Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ: Chuyện giấy tờ?

Nguyên nhân chính khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể hoạt động là do tổng thầu mất giấy tờ nhưng chưa có hướng xử lý.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải hoàn thành trong năm 2020 là đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.

Đây là dự án đã trễ hẹn 3 năm so với tiến độ đề ra. Bộ GTVT cũng nhiều lần lên tiếng hứa tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhưng sau đó phải lùi lại.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 10 lần thất hứa, lỗi hẹn, chậm tiến độ, dự án Cát Linh - Hà Đông cũng đội vốn tới 200%.

Một trong những nguyên nhân chính khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ là do tổng thầu phía Trung Quốc bị mất giấy tờ nên không thể cung cấp đầy đủ hồ sơ dự án theo yêu cầu kiểm định của đơn vị tư vấn.

Ảnh Vietnamnet.

Ảnh Vietnamnet.

Tuy nhiên, hiện Bộ GTVT chưa tìm ra được giải pháp để tháo dỡ khó khăn này. Trong buổi họp báo Chính phủ thời điểm cuối năm 2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng thừa nhận, vướng mắc lớn nhất là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống.

Việc cung cấp hồ sơ của Tổng thầu Trung Quốc chưa đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu để làm cơ sở đánh giá đoàn tàu và đưa vào khai thác.

Tồn tại này Bộ GTVT đang tích cực làm việc với Tổng thầu và phối hợp với Hà Nội để giải quyết.

“Phải đánh giá xong hệ thống thì mới đưa đoàn tàu vào chạy thử, tích hợp hệ thống bán vé tự động, kiểm soát tự động, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điều độ đoàn tàu chạy liên tục 3-4 phút/chuyến. Thời gian chạy thử trong vòng 20 ngày, sau đó mới đưa vào khai thác chính thức và nghiệm thu dự án”, ông Đông cho hay.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải cho rằng, việc bổ sung các hồ sơ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian. Tất cả các văn bản, hồ sơ đều được thực hiện theo quy trình và được lưu trữ cẩn thận. Theo tính toán của ông Thủy, việc hoàn thiện này chỉ diễn ra trong khoảng từ nửa tháng tới một tháng, không thể kéo dài tới nửa năm hay vài năm như cảnh báo.

Còn trong trường hợp không thể tìm được văn bản để hoàn thiện hồ sơ, ông Thủy cho rằng có thể làm lại và truy ngay trách nhiệm của những người có liên quan tới các văn bản đó. Việc làm lại văn bản cũng không mất quá nhiều thời gian do chúng ta đã có đầy đủ máy móc, thiết bị đo đạc rất hiện đại, không có gì phức tạp.

"Giống như một cây cầu đã làm xong nếu muốn cho phương tiện đi qua họ sẽ phải chất tải lên các phương tiện và gắn kèm các máy đo ứng suất, đạt tiêu chuẩn xe sẽ được chạy.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng vậy, chúng ta đã làm đề-pô, đã có đường, dầm, cầu và tàu đã chạy thử rất lâu rồi, nếu bây giờ vẫn không thể cho tàu chạy được nghĩa là đang có vấn đề rất đặc biệt chứ không phải do hồ sơ. Cần đặt câu hỏi nguyên nhân thực sự là do đâu? Liệu có thể do yêu cầu đáp ứng an toàn của dầm và trụ cầu không đạt mà tàu không thể đưa vào hoạt động không?", ông Thủy đặt nghi vấn.

Từ góc độ cá nhân, ông Thủy đề nghị thành lập hội đồng kiểm định dự án độc lập để làm cho rõ, trả lời cho rõ lý do vì sao dự án đã hoàn thiện tới 99%, chỉ còn 1% chưa hoàn thiện mà dự án mãi không thể đưa vào khai thác thương mại.

"Nếu là do công nghệ, thiết bị lạc hậu, nguy cơ không bảo đảm an toàn, dễ gây cháy nổ, tai nạn, dầm trụ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật hay còn vì lý do gì cũng phải được nói rất rõ ràng, trả lời rất rõ ràng để dư luận được biết.

Bộ GTVT phải có trách nhiệm trong chuyện này, phải chịu trách nhiệm trước việc không đưa được dự án vào hoạt động", ông Thủy nói.

Ngọc Văn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-sat-cat-linh-ha-dong-cham-tien-do-chuyen-giay-to-3395981/