Đường sắt gặp khó do thiếu đầu tư

Mặc dù ngành đường sắt trong năm 2019 duy trì kết quả ở mức bằng so với cùng kỳ năm trước, nhưng tất cả các chỉ tiêu đề ra đều không đạt. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do thiếu sự đầu tư.

Ngành đường sắt mặc dù đã cải thiện chất lượng nhưng còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề đầu tư.

Mọi chỉ tiêu đều... không đạt

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2019, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, sản lượng, doanh thu toàn Tổng công ty tuy duy trì được mức bằng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, dự kiến toàn tổng công ty, sản lượng đạt hơn 8.402 tỷ đồng, bằng 100,5% so với cùng kỳ 2018, bằng 98,1% kế hoạch; doanh thu hơn 8.191 tỷ đồng, bằng 100% cùng kỳ, bằng 97,2% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động 9,12 triệu đồng/người/tháng.

Trong đó, Công ty mẹ, doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng, bằng 93,1% so với cùng kỳ, đạt 97,3% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 13,9 tỷ đồng. Khối vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 4.273,3 tỷ đồng, bằng 98,7% cùng kỳ và 92,5% kế hoạch do các công ty vận tải xây dựng.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, năm 2019 là một trong 3 năm khó khăn nhất của ngành đường sắt. Đường sắt đang là lĩnh vực được đầu tư ít nhất trong lĩnh vực giao thông.

Trong năm 2019, hàng không liên tục mở mới các hãng, các chặng bay ngắn nên đã tạo áp lực lên đường sắt. Trong khi đó, vận tải hàng hóa của đường sắt cũng bị cạnh tranh bởi đường biển và đường bộ.

Về cơ chế đầu tư, đường sắt cũng nhận được sự đầu tư rất thấp so với với hàng không và đường bộ. Năm 2019 ghi nhận hàng loạt đường cao tốc được làm mới, nhiều cảng hàng không đi vào hoạt động thì một số địa phương lại muốn di dời ga đường sắt ra khỏi nội đô.

Ông Trần Thiện Cảnh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, cơ sở hạ tầng cũ đã hạn chế tốc độ chạy tàu nên làm tăng thời gian di chuyển của hành khách. Mặt khác, hầu hết các nhà ga đều đã được xây dựng từ rất lâu, quá niên hạn sử dụng hoặc mất an toàn.

Không chỉ gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng cũ mà còn đang bị một số địa phương hạn chế tàu vào thành phố giờ cao điểm. “Việc sắp xếp lại khung giờ chạy của các đoàn tàu cũng khiến đường sắt gặp nhiều khó khăn” - ông Cảnh nói.

Trong khi đó, bà Phùng Thị Lý Hà - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội phàn nàn hạ tầng phục vụ du lịch như phòng đợi tàu, khu vệ sinh hay các trang thiết bị dành riêng cho các đoàn khách trong khi chờ tàu không có, hoặc nếu có cũng không bảo đảm yêu cầu.

Giấc mơ xa vời

Hệ thống đường sắt của Việt Nam hiện nay mới phát triển ở mức vừa phải. Anh Trần Văn Trí - Trưởng tàu SE3 cho biết: “Chất lượng phục vụ trên các chuyến tàu Thống Nhất nói riêng và của ngành đường sắt nói chung về cơ bản đã làm hài lòng hành khách”. Theo anh Trí, tuy thời gian di chuyển tàu chưa bằng máy bay nhưng vẫn có những lợi thế riêng và đang có lượng khách nhất định.

Để tiếp tục phát triển ngành đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì xây dựng Đề án cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt, góp phần bảo đảm giành được 3 - 4% thị phần vận tải theo quy hoạch giai đoạn 2020 - 2030.

Theo đó, đề án sẽ tập trung vào các giải pháp cải thiện hạ tầng kết cấu hạ tầng đường sắt bằng cách đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp; Đồng thời đầu tư hạ tầng dịch vụ khu ga. Cùng đó, nâng cao chất lượng dịch vụ ở nhiều mặt, từ chất lượng phương tiện đến đào tạo...

Ông Vũ Khắc Điệp - Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho biết, để thực hiện được đề án này cần tăng 15% vốn bảo trì cho hạ tầng đường sắt hàng năm để dần cải thiện hạ tầng hiện hữu. “Thực tế hiện nay không được như vậy. Năm 2020, khoản tiền này tăng khoảng 2,9%, thậm chí không đủ trả chênh lệch nhân công do tăng lương cơ bản” - ông Điệp nói.

Cùng nhìn nhận những khó khăn, ông Trần Thiện Cảnh cho rằng, mục tiêu chiếm 3 - 4% thị phần là vô cùng khó. Theo ông Cảnh, nếu không được quan tâm, có cơ chế ưu đãi đầu tư như Luật Đường sắt 2017 đã đề ra, vận tải đường sắt chắc chắn không đạt được mục tiêu này.

Kêu gọi đầu tư

Để chủ động phát triển ngành đường sắt, đại diện VNR đề nghị được kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt trong và ngoài khu ga như: Trung tâm thương mại; nhà hàng; dịch vụ lưu trú, khách sạn; văn phòng cho thuê; quảng cáo; dịch vụ tổ chức sự kiện; dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí…

Theo ông Cảnh, VNR có thể tự đầu tư hoặc liên doanh, liên kết và kêu gọi các nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà ga nhằm đem lại sự thuận tiện tối đa cho hành khách và tăng doanh thu trong ngành. “Dự kiến nếu triển khai ngay thì đến năm 2025, các dịch vụ này sẽ đem lại khoảng 70 tỷ đồng/năm, tương đương tăng 145% so với doanh thu từ dịch vụ này hiện nay” - ông Cảnh đưa ra con số cụ thể.

Ông Vũ Anh Minh cũng dẫn giải 1 ví dụ về những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, liên quan đến sự vướng mắc trong cơ chế đầu tư, đó là thực trạng ga Sông Lũy khi ga này cần 30 tỷ để đầu tư với mục tiêu tăng doanh thu khoảng 200 tỷ, nhưng lại không thể triển khai. Lý do được đưa ra là do Nhà nước không có vốn, nhưng doanh nghiệp có vốn thì lại không thể bỏ tiền ra đầu tư.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của ngành đường sắt, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, năng lực cạnh tranh của đường sắt đối với các phương tiện vận tải khác tương đối yếu, đặc biệt là những tuyến chịu sự cạnh tranh quá lớn của việc phát triển hệ thống đường bộ cao tốc như tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng. Do đó, cần đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, cần nghiên cứu chỉ tập trung vào các tuyến thực sự có lợi thế.

Xuân Phú

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/duong-sat-gap-kho-do-thieu-dau-tu-4058181-b.html