Đường về quê hương

Sáu năm xa quê, trong trái tim Hiên, ký ức tựa như một vết thương chưa kịp lành sẹo. Buồn nhất là những dịp lễ của người Việt, Hiên chẳng dám ra ngoài, cứ ru rú trốn trong phòng, chỉ cần nghe một tiếng chim lạc đàn thảng thốt kêu cũng đủ khiến cô chạnh lòng rơi nước mắt.

Ottawa náo nhiệt càng khiến nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ quặn thắt, cồn cào. Thèm quá bát canh khế chua mẹ nấu cá rô bố đơm đó đồng chiêm. Ao ước lắm giấc mơ trưa trên triền đê ngập đầy cỏ dại. Nơi ấy, Hiên đã lớn lên với những năm tháng rất đỗi dịu ngọt, êm đềm. Hiên đã cố dặn lòng đừng ủy mị, mà sao kỷ niệm cứ da diết quay về. Bao nhiêu kỷ niệm là bấy nhiêu lần lồng ngực râm ran. Hiên cố kìm nén tiếng sụt sịt trong khoang mũi để chồng con không nghe thấy.

Minh họa: KHOA AN

Minh họa: KHOA AN

Hiên giờ đã có một mái ấm nho nhỏ với cô con gái xinh xắn năm tuổi và anh chồng người Canada gốc Pháp, kết quả của mối tình sét đánh trên chuyến tàu từ Toronto đến Ottawa. Đôi khi Hiên thầm nghĩ, nếu buổi chiều hôm ấy cô không giới thiệu mình đến từ Việt Nam thì số phận đã chẳng đẩy hai người đến bên nhau. Mối tình nhận được sự ủng hộ hết mình từ gia đình chồng nhưng lại bị bố Hiên ra sức cấm đoán, nhất là khi ông biết bố đẻ người yêu Hiên từng tham chiến tại Việt Nam. Trở về từ cuộc kháng chiến chống Pháp với vết thương nặng bên hõm vai, nỗi căm thù thực dân trong ông như hòn than nóng rực chưa bao giờ nguội tắt. Sung sướng quên mau, đớn đau còn mãi. Ông bảo, vì nó mà cánh tay trái của ông gần như tàn phế, vì nó mà ông phải để vợ con chịu cảnh cơ cực nhưng chẳng giúp được gì nhiều. Mãi tận sau này, khi chiến tranh lùi xa, ông vẫn còn ghét bỏ những thứ liên quan đến "mẫu quốc". Vả lại, nếu gả con gái đi, bên ấy, bên này cách nửa vòng Trái Đất, rồi sẽ cách xa biền biệt suốt đời…

Những đêm tuyết mịt mùng rụng rơi ngoài cửa sổ, trên căn phòng áp mái, Hiên vẫn thường ngồi bó gối trong góc nhỏ ẩm mốc mùi mối mọt, miên man nghĩ về hạnh phúc riêng mình và đạo hiếu làm con, về quãng đời đẵng dài phía trước. Đời xa xứ long đong, cô quạnh. May mà Hiên gặp được anh. Bằng tình yêu chân thành, anh đã sưởi ấm cõi lòng cô sau những tháng ngày đắng cay, phiền muộn. Anh kể, hồi bố anh còn sống, trong những câu chuyện hằng đêm dỗ anh ngủ khi mẹ vắng nhà, ông thường hay nhắc tới Việt Nam. Việt Nam trong miền hoài niệm của bố anh là một đất nước quá đỗi yên bình với những xóm làng đơn sơ gối đầu bên lũy tre xanh, những cánh đồng lúa ngô thay nhau trải dài tít tắp, những dòng sông nắng nhuộm màu lấp lánh, những ngọn đồi ríu rít trẻ thơ…

Thế mà, hơn nửa thế kỷ trước, bố anh đã cùng quân đội Pháp dùng họng súng tàn phá những ngôi làng, dùng mũi giày chà đạp lên nụ cười lũ trẻ. Cả miền quê yên ả bỗng chốc trở nên hoang liêu, đổ nát. Tiếng khóc lẫn trong mùi khói súng tang thương. Sau này, trở về với Paris hoa lệ, có những đêm ông mất ngủ bởi giấc mơ màu máu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Không biết từ đâu, máu chảy tràn trên những gương mặt vô tội, đáng thương, máu lênh láng khắp ruộng đồng, máu nhuộm đỏ dòng sông, máu tong tỏng rỏ xuống từ những đám mây màu xám… Những năm cuối đời, giấc mơ ấy ập tới thường xuyên hơn. Nỗi ám ảnh vây riết khiến ông gầy sọp như chiếc lá nho khô héo. Trước khi về thiên đường với Chúa, ông ân hận thều thào vào tai anh câu nói cuối cùng: “Con trai, ta nợ Việt Nam một lời xin lỗi!”.

