Đường sắt Cát Linh Hà Đông: Bộ GTVT tự ý 'qua mặt' Chính phủ và Quốc hội

Kết quả quả kiểm toán năm 2018 vừa được Kiểm toán nhà nước công bố chiều 5/7 cho thấy hàng loạt sai phạm nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế tại các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi ODA, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đường sắt Cát Linh Hà Đông

Đường sắt Cát Linh Hà Đông

Ký hiệp định vay vốn với những ràng buộc bất lợi

Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, đối với các dự án vay vốn ODA đã tồn tại việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi.

Đó là phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, như Dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng (chiếm 77% tổng mức đầu tư).

Sử dụng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay, sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao tại Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Hai dự án này đã phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ Nhật Bản từ 30% trở lên, nhà thầu chính phải là nhà thầu Nhật Bản.

Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra việc sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao trong các dự án sử dụng vốn vay ODA như: Dự án đầu tư tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí gấp 8,5 lần tư vấn trong nước; Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C gấp 7,8 lần; Dự án Vramp gấp 7 lần; Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 gấp 10 lần; Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi gấp 11 lần...

Việc thanh toán phần nội tệ bằng tiền nước ngoài đối với các dự án ODA làm tăng chi phí như: Dự án đầu tư tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Hiệp định vay từ nguồn EDCF quy định thanh toán phần nội tệ bằng đồng Won làm tăng giá trị vay 2.753,3 triệu Won, tương đương 53,9 tỷ đồng; Dự án ĐTXD cầu Vĩnh Thịnh trên QL2 tăng 703,5 triệu Won, tương đương 13,4 tỷ đồng.

Việc phê duyệt văn kiện còn hạn chế phải hủy bỏ hoặc giá trị thực hiện thấp: Dự án hỗ trợ đối tác công tư, thời gian thực hiện 2012-2018 nhưng đến nay mới thực hiện được 1%; dự án Quỹ chuẩn bị và thực hiện dự án (PPSSF) thời gian thực hiện 2013-2019, qua 4 năm mới thực hiện được 3% (TMĐT chưa sử dụng 66,5 triệu USD); dự án “Hiện đại hóa quản lý thuế” không thực hiện được, phải hủy bỏ,...

Phải điều chỉnh bổ sung Hiệp định: Dự án Tăng cường thể chế và thực thi thuộc dự án Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, Sông Nhuệ - Đáy; dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công; dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2.

Vay vốn ODA chi thường xuyên tại hàng loạt bộ, ngành

Hàng loạt bộ, ngành cũng bị Kiểm toán nhà nước nêu tên khi phê duyệt, sử dụng vốn vay ODA chi thường xuyên với số tiền lớn như: Bộ KH&ĐT 05 dự án 3.144 tỷ đồng; Bộ TN&MT 03 dự án 1.276 tỷ đồng; Bộ XD 05 dự án 719 tỷ đồng; Chuyên đề ODA giai đoạn 2015-2017 tại Bộ Y tế: Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện 223,1 tỷ đồng; Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 là 1,75 tỷ đồng; Dự án Hỗ trợ Y tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ 0,9 tỷ đồng; Dự án Vramp với 06 gói thầu tư vấn đã nghiệm thu thanh toán 30 tỷ đồng.

Việc đàm phán nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng vay vốn ODA được chỉ rõ qua Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên khi thay đổi tỷ lệ thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng từ 10% xuống 5% và trong bảo hành từ 10% xuống 3%; thay đổi tỷ lệ giữ lại khi thanh toán từ 10% xuống 5%; cho phép Nhà thầu đưa ra yêu cầu về chi phí khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, chấp thuận đơn giá nếu phải gia hạn tiến độ; ấn định khoản chi phí gián tiếp là 29% cho các hạng mục phát sinh; chưa xem xét điều chỉnh các đơn giá dự thầu cao bất thường; chi phí Tư vấn chung cao hơn mức trần theo hướng dẫn của JICA.

Kiểm soát tỷ giá chưa tốt làm tăng số nhận nợ tại một loạt dự án như: Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2: Trong cùng một ngày tỷ giá mua JPY công bố của VCB thông báo cho JICA thấp hơn tỷ giá mua JPY chuyển khoản trên thị trường tự do của VCB (niêm yết công khai trên Website của VCB) làm tăng số tiền nhận nợ 78.791.312 JPY tương đương 55,18 tỷ đồng; Chuyên đề ODA giai đoạn 2015-2017 tại Bộ KHĐT, Bộ TC, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ XD; Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông; Dự án Vramp.

