Đường lớn đã mở...

Sau gần 10 năm đàm phán, cuối cùng Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hoàn tất những bước phê chuẩn cuối cùng trước khi có hiệu lực chỉ sau khoảng hai tháng tới. Hiệp định này hoàn tất ở vào thời điểm lịch sử khi Việt Nam và EU chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 bên. Trong đó, EVFTA còn đặc biệt ý nghĩa ở chỗ có hiệu lực ngay khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra. Do vậy, nó được kỳ vọng sẽ là một liều thuốc quý, kịp thời giúp Việt Nam, một nền kinh tế thiên về xuất khẩu, khắc phục khó khăn, tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

Kỳ vọng lớn bởi đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất trong lịch sử mà Việt Nam từng tham gia. Tác động lợi ích trực tiếp đến tăng trưởng GDP của hiệp định này theo Ngân hàng Thế giới là gấp gần 3 lần so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và gấp nhiều lần các hiệp định thương mại song phương khác. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng trưởng ổn định với tốc độ trung bình 16%/năm và Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại với EU trong hai thập kỷ qua. Thông qua thực hiện EVFTA cùng với việc tăng cường các cải cách trong nước là chìa khóa để Việt Nam có khả năng cạnh tranh và đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn bởi đáp ứng được yêu cầu của EU là Việt Nam đã nâng trình độ lên tầm cao mới.

Ý nghĩa của hiệp định đã rõ, những thủ tục pháp lý cuối cùng trước khi hiệp định có hiệu lực cũng đã cơ bản hoàn thành. Đường lớn đã mở, vấn đề là Việt Nam sẽ làm thế nào để tận dụng lợi thế vốn có mà hiệp định mang lại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Trước mắt, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương là phải tích cực tuyên truyền và nâng cao nhận thức để doanh nghiệp (DN) ViệtNam nắm rõ nội dung hiệp định để có quyết định đúng. Cần thiết, cơ quan chuyên môn nên tổ chức riêng các buổi hội thảo để các nội dung đi vào chiều sâu, cụ thể theo từng nhóm hàng, DN để việc thực thi được hiệu quả hơn. Về lâu dài, hệ thống thể chế cũng cần có nhiều thay đổi trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, làm yên tâm các nhà đầu tư từ EU; đồng thời tạo thuận lợi cho DN Việt vươn lên, vượt qua thách thức truyền thống.

Riêng đối với cộng đồng DN, EVFTA mang nhiều thuận lợi song cũng kèm theo không ít thách thức. EU là thị trường khó tính với nhiều hàng rào kỹ thuật cao. DN phải xác định thế mạnh sản phẩm của mình và nhu cầu thị trường từng quốc gia mà DN hướng tới. Song song đó, nâng cao nội lực DN thông qua hệ thống máy móc, kỹ thuật, trình độ lao động và nguồn vốn. Một giải pháp nữa là tăng cường sự liên kết của DN, hiệp hội ngành nghề, thậm chí là liên kết giữa Việt Nam với các nước khác để tạo thành chuỗi cung ứng tốt, xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài. Khi đã đáp ứng được những vấn đề cơ bản nói trên, cơ hội cho DN Việt và cả nền kinh tế là rất rộng mở.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202006/duong-lon-da-mo-3007813/