Đôi khi, cuộc sống ép con người vào những sự lựa chọn một mất một còn rất oái oăm. Bố Hiên hùng hổ tuyên bố: “Mày lấy nó thì xem như không có người bố này. Mày còn xem tao là bố thì cắt đứt quan hệ với thằng đó”. Hiên khóc sưng húp hai mí mắt nhưng nước mắt chẳng giải quyết được gì. Bố Hiên luôn thẳng thắn, rõ ràng như thế, ý ông đã quyết thì ngay lập tức, đố ai làm lung lay, suy suyển. Hiên không biết thuyết phục bố ra sao, cũng không biết phải giải thích với người yêu thế nào. Thôi thì cứ chờ thời gian nguôi ngoai hẵng tính. Và rồi, khi biết mình có mang, cô gục đầu vào lồng ngực anh: “Em không còn sự lựa chọn nào nữa rồi”. Nhưng Hiên vẫn giữ niềm tin, rồi bố sẽ hiểu và tha thứ cho cô. Bởi đời sông chảy xuôi, kiếp người trôi ngược, có bậc làm cha, làm mẹ nào nỡ lòng bỏ rơi máu thịt của mình…

Bố Hiên rất hối hận khi ngày xưa đã ra sức cấm cản mối tình của cô. Để giờ đây Hiên chẳng quay về nữa. Đứa con gái út ông chiều chuộng nhất lại chẳng hiểu ông chút nào. Ông nửa giận, nửa thương con. Ngoài miệng ông chan chát thế thôi chứ trong lòng ông xót lắm. Con cái máu mủ, ai chẳng đau, chẳng xót? Bao lần Hiên gọi điện về, ông ngúng nguẩy cố ý không chịu nghe để đùn đẩy cho bà. Nhưng lần nào ông cũng bắt bà bật loa ngoài để ông nghe ngóng tình hình của con bên ấy. Bao giờ cũng vậy, nghe xong điện thoại, nước mắt bà lại nhòa lệ ngắn dài. Bà lu loa trách ông bạc tình, bạc nghĩa. Ừ thì ông nhỏ nhen. Chiến tranh qua rồi, cái gì đáng quên thì hãy quên đi. Sao cứ phải khắc cốt ghi tâm mối hận thù để tự dày vò bản thân mình mãi? Mà tụi trẻ đâu có liên quan gì chứ? Là tại ông. Tất cả tại ông! Bà nhiếc móc thế nào, ông cũng không nói lại nửa câu. Ông lẳng lặng ra ngoài hiên, châm đóm hút thuốc lào đến trơ mòn miệng điếu.

Mấy năm đầu, Laura Nguyễn-cô con gái đầu lòng của Hiên còn nhỏ, lại ốm vặt thường xuyên, nên gia đình cô không thể về Việt Nam. Sau này, khi Laura Nguyễn đã cứng cáp hơn thì mẹ chồng đột nhiên lâm bệnh nặng, rồi thì đầu tắt mặt tối, công việc lu bu. Bao nhiêu chuyện cấp bách phải nghĩ, phải lo nên hết lần này đến lượt khác, hứa hẹn với mẹ nơi quê xa, thậm chí vé máy bay chồng Hiên đã mấy lần đặt rồi nhưng phải vội vàng xin hủy. Mẹ Hiên luôn hiểu cho nỗi lòng của con gái nơi đất khách quê người. Bà ghì lấy lồng ngực, nghẹn ngào: “Bố mày cộc cằn thế chứ từ lâu ông đã nguôi rồi. Lúc nào rảnh thì về, con nhé! Lễ, tết năm nào cũng chỉ thiếu mỗi con”. Hiên không kìm nén được nữa, cô òa lên nức nở: “Mẹ ơi!”.

Nửa năm nay, mẹ chồng Hiên đã bình phục và tự chăm sóc được cho mình. Bấy giờ là giữa tháng 8, sau khi thu xếp mọi việc ổn thỏa, Hiên bàn với chồng:

- Mồng 2 tháng 9 là ngày Quốc khánh Việt Nam, em muốn về quê dịp này để vừa gặp được nhiều người thân, bạn bè, vừa giúp bố mẹ thu hoạch mùa màng.

Khẽ kéo Hiên vào lòng, chồng nhẹ hôn lên tóc cô, âu yếm:

- Tất nhiên rồi, em yêu. Anh biết, em đang nhớ Việt Nam rất nhiều.

