biên phòng Lai Châu) lên cột mốc 79 tôi mới được kiểm chứng. Chúng tôi cứ xuyên rừng già, ngược dốc mà đi, chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi và lắng nghe tiếng Tổ quốc trong tim mình.

Thăm thẳm Phàn Liên San

Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới hơn 14km, gồm 7 mốc quốc giới, trong đó cột mốc 79 (nằm trên đỉnh núi Phàn Liên San, thuộc xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) được xác định là cột mốc cao nhất trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam với độ cao 2.880m so với mực nước biển. Bởi vậy, cột mốc 79 được mệnh danh là “nóc nhà biên cương” và tất nhiên để chinh phục được cột mốc này là điều không hề dễ dàng ngay cả với những người lính Biên phòng.

Đội trưởng đội tuần tra lần này là Thiếu tá Hoàng Văn Trưởng, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải. Từ bản doanh Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải lên vị trí cột mốc 79 chưa đầy 30km nhưng vừa đi và về mất gần 2 ngày vì đường rất khó đi. Đội tuần tra phải chuẩn bị quân tư trang, thực phẩm đề phòng thời tiết mưa gió bất thường cũng như những tình huống khách quan khác. Đi tuần tra mốc 79 vô cùng vất vả nhưng cứ 2 tuần 1 lần, đơn vị tổ chức tuần tra theo kế hoạch, không kể những tình huống đột xuất. Khó khăn, vất vả là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải vẫn bền bỉ thực hiện nhiệm vụ.

Đường lên mốc 79, người lính Biên phòng phải đi qua những cánh rừng nguyên sinh.

Là người không chuyên leo núi nên hầu như đồ đạc của chúng tôi đều được cán bộ, chiến sĩ mang giúp, ấy thế mà chỉ một chiếc túi nhỏ đựng đồ dùng cá nhân cũng như nặng cả tạ mỗi khi vượt dốc. Để lên được cột mốc 79 chúng tôi không đếm được phải qua bao nhiêu con dốc được miêu tả bằng các hình ảnh “đầu gối chạm cằm”, “dốc leo gù lưng tôm”. Qua những con dốc này, mọi người cảm giác mình không chỉ thở bằng mũi, miệng mà phải thở cả bằng da, bằng tóc mới kịp cung cấp oxy cho phổi. “Không biết ai đặt tên Vàng Ma Chải nhưng nhẽ phải gọi là Đồn Biên phòng vàng mắt phải vì leo dốc thì mới đúng”, câu nói than thở pha chút tếu táo của ai đó trong đoàn khiến mọi người đang “bở hơi tai” vì leo dốc cũng phải phì cười.

Thế nhưng, dường như chính địa hình dốc cao, vực sâu với nhưng ghềnh đá và thác nước hùng vĩ, hoang sơ cùng những rừng cây cổ thụ rêu phong khiến đường lên mốc 79 đẹp đến nao lòng. Có những đoạn đường đi như ngỡ lạc vào khu rừng cổ tích thần tiên hay phim trường Avatar nổi tiếng. Đặc biệt, những cánh rừng nguyên sinh, chúng tôi vô cùng thích thú với những vườn thảo quả. Rừng già ưu đãi con người bằng cách tạo môi trường lý tưởng trồng cây thảo quả, loại cây mang lại giá trị kinh tế cao để người dân Mồ Sì San phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Thế nên đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì nơi đây có ý thức bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt.

Những con dốc “đầu gối chạm cằm” trên hành trình đến với "Nóc nhà biên cương".

Vào mùa đông, khí hậu tại khu vực núi Phàn Liên San rất khắc nghiệt, nhiệt độ xuống rất thấp. Đêm ấy, bên bếp lửa, chúng tôi ngồi sát bên nhau để truyền hơi ấm xua đi cái lạnh giá của đêm biên giới. Thiếu tá Hoàng Mạnh Thiết, nhân viên cơ yếu của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, chia sẻ câu chuyện của mình: “Tôi đã gắn bó với Lai Châu gần 30 năm công tác, đi nhiều đồn rồi. Dù công việc chuyên môn ở đồn nhưng mỗi khi có dịp tôi đều xin chỉ huy cho tham gia tuần tra biên giới. Là lính biên phòng phải biết cột mốc chủ quyền. Đối với tôi, biên giới là quê hương thứ hai, đồn là nhà và đồng bào các dân tộc thực sự là anh em ruột thịt. Sau này về hưu sẽ nhớ biên cương lắm. Mong rằng lớp trẻ kế tiếp sẽ yêu và gắn bó với biên giới như chúng tôi”, lời chia sẻ của người lính già khiến chúng tôi thấy sống mũi mình cay cay.

