Đường Trường Sơn huyền thoại

Cách đây đúng 60 năm ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, tổ chức đảm bảo cho 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Với chiến lược bí mật, chủ động tiến công, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy yêu cầu Đoàn tuyệt đối giữ bí mật, không để đối phương biết được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, dù chỉ là một hoạt động nhỏ lẻ.Những lớp cán bộ đầu tiên thực hiện kế hoạch mở đường Trường Sơn đã thực hiện 'đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng' và 'đánh địch mà đi, mở đường mà tiến' để thực hiện bằng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa, lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để đảm bảo an toàn, bí mật và thuận tiện cả 3 hướng giao thông: theo đường thủy là sông Ngàn Sâu, đường 15 và đường sắt, Đoàn 559 được lệnh chuyển địa điểm từ Quảng Bình về đóng quân, giấu hàng tại xã Hương Đô, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Khi phát hiện ra tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam, kẻ thù điên cuồng dùng máy bay đánh bom, thả quân đổ bộ nhằm chặn đứt chi viện. Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, quân đội Mỹ đã thả xuống 3 quả trên mỗi mét vuông đất. Những quả đồi, những con đường biến dạng hàng ngày vì mưa bom. Những người lính trường sơn ngoài nhiệm vụ mở đường lại thêm 1 nhiệm vụ mới là đánh địch.

Trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, từ 1 con đường mòn những người lính Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống đường vận tải quân sự với nhiều trục dọc, trục ngang phức tạp có độ dài lên đến 17.000km; có đường ống xăng dầu dài 1.400km, đường giao liên và tải thương dài 1.200km. Tuyến đường hoàn chỉnh đến mức nước Mỹ, dù huy động trí tuệ, sáng chế ra các chương trình chiến tranh tự động, chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học nhằm chặn động mạch chủ chi viện cho tiền tuyến nhưng bất lực. (đồ họa)

Chỉ trong 16 năm từ ngày mở đường đến ngày hoàn toàn giải phóng, Bộ đội Trường Sơn phải kiên cường chịu đựng trên 730.000 trận oanh kích của địch với hơn 4 triệu tấn bom đạn, hơn 23.000 người hy sinh, hơn 3 vạn người và hàng chục vạn người bị nhiễm chất độc da cam.

Chiến tranh lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên mảnh đất toàn hố bom năm nào.

Thời gian khiến mờ phai nhiều kỷ niệm nhưng ký ức của những chiến sỹ Trường Sơn năm nào vẫn vẹn nguyên dấu ấn về những tháng ngày gian lao mà anh dũng, tạo nên một huyền thoại trong lịch sử của một dân tộc anh hùng.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/duong-truong-son-huyen-thoai