Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Cách đây 60 năm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã ra đời và góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Con đường huyền thoại ấy đã được xây nên bằng trí tuệ, tinh thần quả cảm và sự hy sinh của cả một lớp người đi trước.

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2019):

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh. Ảnh: Lê Hà

Con đường huyền thoại

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Để giữ vững liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, yêu cầu đặt ra là cần có một con đường vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1-1959), sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Ra đời tháng 5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559 với biên chế 500 cán bộ, chiến sĩ. Con đường được khai sinh đúng Ngày sinh của Bác nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Từ đó, ngày 19-5 trở thành ngày truyền thống Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (ngày nay thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh tỉnh Bình Phước, với gần 17.000 km chiều dài, 3.000 km đường giao liên và đi qua 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Con đường được xây nên bởi trí tuệ, tinh thần quả cảm và sự hy sinh của cả một lớp người đi trước. Ở mỗi giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh liên tục được nối dài, mở rộng và nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế, vận chuyển phương tiện, vũ khí, cung cấp tài chính cho chiến trường miền Nam. Mùa khô 1960-1961, Trung ương Đảng NDCM Lào đã nhất trí với đề nghị của ta mở tuyến đường vận tải trên đất bạn và đề nghị dùng để vận chuyển một số nhu cầu thiết yếu của bạn tới Nam Lào, cùng bạn mở rộng vùng giải phóng ở khu vực này, Đoàn 559 chính thức bước vào hoạt động trên tuyến Tây Trường Sơn. Giai đoạn 1965-1968, tuyến vận tải cơ giới đường Hồ Chí Minh tiếp tục vươn sâu chi viện cho chiến trường miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Mặc cho kẻ thù điên cuồng dốc lực ngăn chặn, đánh phá, Quảng Bình, Quảng Trị trở thành “túi” bom đạn khổng lồ với hàng triệu tấn bom, đạn các loại, cùng những tọa độ vô cùng ác liệt, nhưng đường Hồ Chí Minh vẫn liên tục được mở rộng, không chỉ phát triển các tuyến vào chiến trường Nam bộ và Tây Nguyên mà còn được phát triển mạnh ra phía Bắc, đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ những năm 1969-1972. Những năm 1973-1975 đường Hồ Chí Minh được hoàn thiện mạng vận tải chiến lược trên địa bàn cả Đông và Tây Trường Sơn để tăng cường vận chuyển vũ khí, lương thực trong cả mùa khô và mùa mưa, bảo đảm cho tất cả loại binh khí kỹ thuật cơ động trong đội hình hành quân của các quân đoàn, binh chủng hợp thành ra trận, góp phần giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

16 năm với gần 6.000 ngày đêm trên con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tính đến giữa năm 1974, tổng quân số lên đến 100.495 người, trong đó có 13.155 sĩ quan gồm đủ các lực lượng, công binh, vận tải, phòng không - không quân, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến..., lập nên nhiều kỳ tích anh hùng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Bộ đội Trường Sơn qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa; 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn; đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc. Các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu hơn 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt sống 1.200 tên, gọi hàng hơn 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Trường Sơn còn là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng, kỹ thuật, “bàn đạp” xuất kích cho các binh đoàn chủ lực tiến công.

Con đường của “Ý chí sắt đá”, “gan vàng, dạ ngọc”

Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa của bộ đội, dân công. Mỗi lực lượng đều quyết tâm cao trong khi làm nhiệm vụ và chiến đấu. Lực lượng cầu đường nguyện làm “tường đồng vách sắt” “máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”; lực lượng vận tải xứng đáng danh hiệu “gan vàng dạ ngọc” thà hy sinh trên tay lái “còn người, còn xe, còn hàng”; lực lượng pháo phòng không “đánh giỏi, bắn trúng”; lực lượng giao liên với đôi chân vạn dặm đưa đón bố trí ăn ở cho các cán bộ vào ra các chiến trường an toàn, bí mật, xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”; lực lượng xăng dầu “quý xăng như máu” vận chuyển an toàn xăng dầu vào chiến trường, tham gia chiến dịch...

Gian khổ, ác liệt, nhưng bộ đội Trường Sơn luôn vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước bất cứ khó khăn, gian khổ, ác liệt nào. Núi rừng Trường Sơn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại, hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, hóa chất độc của kẻ thù gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường. Thế nhưng, con đường huyền thoại đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất diệt. Con đường huyền thoại ấy còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thực sự là một chiến trường ác liệt, hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 30.000 người bị thương và hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học. Trong đó, có hơn 2.000 người con Thanh Hóa mãi mãi nằm lại đại ngàn Trường Sơn, gần 5.000 đồng chí bị thương, 2.910 đồng chí bị ảnh hưởng chất độc hóa học.

Bằng một “ý chí sắt đá”, “gan vàng, dạ ngọc”, Bộ đội Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh; 82 đơn vị, 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương các loại và Dũng sĩ diệt Mỹ. Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cao quý. Thanh Hóa vinh dự có 6 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn đồng chí được tặng thưởng huân chương các loại và Dũng sĩ diệt Mỹ.

Đường Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới

60 năm trôi qua, đường Hồ Chí Minh năm xưa đã đổi thay nhiều. Sự sống đã hồi sinh mãnh liệt. Năm 2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng, đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km. Đó là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Gắn với đường Hồ Chí Minh là Bộ đội Trường Sơn, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn đã nhiều lần đổi tên, sáp nhập và tên gọi hiện nay là Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Là một trong những tổng công ty hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông cầu đường, thủy điện, thủy lợi, có đủ khả năng xây dựng công trình giao thông trọng điểm, các công trình có quy mô lớn trong nước và quốc tế. Với nhiều thành tích trong xây dựng kinh tế - quốc phòng thời kỳ đổi mới, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn và nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, xứng đáng là đơn vị kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/duong-truong-son--duong-ho-chi-minh-huyen-thoai/101186.htm