Lắng nghe lời Tổ quốc

Vì từ lán nghỉ lên cột mốc cũng phải mất gần 5 tiếng nên mọi người dậy sớm nấu cơm ăn và gói mang đi ăn trưa. Vẫn là những con dốc không tưởng nhưng có vẻ như biết cột mốc đang ở rất gần nên mọi người đi khí thế, hăng hái hơn. Sau gần nửa ngày leo núi, anh em chúng tôi cũng tới được chân mốc 79. Khó mà tả hết tâm trạng lâng lâng, tự hào khi chạm tay vào mặt đá hoa cương mát lạnh. Tháng 3 nên mây mù khắp lối, thế nhưng thật may mắn khi lên tới nơi thì trời nắng lộ ra bầu trời xanh thăm thẳm. Đứng bên cột mốc, phóng tầm mắt ra xa, ngắm non sông đất nước hùng vĩ, dấy lên trong lòng niềm tự hào dân tộc, khiến ta càng thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.

Trong khi chúng tôi vẫn còn đang tận hưởng cảm xúc lâng lâng khi chinh phục được “nóc nhà biên cương” thì những đội tuần tra tiến hành các hoạt động cần thiết trong một chuyến tuần tra là kiểm tra cột mốc, phát quang xung quanh. Thiếu tá Hoàng Văn Trưởng chỉnh đội hình để tiến hành nghi thức chào cột mốc.

Thiêng liêng hình ảnh chào cột mốc 79.

Thiếu tá Hoàng Văn Trưởng giới thiệu về cột mốc, về đường biên giới cho các chiến sĩ mới. Lắng nghe lời anh, chúng tôi cảm nhận được anh đang muốn “truyền lửa” cho những người lính trẻ. Chúng tôi hiểu rằng, người chỉ huy muốn hai năm trong quân ngũ sẽ đọng lại những điều thiêng liêng. Đó sẽ là thứ mang theo trong hành trang để người lính khi phục viên vẫn “cháy lên ngọn lửa”, cùng những người lính Biên phòng tiếp tục xây dựng, quản lý và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ở một cương vị khác.

Bài học lịch sử về vùng đất biên cương này mỗi người lính Biên phòng đều thuộc lòng để từ đó càng trân trọng hiện tại, trách nhiệm gìn giữ thành quả cách mạng cho thế hệ mai sau. Đại úy Trương Văn Hỏa, Đội trưởng Đội Tham mưu Hành chính chia sẻ:Cột mốc thể hiện chủ quyền biên giới quốc gia nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi không chỉ có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ cột mốc mà còn có trách nhiệm tuyên truyền cho bà con nhân dân có trách nhiệm bảo vệ cột mốc 79 cũng như bảo vệ biên giới quốc gia. Biên cương có vững mạnh, chủ quyền có được giữ vững không chỉ phụ thuộc vào người lính Biên phòng mà còn cả vào nhân dân khu vực biên giới”.

Đêm khuya, nhiệt độ xuống thấp, những người lính Biên phòng phải đốt lửa để sưởi ấm.

Đứng trên mốc 79 nơi biên giới, phóng tầm mắt ra xa, ngắm non sông đất nước hùng vĩ, bồi hồi chạm tay vào cột mộc thiêng liêng, những khoảnh khắc ấy đã chạm sâu vào tâm trí những người lính biên phòng đồn Vàng Ma Chải. Mọi khó khăn, vất vả đều được thay thế bằng cảm giác tự hào khi được góp phần giữ vững bình yên cho mảnh đất biên cương này. Trước cảnh nước non hùng vĩ, Thiếu tá Hoàng Văn Trưởng mắt hướng về Tổ quốc, lấy tay làm loa, hít một hơi thật sâu, căng lồng ngực và nói bằng chất giọng khỏe nhất 2 tiếng “Việt Nam”.

Tổ quốc ơi! Sao mà thiêng liêng đến thế.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/duong-len-noc-nha-bien-cuong-721212