Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lùi thêm 5 năm, điều gì sẽ xảy ra?

UBND TP. Hà Nội vừa trình HĐND Thành phố đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội thêm 5 năm, từ 2022 sang 2027 và tăng vốn 1.900 tỷ đồng. Nếu dự án bị chậm thêm 5 năm nữa, điều gì sẽ xảy ra? Ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ông Đăng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và Phát triển, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung này.

PV:Thưa ông, nếu dự án Nhổn - ga Hà Nội lùi thêm 5 năm nữa thì điều gì sẽ xảy ra, trước hết là về giao thông?

Ông Đăng Huy Đông: Tôi không nghĩ vô cớ mà TP. Hà Nội đề xuất như vậy, họ phải có lý do rất xác đáng nào đó. Nhưng việc lùi dự án thì sẽ kéo dài tình trạng ùn tắc, sự tắc nghẽn của thành phố đang hiện hữu đây còn bị kéo dài hơn nữa.

Thứ hai là kéo thêm 5 năm nữa, họ lại quây rào ở đâu đó nữa thì cộng thêm, gia tăng tắc nghẽn lên. Tiếp tục đẩy giá lên rồi là cái nợ sẽ tăng lên vì kéo dài.

PV: Còn tác động về kinh tế và đầu tư thì sao, thưa ông?

Ông Đăng Huy Đông: Về kinh tế thì rõ ràng là kéo dài tác động kinh tế sẽ tăng chi phí, đội vốn. Như vậy là dự án đã không hiệu quả lại càng trở nên không hiệu quả.

Hiện nay chúng ta đắt gấp 5-6 lần so với giá công trình thương mại nếu tính toán đủ. Trên thế giới, chả có ai làm dự án theo kiểu mười mấy năm không xong lại còn kéo dài thêm 5 năm, rồi vốn thì cứ đội lên chình ình như thế.

Sắt thép hoen gỉ, công trình không một bóng người (Ảnh do PV VOV Giao thông chụp 3 tháng trước).

PV: Cùng với việc lùi thời hạn thêm 5 năm, thì vốn cũng đội thêm ước tính khoảng 1.900 tỷ đồng. Với những tác động nêu trên, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại này?

Ông Đăng Huy Đông: Để nói về trách nhiệm, chúng ta phải đi vào pháp lý, nhưng tôi cho rằng nó có nhiều nguyên nhân nhưng chúng ta biết trước được đã vào cuộc chơi này là đầy cạm bẫy, nhưng chúng ta vẫn cứ xông xáo lao vào, đấy là hệ quả đương nhiên thôi.

Bởi vì khi nền kinh tế có quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn thương mại, cạnh tranh sòng phẳng khi chúng ta phải dựa vào ODA, nhưng khi chúng ta đã bứt phá lên, đạt được mức thu nhập trung bình thì chúng ta phải từ bỏ ODA ngay.

Chúng ta làm chủ được tình hình thì lúc đấy mới bàn được trách nhiệm pháp lý là ai. Chứ còn làm theo ODA này thì quyền của người cho vay, chúng ta bị dẫn dắt từ thiết kế, cho đến tư vấn, xong lại thẩm định tư vấn cũng là họ, nhà thầu cũng là họ…

Dãy cửa hàng mặt phố Trần Hưng Đạo sầm uất trước đây, nay hầu hết đã đóng cửa đìu hiu.

Dãy cửa hàng mặt phố Trần Hưng Đạo sầm uất trước đây, nay hầu hết đã đóng cửa đìu hiu.

Chừng nào chúng ta làm theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, thì mọi thứ trở về đúng mực của nó ngay, có thưởng phạt rõ rệt, chậm là phạt, không có chuyện bầy nhầy tìm lý do khác được.

Tôi khẳng định là cũng nhưng người tư vấn đó mà người làm dự án thương mại sòng phẳng, quá 1-2 năm không xong là họ bị phạt, chất lượng sau ra mà bị đội vốn, bị chênh lệch, bị hụt, bị thiếu gì đó phạt tiếp.

Cho nên nguyên nhân sâu xa theo tôi là từ quan hệ trong hợp đồng tư vấn, và họ đều nói tư vấn là cho không, không hoàn lại, thế là lại càng là quyền lực. Chúng ta đừng có ỷ lại vào ODA nữa. TP. Hà Nội, TP. HCM là những thành phố có nền kinh tế vượt trội, đầu tàu, nếu biết làm theo đúng cơ chế, quy định và theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, dư sức để chúng ta tự làm cho chúng ta và nó sẽ thay đổi được bộ mặt thành phố.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quách Đồng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/duong-sat-nhon-ga-ha-noi-lui-them-5-nam-dieu-gi-se-xay-ra-post955816.vov