Lựa chọn phương thức thanh toán chưa đảm bảo tính kinh tế: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, so với phương thức thanh toán trực tiếp, việc lựa chọn giải ngân vốn ADB theo phương thức tạm ứng có ưu điểm là chủ động trong giải ngân thanh toán nhưng làm tăng chi phí lãi vay khoảng 0,26 triệu USD (tính trên số dư tiền vay nhận về nhưng chưa sử dụng đến 30/9/2018 theo lãi suất của Hiệp định).

Thanh toán thuế GTGT sai quy định: Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2: Thanh toán chi phí thiết bị thi công kích ống, nhưng theo các tờ khai nhập khẩu đối với thiết bị phục vụ thi công gói thầu G cho thấy đối với hàng tạm nhập tái xuất dùng cho dự án ODA được miễn thuế VAT; Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Số thuế GTGT tăng thêm 12,5 tỷ đồng (số thuế GTGT phải nộp tăng thêm 2,9 tỷ đồng, thuế GTGT giảm khấu trừ 9,6 tỷ đồng), phần doanh thu tính thuế TNDN tăng tương ứng 125,44 tỷ đồng.

Thực hiện không đúng Hiệp định: Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2: Toàn bộ phần thiết bị thi công được đề xuất thanh toán bằng đồng ngoại tệ (USD), không đúng quy định của Hiệp định vay và hồ sơ mời thầu dẫn đến việc ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng, thanh toán bằng ngoại tệ cho các thiết bị thi công được cung cấp tại Việt Nam.

Hạch toán phần trả nợ gốc, phí cam kết, phí quản lý vào chi phí đầu tư: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Nộp thuế bằng tiền vốn vay không tuân thủ Hiệp định: Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên: Liên danh NJPT nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 70,5 tỷ đồng chính là khoản tiền Chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu bằng nguồn vốn vay JICA; Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Sử dụng vốn vay thanh toán thuế nhà thầu tại Gói thầu A3 với giá trị khoảng 8,2 tỷ đồng (gồm 0,3 triệu USD và 1,96 tỷ đồng).

Chưa có quy định cụ thể về mức lương, nhu cầu, mức độ cần thiết trong việc thuê chuyên gia tư vấn quốc tế, trong khi chi phí này rất lớn: Chuyên gia tư vấn thiết kế 20.000-25.000USD/tháng, chuyên gia trong nước trung bình 2.000USD/tháng; Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tư vấn giám sát do bên tài trợ vốn chỉ định mà phía Việt Nam không thể thay thế.

Nhiều dự án điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu

Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu như: Bộ GTVT có 27/42 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 122.352 tỷ đồng và 97,27 triệu USD; Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh 03 lần, tăng 6.812 tỷ đồng (tương đương 275,61%) so với TMĐT ban đầu, lần 1 tăng 753 tỷ đồng (tương đương 43,8%), lần 2 tăng 1.319 tỷ đồng (tương đương 53,38%) so với lần 1, lần 3 tăng 5.493 tỷ đồng (tương đương 144,9%) so với lần 2; Dự án thành phần 1, 2, 3 thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông điều chỉnh tăng 3.000 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Huội Quảng điều chỉnh 02 lần, tăng 5.768 tỷ đồng (tương đương 58,9%); Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng 29.937,6 tỷ đồng (tương đương 172,2%).

Đặc biệt nghiêm trọng, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án đầu tư.

Chưa hết, Dự án Cát LInh - Hà Đông còn điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư bao gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại của Hiệp định vay 250 triệu USD; bổ sung chi phí xây lắp tăng thêm 21,07 triệu USD do các nguyên nhân khách quan, thay đổi biện pháp thi công khi chưa có dự toán chi tiết.

Cũng theo Kết quả kiểm toán thì Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP.HCM điều chỉnh dự án chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền; Ban quản lý đường sắt đô thị cũng tự ý phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia.

Trong khi đó, Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh được “bêu tên” với việc xác định chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá 1.365 tỷ đồng chưa đúng quy định, cập nhật giá trị hợp đồng của 06 gói thầu vượt giá trị được duyệt.

Kết quả kiểm toán 09 chương trình, 23 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng (Thu hồi nộp NSNN 293 tỷ đồng; giảm thanh toán 1.048 tỷ đồng; xử lý khác 20.383 tỷ đồng).

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201907/duong-sat-cat-linh-ha-dong-bo-gtvt-tu-y-qua-mat-chinh-phu-va-quoc-hoi-636350/