Dương Tam Kha giết tướng giặc Hoằng Tháo?

Sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3, của NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản ra mắt mới đây khẳng định rằng Dương Tam Kha chính là người có công giết tướng giặc Hoằng Tháo (trong nhiều sách, tài liệu còn viết là Hoàng Thao, Hoằng Thao) trong trận chiến Bạch Đằng năm 938. Thông tin này khiến nhiều người sửng sốt.

Hình ảnh Hoằng Tháo trúng tên của quân Ngô Quyền trong loạt phim hoạt hình Hào khí ngàn năm - Ảnh: chụp màn hình

Sách nêu: “Trong trận Bạch Đằng năm 938, Dương Tam Kha góp công lớn bằng việc giết chết Hoằng Tháo, chủ tướng giặc Nam Hán” (trang 25).

PGS-TS Nguyễn Minh Tường, chủ biên cuốn sách đồng thời cũng là người chấp bút những trang này, cho biết: “Đó là nghiên cứu mới của tôi. Trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số tháng 9.2006 tôi cũng có một bài viết rất kỹ”.

Không có trong chính sử

Trong trận Bạch Đằng năm 938, quân Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, khiến tướng giặc là Hoằng Tháo bỏ mạng tại trận. Đây là mốc son mở ra thời kỳ độc lập lâu dài, chấm dứt 10 thế kỷ Bắc thuộc của nước ta. Về sự kiện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Khi binh thuyền của Hoằng Thao đã vào bên trong hàng cọc rồi, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền (Ngô Quyền - NV) mới tiến quân đánh. Chúng đều liều chết mà đánh, không kịp chỉnh đốn thuyền mà nước triều rút xuống mạnh, thuyền đều vướng vào cọc mà đắm, rối rít tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Quyền thừa thắng đuổi theo đánh, bắt được Hoằng Thao đem giết...”.

Còn theo các chuyên gia sử học thì chi tiết Dương Tam Kha giết Hoằng Tháo trong lịch sử từ xưa đến nay chưa từng được nhắc đến. PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, khi được hỏi đã nói ngay ông không thấy có chi tiết Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo trong lịch sử.

PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng Viện Sử học, cho biết: “Dương Tam Kha có tham gia trận chiến Bạch Đằng năm 938. Còn chuyện ai giết Hoằng Tháo thì không rõ. Trong chính sử thì không ghi. Có thể người ta dựa vào truyền thuyết, thần tích…”.

Sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3

Dựa vào thơ, câu đối và thần tích

Dương Tam Kha là con của Dương Đình Nghệ, là em (có sách nói là anh) của Dương hậu, vợ Ngô Quyền. Sau khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha từng tự lập làm vua, xưng là Dương Bình Vương.

Trong sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3, để chứng minh Dương Tam Kha là người giết Hoằng Tháo, PGS-TS Nguyễn Minh Tường dẫn ra 3 căn cứ. Căn cứ thứ nhất là vào bài thơ Quá Bình Vương cựu trạch từ (Qua đền trên nền nhà cũ Bình Vương) của TS Lê Tung, trong có câu: “Thực thung giang khẩu thiết kỳ mưu/ Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu” (dịch nghĩa: Cắm cọc xuống sông, khéo bày mưu lạ/Chém đầu Hoằng Tháo nhà Hán rửa hận cho cha). Dựa vào 2 câu thơ này, ông Nguyễn Minh Tường kết luận: “Lê Tung khẳng định Dương Tam Kha là người chém chết Hoằng Tháo” (trang 26).

Căn cứ thứ hai của PGS-TS Nguyễn Minh Tường là dẫn đôi câu đối tại đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha ở thị trấn Cổ Lễ (Nam Định): “Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang, thiên thu hách trạc/Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong” (dịch nghĩa: Dốc phù Ngô chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách/Chém chết Hoằng Tháo, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong).

Căn cứ thứ ba mà ông Tường đưa ra là dựa vào Thần tích đền Cổ Lễ và gia phả họ Dương. Tuy nhiên PGS-TS Nguyễn Minh Tường không nêu cụ thể niên đại của gia phả họ Dương và nội dung bản Thần tích đền Cổ Lễ.

Có thể thấy những gì trong cuốn sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3, viết Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo là hoàn toàn dựa vào những tư liệu từ dân gian, chứ không hề có trong chính sử. Bình luận về điều này, PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng: “Theo tôi chưa nên đưa Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo vào sách Lịch sử Việt Nam phổ thông. Vì nếu là một sự kiện lịch sử chính xác thì hãy đưa vào những sách phổ biến có tính chất giáo dục truyền thống, còn chưa thực sự chính xác thì người ta hay dùng từ tương truyền”.

Hoằng tháo chết… đuối ?

Dịch giả Châu Hải Đường, căn cứ vào 17 bộ sử của Trung Quốc (từ Sử ký của Tư Mã Thiên; Hán thư của Ban Cố; Hậu Hán thư của Phạm Việp; Tam Quốc chí của Trần Thọ; cho đến Tống sử, Nguyên sử, Minh sửThanh sử cảo) để dịch và biên soạn cuốn An Nam truyện (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) cho biết: Trong bộ sách Tân ngũ đại sử do Âu Dương Tu biên soạn ghi chép lịch sử Trung Quốc từ năm 907 nhà Hậu Lương đến năm 960 nhà Hậu Chu, quyển 65 có tên gọi Nam Hán thế gia chép việc Lưu Nghiễm (sử VN thường gọi là Lưu Cung - NV) vua Nam Hán phong con trai là Hoằng Tháo (sử Trung Quốc ghi là Hồng Tháo - NV) làm Giao Vương, xuất binh đến Bạch Đằng để đánh. Ngô Quyền cho đóng cọc sắt dưới biển, quân của Ngô Quyền nhân nước triều mà tiến. “Hồng Tháo đuổi theo, nước triều rút, thuyền trở lại, đâm phải cọc đều lật chìm. Hồng Tháo chiến tử, Nghiễm thu thập tàn quân mà quay về” (trang 236).

“Như thế, đoạn trên dù không nêu rõ Hoằng Tháo chết vì lý do gì nhưng cũng không hề nói Hoằng Tháo bị chém chết”, dịch giả Châu Hải Đường bày tỏ. Tuy nhiên một chuyên gia nghiên cứu lịch sử trung đại thuộc Viện Sử học khi trao đổi với PV cho biết sử Trung Quốc nói rằng Hoằng Tháo bị chết… đuối.

Còn loạt phim hoạt hình sử Việt Hào khí ngàn năm phát trên sóng VTV thể hiện Hoằng Tháo chết vì bị trúng tên của quân Ngô Quyền.

Kiều Mai Sơn

T.Hậu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/duong-tam-kha-giet-tuong-giac-hoang-thao-1002907.html