Đường về nhọc nhằn của cô gái làm vợ qua môi giới

Thêm một cô gái may mắn được trở về Việt Nam, nhờ cộng đồng tìm được gia đình sau quãng đời khổ cực làm vợ người Trung Quốc qua môi giới.

Các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để gia đình Ngọc về quê

Các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để gia đình Ngọc về quê

Một ngày cuối tháng 7/2020, cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn bỗng ồn ào bởi tiếng khóc rất to của cô Nguyễn Thị Ngọc (SN 1997, trú tại ấp 7B, xã Hiệp Hùng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) khi được gặp lại người thân. Cán bộ bảo trợ xã hội cho biết, mấy hôm nay, sức khỏe và tâm lý của cô khá lên rất nhiều.

Ngọc là con gái thứ ba của bà Nguyễn Thị Lầm (SN 1976) quê ở Cà Mau. Bà Lầm cho biết, bà sống ở vùng quê nghèo, không có nhà cửa, đất đai. Lấy chồng sớm và đẻ liên tiếp 4 người con.Chồng bà thường xuyên uống rượu, say xỉn, bỏ nhà ra đi không tin tức hơn chục năm nay.
Do quê nghèo, ít việc làm, bà Lầm lang bạt đến xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh làm mướn.

Ai thuê gì thì làm nấy. Bà Lầm kể cuối năm 2019, thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý vài ngày, một người cùng quê Cà Mau lấy chồng ở Trung Quốc đến gặp và bảo bà, nếu gả con Ngọc, bà này sẽ cho nhiều tiền để mua đất, làm nhà. Bà Lầm đồng ý. Sau đó, một người đàn ông đậm người, cao khoảng 1,8m nom khá đẹp trai, sáng sủa ra mắt. Hai bên gặp nhau, bàn bạc, thống nhất rồi đưa cho bà Lầm 90 triệu tiền Việt Nam.

Mẹ con Ngọc đoàn tụ trong nước mắt

“Họ ở nhà tôi 3 ngày, mua nhiều thức ăn ngon khoản đãi nên Ngọc thích lắm. “Chàng rể” đưa con tôi đi TPHCM nói để lo thủ tục kết hôn và xuất cảnh. Nó bảo, đưa Ngọc sang Trung Quốc ra mắt nhà trai, hứa sẽ quay lại làm đám cưới thật to. Thế rồi, con tôi đi nửa năm, bặt tăm tin tức”, bà Lầm kể lại.

Đoạn trường

Bà Lầm cho tôi xem bức hình chụp Ngọc khi ở quê nom trắng trẻo, xinh xắn, tươi vui. Thế mà, cô gái đang ngồi ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn thì thân tàn với mái tóc gần như trọc lốc, mặt hốc hác hằn in những roi, đòn.

Được cán bộ bảo trợ xã hội động viên và cho uống thuốc an thần, Ngọc thôi không gào khóc rồi chậm rãi kể, khi vừa được đưa qua biên giới Việt- Trung thì chồng trở mặt quát mắng. Trên xe Ngọc bị vài cái tát váng đầu. Chồng Ngọc tên là Lủng Cống, 28 tuổi, sống ở vùng cao thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ngọc về làm dâu trong gia đình có hai anh em trai. Chồng Ngọc là con cả. Họ nói thẳng với Ngọc “mua mâm thì đâm cho thủng”. Cô bị bắt làm đủ thứ việc gia đình và không được ra khỏi nhà nửa bước. Không vừa lòng người trong nhà là Ngọc lĩnh đủ các trận đấm, đá. Đêm đến, mệt nhọc rũ người, Ngọc vẫn phải chiều theo những thú vui quái đản của Lủng Cống. Không hài lòng, cô lại bị dựng ngược người để chồng tra khảo.

Trong 7 tháng làm dâu, Ngọc phải đi bệnh viện cấp cứu mấy lần. Nhiều hôm, cô bị bỏ đói, lả người. Kể đến đây, Ngọc bỗng hét lên “Trả thù Lủng Cống”. Cô đứng dậy, vạch áo cho mọi người xem những vết tích trên người. Ngọc đau đớn, nước mắt giàn giụa khi chạm đến một vệt dài ở bụng. Ngọc bảo, bọn dã man đã lấy mất quả thận trong người cô.

Khoảng tháng 6 vừa qua, khi đang nằm dưỡng thương ở nhà, bỗng nhiên xuất hiện những người mặc sắc phục công an nước sở tại. Họ bắt Ngọc lên đồn cảnh sát vì cô là người tạm trú bất hợp pháp. Trước đi rời nhà, cô bị họ tiêm thuốc. Cô lịm đi và khi tỉnh dậy, không thể nhớ mình là ai, quê quán ở đâu, đến quốc tịch cũng không rõ.

Đường về

Ngọc và một số công dân cư trú bất hợp pháp bị lực lượng chức năng Trung Quốc bàn giao về Việt Nam.

Chị Chu Thị Minh, Phó trưởng phòng Hành chính Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định, Nguyễn Thị Ngọc được bàn giao về cơ sở bảo trợ. “Khi tiếp nhận, Ngọc rất yếu, ít nói. Cô không nhớ quê quán, người thân. May mắn, trong người còn có chứng minh thư nhân dân. Tôi tra trên mạng, tìm được địa chỉ và liên lạc với cán bộ xã. Nhưng mẹ của Ngọc lại đang sinh sống, làm thuê ở Tây Ninh nên cơ sở bảo trợ xã hội có nhờ Câu lạc bộ (CLB) Thắp sáng niềm tin đăng tải bài viết, hình ảnh về trường hợp của Ngọc lên mạng xã hội. May mắn, chỉ sau một ngày, đã có kết quả”, chị Minh kể.

Theo lời chị Minh, thi thoảng Ngọc lại bị kích động. Tuy nhiên, lúc tĩnh tâm, cô nói muốn xin về quê đoàn tụ với gia đình. Khi lại muốn ngược trở lại Trung Quốc để “tính sổ” với gia đình chồng.
Mặc dù biết tin con, nóng lòng được gặp mặt, song bà Nguyễn Thị Lầm phải mất hai ngày đi vay mượn tiền để có kinh phí ra Bắc đón con.

Bà Nguyễn Thị Yến, Chủ nhiệm CLB “Thắp sáng niềm tin” (thành phố Lạng Sơn) cho biết, vợ chồng bà phải liên tục điện thoại hướng dẫn mẹ của Ngọc lo các thủ tục cần thiết ở địa phương liên quan đến việc tiếp nhận con và cả việc “vẽ đường” từ Tây Ninh ra Lạng Sơn. “Họ thuộc hộ nghèo, hạn chế về nhận thức. Mẹ của Ngọc cũng không được đi học, biết chữ”. Bà Yến nói.
Trước hoàn cảnh gia đình bà Lầm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ 2 triệu đồng, các thành viên CLB “Thắp sáng niềm tin” ủng hộ thêm 8 triệu giúp gia đình Ngọc về nhà.

Theo báo cáo của Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng qua, đơn vị đã tiếp nhận 8 trường hợp sau cách ly của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn. Trong đó, có 2 cô gái trẻ trở về từ Trung Quốc. Họ đều có chung hoàn cảnh, không có tài sản gì và thuộc đối tượng khủng hoảng tâm lý rất nặng.

Nguyễn Duy Chiến

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/duong-ve-nhoc-nhan-cua-co-gai-lam-vo-qua-moi-gioi-1697849.tpo