Đường về nhà

Ai cũng có một con đường về nhà. Không có đường về nhà giống nhau cho tất cả mọi người. Nhưng đó chắn hẳn đều là con đường nhiều cảm xúc, của những người trở về.

G yêu quí!

Chưa năm nào như năm nay G ạ, tháng giêng gì mà chẳng náo nức hội hè, không dập dìu không khí du xuân. Lỗi đều do một con virus quái ác gây ra. Một nỗi lo chung của mọi quốc gia. Toàn cầu hóa oái ăm thay lại được hình dung rất rõ khi cả thế giới lao đao vì một thứ dịch bệnh. Thế giới bây giờ không thể “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” được nữa rồi. Nước Mỹ xa xôi mà G đang cư trú hay quê nhà Việt Nam có đường biên giới chung với Trung Quốc - nơi có thành phố Vũ Hán khởi nguồn dịch - thì mối lo cũng như nhau cả thôi.

Càng ngày công nghệ thông tin càng làm cho chúng ta gần nhau hơn. Mỗi ngày vẫn nhìn thấy G trên mạng xã hội, mỗi ngày có thể chúng ta vẫn nghe thấy tiếng nhau, nhìn thấy nhau mà trò chuyện… Nhưng mà chúng ta trong suốt những năm qua, bất chấp công nghệ có phát triển thế nào, vẫn giữ cho mình một thứ còn lại của những tháng năm tuổi trẻ: Thỉnh thoảng lại viết cho nhau những bức thư thật dài. Dường như là giữa chúng ta những dòng chat liên tục ngắt quãng xuống dòng chỉ làm nhiệm vụ chuyển tải những thông tin tức thời mỗi ngày chứ nó vẫn chưa thay thế được những bức thư mà ở đó có chiều sâu thăm thẳm ở dưới những dòng chữ.

G ạ, hôm nay tôi bỗng thấy nhớ thời thanh xuân lạ lùng. Chúng ta có chung một thời niên thiếu diễn ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước vừa nghèo vừa trong trẻo. Dạo vừa rồi ở Việt Nam, người ta dựng lên những quán ăn, nhà hàng mang phong cách thời bao cấp, những triển lãm về thời bao cấp. Ở truyền hình cũng có những chương trình rầm rộ gợi nhớ về những năm tháng ấy. Tôi thường im lặng trước mỗi lần có một sự kiện như vậy, tôi cũng ít khi đến ăn ở một nhà hàng kiểu như thế. Trong tất cả những phim ảnh liên quan đến ký ức, không hiểu sao tôi chỉ ấn tượng với bộ phim “Hồi ức 1988” của Hàn Quốc. Một bộ phim về một Hàn Quốc ở thập niên 80 mà có nhiều thứ giống hệt niên thiếu ở Việt Nam của bọn mình khi ấy. Một bộ phim xem thì thật bình dị mà hay đến từng chi tiết. G ơi, tôi luôn nghĩ rằng ký ức không phải là thứ để tò mò, để cười cợt xem hồi ấy lạc hậu hay khổ sở thế nào như cách mà nhiều triển lãm thời bao cấp vừa qua mang lại. Ký ức cũng không phải thứ để sến súa chứng minh tuy nghèo mà tình cảm mà hay ho hơn bây giờ. Ký ức là một phần cuộc đời mình, nó chẳng gồm toàn điều hay cũng không toàn điều dở, cuộc sống đã diễn ra như thế và chúng ta thuộc về nó, ở trong những giai đoạn cụ thể. “Hồi ức 1988” cho tôi cảm giác ấy. Cuộc sống của những đứa trẻ ở một xóm nhỏ diễn ra như thế, trong sự thiếu thốn, trong sự trong trẻo, trong ấm áp và hồn nhiên.

