Đường nội 'tự làm mới mình' để cạnh tranh

Đường hiện đang là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch đối với các nước ASEAN, đồng thời mức thuế nhập khẩu chỉ còn 5% và dự kiến giảm về 0% từ đầu năm 2020 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Một cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm đường Biên Hòa tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: H.Quân

Điều này càng khiến cho các loại đường trong nước có nguy cơ mất thị phần ngay trên “sân nhà” nếu như bài toán về giá thành chưa được giải quyết. Ngoài ra, để cạnh tranh với đường ngoại, việc đảm bảo chất lượng, năng suất, đa dạng chủng loại, mẫu mã các loại sản phẩm đường cũng vô cùng quan trọng.

* Không dễ chiếm thị phần trên sạp chợ

Trên thị trường hiện nay, nhất là ở các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ, đường trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường nhập khẩu. Trong đó có một số loại không nhãn mác với giá thành rẻ hơn khá nhiều.

Khảo sát của phóng viên tại các chợ ở khu vực TP.Biên Hòa như: chợ Biên Hòa, chợ Sặt, chợ Tân Hiệp... các loại đường ngoại nhập giá rẻ không nhãn mác bán khá chạy so với các loại đường trong nước có nhãn mác, bao bì rõ ràng. Thông thường, các loại đường này được quảng cáo có nguồn gốc từ Thái Lan. Hiện giá đường Biên Hòa bán tại chợ khoảng 20-22 ngàn đồng/kg. Còn các loại đường ngoại nhập chỉ khoảng 14 ngàn đồng/kg.

Chủ sạp hàng K.L ở chợ Biên Hòa cho biết, đa số các loại đường trong nước được bán cho khách hàng là những người nội trợ mua về sử dụng trong gia đình. Trong khi đó, các loại đường giá rẻ nhập về lại được các quán ăn, quán nước, cà phê... đặt mua rất nhiều bởi giá rẻ hơn.

Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều chủng loại đường mới như: đường đen (loại đường thường làm nguyên liệu, gia vị tạo ngọt trong các công thức làm bánh và nấu ăn), đường ít ngọt, đường dành cho người ăn kiêng,... có xuất xứ ngoại nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan cũng được nhiều người trong nước đặt mua.

Chị Thùy Linh (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay vẫn thường đặt mua một số loại đường nhập từ Hàn Quốc qua mạng về để sử dụng nhằm đa dạng hương vị. Giá các loại đường này cũng cạnh tranh, không nhiều chênh lệch so với đường nội.

* Bài toán đa dạng hóa sản phẩm

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất đường ở Đồng Nai cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng của giá đường thế giới nên tình hình kinh doanh bị chững lại. Ngoài ra, thị trường đường trong nước còn gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các loại đường nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc...

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất cũng như đa dạng chủng loại, bao bì sản phẩm để sẵn sàng cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.op Mart Biên Hòa nhận định, các sản phẩm đường trong nước được bày bán ở siêu thị ngày càng có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh khi sắp tới các loại đường từ nước ngoài, nhất là từ các nước trong khu vực ASEAN “đổ bộ” vào Việt Nam với mức thuế ưu đãi, các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cần tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm mới, đa dạng các kênh tiêu thụ, marketing đến với người tiêu dùng.

Đại diện bộ phận Marketing của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, công ty luôn quan tâm nâng cao các dòng sản phẩm đường Biên Hòa tinh luyện, đường cát trắng, cũng như phát triển một số dòng sản phẩm đường đen dành cho người ăn kiêng, đường nâu, đường hữu cơ...

Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục chú trọng mảng nghiên cứu và phát triển thị trường, nhất là phát triển nhiều dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Tương tự, theo Phòng Kinh doanh của Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán), công ty đang phát triển các dòng sản phẩm chủ lực như đường tinh luyện loại 1kg, 500g được bán tại một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đường tinh luyện dành cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đường trắng cao cấp.

Ngoài ra, công ty còn có thêm sản phẩm đường que cao cấp dành cho quán cà phê, quán bar... Đặc biệt, hơn một năm rưỡi trở lại đây công ty cũng đã chính thức ra mắt bộ logo và nhận diện thương hiệu mới, hiện đại, phù hợp với xu thế hiện nay cho các dòng sản phẩm đường La Ngà để nâng cao giá trị thương hiệu, thu hút người tiêu dùng nhiều hơn.

Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của ngành mía đường, Bộ Công thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA 2 năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng.

Để chủ động và thực thi hiệu quả ATIGA sau khi trì hoãn, Bộ Công thương đã có Văn bản số 1034/BCT-XNK vào tháng 2-2019, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết này kể từ ngày 1-1-2020, để các bên liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201909/duong-noi-tu-lam-moi-minh-de-canh-tranh-2964375/