Lần này, Hiên không gọi điện về báo trước cho mẹ, phần vì sợ mẹ nóng ruột trông mong, phần vì muốn tạo nên một sự bất ngờ. Cả tuần nay, sáng nào Hiên cũng dạy Laura Nguyễn học đi học lại những câu giao tiếp tiếng Việt cơ bản. Nó cứ nhầm lẫn mãi giữa xin chào, xin lỗi, cảm ơn. Cũng chẳng trách nó được, mới năm tuổi mà cùng lúc học ba thứ ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng nó tỏ ra rất nỗ lực học thuộc lòng bài giới thiệu bản thân đơn giản bằng tiếng Việt mà Hiên đã soạn sẵn. Nó cố uốn lưỡi cho đúng thanh điệu, cái giọng lơ lớ nghe đến dễ thương: “Tên con là Laura Nguyễn. Năm nay con năm tuổi”. Bài giới thiệu kết thúc bằng câu: “Con yêu Việt Nam!”. Hiên nhéo má nó: “Con giỏi quá”. Hiên đâu biết rằng, ở ngoài cửa, chồng Hiên cũng đang lẩm nhẩm học lỏm: Xin lỗi! Xin lỗi!

Cuối cùng, sau sáu năm chờ đợi, Hiên cũng được đặt chân lên mảnh đất cắt rốn chôn rau. Cảm xúc trong Hiên vỡ òa khó tả, bùi ngùi, bổi hổi, lâng lâng. Quê hương đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn đó cái quán cây đa bà Vẹm bán nước chè, còn đó ván cầu ao sáng sáng Hiên ra giặt áo, cả cái gò hoang nở tím hoa mua. Hiên chỉ vào lũy tre đang đung đưa xạc xào trong gió, quay sang chồng, rưng rưng:

- Tre đấy anh! Là loài cây ôm ấp xóm làng bố anh vẫn thường kể đấy!

Chồng Hiên đưa mắt nhìn xa xăm và thấy rõ màu xanh thấp thoáng đan xen trong màu cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên những nóc nhà mái ngói thâm nâu. Việt Nam đẹp quá, đẹp gấp nhiều lần trong trí tưởng tượng của anh. Đi qua cái cổng làng rêu phong bám phủ là con đường phưng phức mùi rơm mới làm cánh mũi Hiên hơi cay cay. Đằng kia, dưới bức băng rôn với dòng chữ chào mừng ngày Quốc khánh, lũ trẻ mặc quần xanh, áo trắng, đội mũ ca lô đang háo hức vác trống, cầm cờ, cài hoa chuẩn bị cho lễ duyệt nghi thức Đội. Hiên chợt thấy mình bé lại như thuở lên chín, lên mười.

Những bước chân cứ trôi đi miên theo tiếng cười trong trẻo và những mùi hương gần gũi, thân quen mà nhất thời Hiên chưa thể gọi tên. Và lúc bàn chân chạm vào khoảnh sân nhà vàng ươm lúa nếp, mắt Hiên nhòa đi khi nhìn thấy dáng bố lom khom ngồi dưới giàn hoa thiên lý, cặm cụi vót từng thanh tre làm kiệu rước ảnh Bác Hồ. Hiên nói với bé Laura Nguyễn: “Ông ngoại con đấy, con yêu!”. Khoảnh khắc ấy, bố Hiên nheo nheo đôi mắt đã mờ đi nhiều, ồm ồm hỏi:

- Ai đấy? Vào nhà đi kẻo nắng!

Hiên đặt Laura Nguyễn xuống, nghèn nghẹn đáp:

- Bố ơi, con đã về đây.

Bố Hiên sững sờ như không tin vào đôi mắt kèm nhèm và đôi tai lọc xọc của mình. Khi Hiên chưa kịp hỏi bố mẹ đang ở đâu thì bất ngờ con bé Laura Nguyễn chạy ùa đến, ôm chầm lấy ông ngoại rồi hôn lấy hôn để đúng chỗ vết sẹo nơi hõm cổ ông, tíu ta tíu tít:

- Con là Laura Nguyễn-nó gãi gãi đầu. Quãng đường xa khiến nó không còn nhớ hết bài giới thiệu bằng tiếng Việt mẹ dạy. Và vừa mới mở bài, nó chuyển xuống kết bài, nói chậm rãi-CON-YÊU-VIỆT-NAM!

Có điều gì đó vỡ ra trong Hiên và cả trong người bố già khắc khổ nữa. Ông ngắm thật kỹ đứa cháu gái nhỏ. Mái tóc vàng rất Pháp và đôi mắt đen rất Việt Nam! Ông hôn lên mái tóc rồi hôn đôi mắt nó, ôn tồn:

- Cháu ngoan của ông!

Đúng lúc ấy, từ ngoài vườn, giọng mẹ Hiên vọng vào:

- Ông ơi, cá rô đồng, ông thích kho lá nghệ hay nấu canh khế chua?

Truyện ngắn của PHAN ĐỨC LỘC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/duong-ve-que-huong-548290