Nhân tiện đây cũng phải nói rằng trong độ 3 thập niên qua, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã làm mưa làm gió không phải chỉ ở các quốc gia châu Á mà vươn lên cả tầm thế giới rồi. Tôi nói điều này không phải chỉ vì bộ phim “Ký sinh trùng” vừa đoạt 4 giải Oscar. Tôi không phải là người thích phim “Ký sinh trùng” nhưng tôi nghĩ rằng 4 tượng vàng Oscar vừa rồi là kết quả tất yếu của chiến lược phát triển điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc suốt những thập niên qua. Cách đây đến 20 năm, khi mình chạm vào phim ảnh Hàn Quốc, mình đã hiểu rằng họ đã trở thành một “ông lớn” thực sự. Trong những năm tháng mà truyền hình Việt Nam ngập tràn phim Hàn Quốc, nhiều người chê bai là sến, là phù hợp với các bà nội trợ, tôi đã lặng lẽ tiếp cận với những bộ phim điện ảnh của đất nước này. Và những “Xuân Hạ Thu Đông”, “Oldboy”, “Câu chuyện hai chị em”, “Piestà”, “Hồi ức kẻ sát nhân”, “Bước đường cùng”… hay một dòng khác nhẹ nhàng hơn thì những “Hoa cải vàng”, “Chuyện ở phòng giam số 7”, “Đường về nhà”… đã khiến chúng ta ngả mũ trước những đạo diễn Hàn Quốc, trong đó có những tên tuổi vào hàng quái kiệt của điện ảnh ngay cả đối với thế giới như Park Chan-Wook, Kim Jae Woon, Kim Ki Duk, Na Hong Jin và Bong Joon Ho- người vừa đoạt tượng vàng Oscar vừa rồi. Mà những đạo diễn Hàn Quốc đương đại ấy có phần còn bùng nổ hơn so với điện ảnh châu Á truyền thống vốn chinh phục thế giới chủ yếu bằng dòng phim nghệ thuật và sự khác lạ của bản sắc văn hóa. Thứ hạng của điện ảnh châu Á đã phải phân chia lại, điền thêm vào đó những cái tên “quái kiệt” Hàn Quốc như vừa kể bên cạnh những tên tuổi đã thành danh của điện ảnh Trung Quốc, Nhật Bản, Iran…

G ạ, nói chuyện về điện ảnh, có lẽ sẽ là câu chuyện khó dứt ra được của chúng ta. Có lẽ điều này G còn chưa biết, rằng G là người ảnh hưởng đến tôi nhiều lắm, trong việc hình thành tình yêu và khả năng hưởng thụ điện ảnh và hội họa của tôi. Chính là trong những buổi tối khi chúng ta ngồi học đến khuya lắc khuya lơ ở ký túc xá Mễ Trì, tôi đã được G giới thiệu cho những cuốn sách vỡ lòng về hội họa và điện ảnh, chúng ta đã cùng nhau nói về những bộ phim, về các đạo diễn, về những bức tranh… Năm tháng qua đi, nhiều thứ cảm xúc đã mất đi, nhưng không hiểu sao cho đến tận bây giờ, cảm xúc khi xem một bộ phim hay, khi nhìn thấy một bức tranh đẹp thì với tôi vẫn vẹn nguyên như thời thanh xuân trong trẻo. Tôi vẫn thấy nghẹn thở khi xem đến những hình ảnh cuối cùng của bộ phim “Đường về nhà” của đạo diễn Lee Jung Hyang. Thế giới có đến vài bộ phim cùng có tên gần giống nhau là “Đường về nhà” khi dịch ra tiếng Việt (tựa tiếng Anh thì hơi khác một chút, như “Đường về nhà” nổi tiếng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là “The road home”, còn “Đường về nhà” của Lee Jung Hyang là “The way home”) mà không hiểu sao phim nào cũng hay. Một cô con gái sống buông thả và hưởng thụ ở thành phố, đến lúc gặp khó khăn thì vứt cậu con trai 7 tuổi về cho bà mẹ ở quê nuôi. Quê ngoại cậu bé là một vùng quê nghèo hẻo lánh “đồng không mông quạnh”, dường như chẳng có trò gì khiến tinh thần cậu có thể phấn chấn kể cả việc ngồi nhìn những đứa trẻ lấm lem ở đây cứ cố tìm cách trốn chạy khỏi 1 con bò điên hàng ngày. Người bà mà cậu bé chung sống bị câm và chẳng biết chữ… Nội dung thì chẳng có gì đâu vì viết đến đây, G sẽ đoán ngay ra rằng tình cảm yêu thương vô bờ bến của người bà nghèo khổ ấy sẽ cảm hóa một cậu bé con ích kỷ, ngỗ ngược như nào. Nhưng mà ở trong một bộ phim bình dị những chi tiết phim thì đắt giá vô cùng, đậm chất điện ảnh và hay đến thổn thức…

Ai cũng có một con đường về nhà. Không có đường về nhà giống nhau cho tất cả mọi người. Nhưng đó chắn hẳn đều là con đường nhiều cảm xúc, của những người trở về. Tôi biết G ở nước Mỹ nhiều năm vẫn không quên đường về nhà. Lần trước chat với nhau G bảo mục tiêu sắp tới là mở chi nhánh công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Cho tôi gọi đó là đường về nhà của G.

Chào G yêu quí của tôi và hẹn gặp nhau trên con đường về nhà!

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/duong-ve-nha-tintuc460784