Đường Sông Nhạn - Dầu Giây: Kiến nghị đầu tư trọn vẹn

Tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây đang được gấp rút thi công và dự kiến hoàn thiện trong năm nay. Vừa qua, UBND huyện Thống Nhất đã kiến nghị cho nâng cấp đoạn qua địa bàn huyện, nhập vào dự án này nhằm khai thác hiệu quả hơn.

Nhà thầu đang thi công tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây đoạn cuối tuyến gần cầu Sông Nhạn.

Theo các cơ quan chuyên môn, việc đầu tư toàn tuyến đường đồng bộ còn thuận tiện cho cả công tác duy tu, bảo dưỡng sau này.

* Đường huyện “lên” đường tỉnh

Đường Sông Nhạn - Dầu Giây có chiều dài hơn 12km, điểm đầu của tuyến bắt đầu từ hương lộ 10 (đường Cẩm Mỹ - Long Thành) và điểm kết thúc tại cầu Sông Nhạn (huyện Thống Nhất). Đường Sông Nhạn - Dầu Giây có một đoạn khoảng hơn 2km qua địa phận huyện Thống Nhất trước khi nối vào đường 769 (đoạn Khu công nghiệp Dầu Giây). Theo Sở Giao thông - vận tải, dự án có chủ trương đầu tư từ năm 2007, mãi đến giữa năm 2010 mới có quyết định đầu tư và phải đến năm 2017 mới bố trí được vốn để triển khai dự án.

Dự án đường Sông Nhạn - Dầu Giây được xây dựng 3 cầu trên tuyến gồm: cầu Suối Đục có 1 nhịp dài 12m, khổ cầu rộng 9m, phần đường xe chạy 8m; cầu Quân Y có 1 nhịp dài 24m; cầu Suối Răm cũng có 1 nhịp dài 33m. Tất cả các dầm cầu được đúc bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; mặt cầu được thảm bê tông nhựa nóng. Cầu được thiết kế theo tải trọng HL93 (cho các loại xe chở đúng tải trọng thiết kế) không bị giới hạn tải trọng qua cầu.

Vào cuối tháng 7-2018, UBND huyện Thống Nhất có văn bản gửi UBND tỉnh xin nâng cấp, đầu tư hơn 2km đoạn đường do huyện quản lý nối với đường Sông Nhạn - Dầu Giây để đồng bộ và khai thác toàn tuyến hiệu quả.

Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Văn Quang cho rằng, đầu tư mới đoạn này là cần thiết vì mặt đường hiện đã xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt là cầu Sông Nhạn được làm bằng dầm thép từ trước năm 2000, nay đã không đồng bộ với kết cấu đường và tải trọng chỉ có 10 tấn là không còn phù hợp với nhu cầu vận tải.

Theo lãnh đạo huyện Thống Nhất, sau khi nâng cấp đoạn này, huyện bàn giao về cho tỉnh quản lý để duy tu, bảo dưỡng toàn tuyến cho thuận tiện. “Kiến nghị của huyện cũng đã được UBND tỉnh đồng ý và giao cho Sở Giao thông - vận tải chủ trì thực hiện việc này” - ông Nguyễn Văn Quang nói.

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết khi được sự chỉ đạo của tỉnh, Sở Giao thông - vận tải sẽ lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 từ tuyến đường huyện quản lý thành tuyến đường do tỉnh quản lý.

* Cần bổ sung 25 tỷ đồng

Tuyến đường Sông Nhạn - Dầu Giây do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào tháng 11-2017 với tổng số vốn là 84 tỷ đồng. Đường có thiết kế chiều ngang là 9m (trong đó mặt đường 7m, lề đường mỗi bên 1m) bằng bê tông nhựa nóng, tốc độ thiết kế cho lưu thông là 60km/giờ. Ông Nguyễn Linh, Trưởng phòng Giao thông Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết dự án dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12 năm nay.

Theo quy trình, đối với việc nâng cấp thành đường tỉnh, Sở Giao thông - vận tải sẽ tham mưu để điều chỉnh quy hoạch dự án trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp giữa năm 2019.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Linh cho rằng thực hiện theo phương án bổ sung vào dự án đang thi công là khả thi nhất, nếu không sẽ phải lập dự án đầu tư riêng mất rất nhiều thời gian. Theo khái toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, kinh phí bổ sung cho đoạn này vào khoảng 25 tỷ đồng. Dự án bổ sung phải mở rộng mặt đường (mặt đường hiện tại khoảng 6m) và xây dựng lại cầu Sông Nhạn. Theo tính toán của chủ đầu tư, nếu dự án được triển khai ngay thì thời gian hoàn thành dự kiến sẽ vào khoảng giữa năm 2019. Lúc đó toàn tuyến sẽ thông suốt từ hương lộ 10 đến đường 769.

Vân Nam

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201811/duong-song-nhan-dau-giay-kien-nghi-dau-tu-tron-ven-2921589/