Đường sắt làm gì khi tăng gần 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ?

Đúng là vốn điều lệ tăng 982 tỷ, nhưng thực ra dòng tiền thấp, không phải vốn có thể dùng trực tiếp đầu tư.

Ông Vũ Anh Minh

Ông Vũ Anh Minh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt VN thêm gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này lấy từ nguồn nào, sẽ sử dụng ra sao?... Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh trao đổi với Báo Giao thông làm rõ những vấn đề này.

Dòng tiền thấp

Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt VN. Ông có thể cho biết cụ thể nội dung quyết định này?

Ngày 21/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1254 phê duyệt điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt VN. Theo đó, Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2017-2019 điều chỉnh tăng vốn điều lệ tổng công ty từ 2.268 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng. Nguồn bổ sung vốn điều lệ tăng thêm cụ thể là: Chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ đến ngày 31/12/2016 là 452,4 tỷ đồng; Quỹ đầu tư phát triển đến ngày 31/12/2016 là 89,7 tỷ đồng và trích từ lợi nhuận sau thuế từ năm 2017 trở đi (khoảng 193 tỷ đồng); Cùng đó là Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Công ty mẹ - Tổng công ty đến ngày 31/12/2016 là 71,9 tỷ đồng; Tăng vốn và tài sản gói EP thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội - TP.HCM theo Quyết định số 1693 của Bộ GTVT 155,58 tỷ đồng; Chênh lệch giá ray chuyên dùng là 19,26 tỷ đồng.

Vốn điều lệ tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng sẽ tạo thêm nguồn vốn lớn để Tổng công ty Đường sắt VN đầu tư phát triển, thưa ông?

Đúng là vốn điều lệ tăng 982 tỷ đồng, nhưng thực ra dòng tiền lại thấp, không phải vốn có thể dùng trực tiếp đầu tư. Cụ thể, trong nguồn vốn bổ sung trên, chênh lệch vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ chiếm tỷ lệ lớn, hơn 50%. Đây là giá trị tăng lên tại thời điểm đánh giá lại doanh nghiệp khi cổ phần hóa (CPH) chứ không tạo ra dòng tiền.

"Chúng tôi xác định trách nhiệm của ngành Đường sắt là khai thác tối đa năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt mà Nhà nước đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước. Muốn vậy, chúng tôi phải đầu tư vào kho tàng, bến bãi, ICD, phương tiện bốc xếp, đầu máy toa xe, nhà ga, thiết bị công trình, cơ khí, đào tạo… Tất cả những hoạt động đầu tư ấy đều phải có vốn. Việc tăng vốn điều lệ hình thành từ các nguồn như trên, đồng thời cơ hội vay vốn tăng lên là cơ sở để chúng tôi thực hiện được mục tiêu này”.

Ông Vũ Anh Minh

Ví dụ, lúc trước một công ty con được định giá theo sổ sách là 10 tỷ đồng, khi CPH định giá lại doanh nghiệp thành 15 tỷ đồng, như vậy 5 tỷ đồng tăng lên không thành dòng tiền. Hay nguồn từ Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội - TP.HCM cũng không phải dòng tiền, vì khi Bộ GTVT giao dự án cho tổng công ty thực hiện, xác định đưa vào giá trị, tài sản của doanh nghiệp để tăng vốn Nhà nước. Như vậy, vốn đã đưa vào đầu tư cầu, sau đó giá trị cầu được chuyển là tài sản tổng công ty làm tăng tài sản, tăng vốn Nhà nước.

Cùng đó, vốn từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển là dòng tiền do tổng công ty tích lũy trong quá trình phát triển SXKD, trích vào các quỹ từ lợi nhuận, trong đó có quỹ đầu tư phát triển để có vốn tiếp tục đầu tư các dự án. Với nguồn lợi nhuận sau thuế, theo tính toán của tổng công ty, từ năm 2017 - 2020 sẽ có lợi nhuận và sẽ trích từ lợi nhuận này để đưa vào tăng vốn điều lệ.

Còn nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp là nguồn thặng dư từ quỹ này sau khi thực hiện CPH, tái cơ cấu các đơn vị thành viên. Nguồn thặng dư hình thành từ việc bán, chuyển nhượng cổ phần, sau khi trừ đi các chi phí bao gồm cả giải quyết chế độ cho người lao động… Tổng nguồn vốn bổ sung tạo ra dòng tiền cũng không lớn, chỉ khoảng 373 tỷ đồng.

Tăng vốn điều lệ sẽ tạo đà phát triển thuận lợi cho đường sắt Việt Nam - Ảnh: Tạ Tôn

Tăng cơ hội tiếp cận vốn để đầu tư

Tổng công ty Đường sắt VN sẽ sử dụng tiền từ việc tăng vốn điều lệ này như thế nào, thưa ông?

Về bản chất, tăng vốn này là tăng quy mô của vốn chủ sở hữu hay quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp, tăng tương ứng hơn 40%. Tăng quy mô về vốn sẽ tăng các hệ số an toàn về tài chính cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất là tạo cơ hội cho Tổng công ty Đường sắt VN có thể tiếp cận các nguồn vốn tốt hơn, để sử dụng các công cụ, đòn bẩy tài chính cho hoạt động đầu tư, SXKD của doanh nghiệp. Ví dụ, với vốn điều lệ 2.268 tỷ đồng, theo quy định tổng nợ phải trả tối đa sẽ gấp 3 lần vốn, như vậy khả năng vay và huy động vốn cùng các khoản nợ khác tối đa chỉ được gần 7.000 tỷ đồng. Nhưng với vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, con số này lên tới 9.700 tỷ đồng.

Như vậy, khi chỉ số tài chính đẹp hơn, tổ chức tín dụng cảm thấy an toàn hơn khi cho doanh nghiệp vay vốn nên tổng công ty sẽ vay được vốn tốt hơn. Mặt khác, hoạt động tài chính của tổng công ty cũng an toàn hơn. Chẳng hạn, tổng công ty vẫn vay 7.000 tỷ đồng nhưng với vốn điều lệ cũ, vốn vay này đã kịch trần, với vốn điều lệ mới chưa kịch trần.

Ngoài ra, tổng công ty có thể duy trì tỷ lệ vốn góp tại các công ty cổ phần cần duy trì ở tỷ lệ nhất định, nhất là tỷ lệ cổ phần chi phối. Như một công ty cổ phần có vốn 100 tỷ đồng mà tổng công ty đang nắm giữ tỷ lệ vốn góp 51%. Nếu công ty này cần tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động, Tổng công ty có vốn góp vào sẽ duy trì được tỷ lệ nắm giữ.

Hơn nữa, trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt VN là phải bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ cũng cho thấy Tổng công ty Đường sắt VN đã thực hiện được nhiệm vụ này: Vốn đang từ 2.268 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng mà hầu như không phải Nhà nước cấp thêm.

Cảm ơn ông!

Thanh Thúy (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/duong-sat-lam-gi-khi-tang-gan-1000-ty-dong-von-dieu-le-d223750.html