Đường lối cách mạng Việt Nam sáng tạo mang tầm thời đại

Con đường cách mạng Bác đã chọn là sự hòa quyện, chứa đựng bên trong cả tinh thần dân tộc, tinh thần quốc tế, tính đoàn kết các dân tộc bị áp bức.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), tác giả Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh gửi đến tòa soạn bài viết: "Đường lối cách mạng Việt Nam sáng tạo mang tầm thời đại". Báo Giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu tới quý độc giả.

Con đường giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp được Nguyễn Ái Quốc tìm ra đã gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng ách áp bức, bóc lột, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Khi đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin, Người đã reo lên đây rồi, đây thực sự là con đường để giải phóng cho dân tộc mình.

Từ đó, những năm 20 của thế kỷ trước, dưới ngọn cờ của cách mạng Tháng Mười, lý luận về độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội (CNXH) được Nguyễn Ái Quốc hình thành dần dần và hoàn chỉnh khi vận dụng vào cách mạng Việt Nam.

Đó là sự gặp gỡ lịch sử của lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, là mối quan hệ mật thiết giữa giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp.

Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chiến lược của Đảng vô sản là giải phóng dân tộc, trong đó có giải phóng mình khỏi ách áp bức bóc lột của đế quốc xâm lược và tay sai của chúng”.

Điều này cũng đã được thể hiện trong “Sách lược vắn tắt: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản”.

Như vậy, con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chọn là sự hòa quyện, chứa đựng bên trong cả tinh thần dân tộc, tinh thần quốc tế, tính đoàn kết các dân tộc bị áp bức.

Đây chính là tư duy mới mẻ, sự sáng tạo của Hồ Chí Minh khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin vận dụng vào cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng của các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức bóc lột, là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn về vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin mang tầm thời đại.

Đó là đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội và giải phóng con người với mục tiêu độc lập dân tộc đi lên CNXH.

Hồ Chí Minh đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và đưa ra kết luận sâu sắc rằng chỉ có CNXH mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới “có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

Người nói: “Nếu dân tộc độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”.

Như vậy, độc lập phải gắn liền với CNXH. Bởi có đi lên CNXH thì “dân ta mới được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành”, thế mới đưa nước nhà ngày một phát triển “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”…

Con đường giải phóng dân tộc gắn với tự do hạnh phúc cho nhân dân, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Hồ Chí Minh tìm ra đã trở thành còn đường và mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được nêu lên trong Luận cương chính trị của Đảng năm 1930.

Con đường đó là con đường đấu tranh cách mạng để tập hợp toàn Đảng, toàn dân đứng lên chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và đã đạt được thắng lợi to lớn, vĩ đại.

Giành chính quyền về tay nhân dân, đánh thắng “hai đế quốc to” là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để thống nhất giang sơn về một mối, đưa nước nhà đi lên CNXH.

Trước bao thử thách cam go khi Liên Xô và hệ thống XHCN tan rã, Việt Nam vẫn kiên định con đường đã chọn, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm ra đường lối đổi mới đưa cách mạng tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh đầy biến cố và thách thức.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, Việt Nam vẫn vững bước đi lên để đạt được thành quả toàn diện về mọi mặt mang tầm thời đại như Văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thế nhưng, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó có âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Mấu chốt của việc này là nhằm vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc về con đường độc lập và CNXH bằng những âm mưu đòi “đa nguyên về chính trị”, thực hiện “dân chủ nhân quyền”, thậm chí đòi “đa đảng” xóa bỏ vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng.

Chúng dùng thủ đoạn lợi dụng sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, những khiếm khuyết, yếu kém trong vận hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để hòng bôi nhọ, nói xấu chế độ, làm giảm uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chọn là quá trình tìm kiếm một xã hội mới phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử và mang tầm thời đại.

Quá trình đó không hề đơn giản và khó tránh khỏi vấp váp. Nhưng đây là tương lai của dân tộc mà chúng ta đang hướng tới để xây dựng một xã hội thực sự vì con người; một xã hội với các giá trị nhân văn, tiến bộ; sự phát triển toàn diện và hài hòa, đảm bảo môi trường hòa bình; tự do, lành mạnh; một xã hội mà người dân là chủ và mọi lợi ích đều là vì dân, của dân.

Đây chính là những giá trị đích thực của CNXH đã được tiếp tục khẳng định ở Đại hội XIII của Đảng: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Tiếp tục sáng tạo và hoàn thiện sự nghiệp đổi mới, vững bước trên con đường Bác Hồ và Đảng ta đã chọn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN độc lập, tự cường, thịnh vượng với mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phấn đấu đưa nước ta “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” vào năm 2045 và “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Đặng Duy Báu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/duong-loi-cach-mang-viet-nam-sang-tao-mang-tam-thoi-dai-post636300.html