Duy Tiên - Hà Nam: Cần một bản án công tâm

Yêu cầu điều tra, xét xử lại Vụ án ma túy ở Duy Tiên - Hà Nam đối với bị cáo Nguyễn Tiến Khu vì có nhiều vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm (bị cáo Khu là người nghiện ma túy nhưng vẫn bị kết án về tội danh 'chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy').

Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 29-9-2020.

Tại phiên tòa sơ thẩm do Thẩm phán Mạnh Xuân Hải làm chủ tọa phiên tòa tuyên bị cáo Nguyễn Tiến Khu 10 năm tù với 02 tội danh: “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Đối với tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”

Bị cáo Nguyễn Tiến Khu có phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy” hay không?

Xét về các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Điều 256 Bộ luật hình sự năm 2015 - Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy quy định: “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm" thì hành vi bị can thỏa mãn quy định về cấu thành tội phạm.

Việc áp dụng quy định để truy tố đối với tội phạm này có thêm các quy định liên quan đến bị can thực hiện tội phạm là người nghiện ma túy (Khu là người nghiện ma túy). Đó là hai quy định sau đây:

Thứ nhất: Điểm đ Khoản 2 Mục II Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết 02) quy định: “Người nào nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”. Quy định này vẫn có hiệu lực áp dụng tại thời điểm hiện tại.

Thứ hai: Điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT), thì: b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy… Tuy nhiên, Điều 3 thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14-11-2015 đã bãi bỏ điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT nhưng vẫn chưa có hướng dẫn nào thay thế hướng dẫn này nên theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì hành vi của bị can không phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Trong trường hợp phía VKND có quan điểm rằng do Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA- VKSNDTC-TANDTC-BTP đã bãi bỏ quy định trên thì cũng không thể phủ nhận quy định tại Nghị quyết 02/2003/HĐTP đang còn hiệu lực. Đồng thời, trong thực tiễn hoạt động xét xử phải tuân theo quy định của HĐTP còn thông tư liên tịch là nhằm mục đích phối hợp hoạt động trong thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22-6-2015 quy định về thẩm quyền ban hành, nội dung quy phạm pháp luật như sau:

Điều 21. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử;

Điều 25. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.

Thông qua bản án sơ thẩm rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Khu là người nghiện nhưng có cùng sử dụng ma túy cùng với khách hàng không? Nếu không cùng sử dụng ma túy thì không áp dụng được căn cứ tại nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP bởi vì nghị quyết áp dụng cho người nghiện ma túy đưa ma túy cho người nghiện khác cùng sử dụng tại địa điểm mà mình sử hữu hoặc quản lý?...

Đối với tội “Mua bán trái phép chất ma túy”

Theo cáo trạng thìNguyễn Tiến Khu phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” với vai trò đồng phạm là người giúp sức.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 tại tiểu mục 3.2, Mục 3, phần II thì: “Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm”.

Nếu Khu thực sự giúp sức cho Linh bán ma túy thì việc VKSND áp dụng căn cứ truy tố vẫn chưa đúng. Đối với trường hợp của Khu có thể truy tố điểm c khoản 2 Điều 251 chứ không phải điểm b, khoản 2 Điều 251 (mặc dù vẫn là định khung khoản 2). Vì Tòa án nhân dân tối cao có văn bản hướng dẫn áp dụng điều luật trong quá trình xét xử tại công văn số: 89/TANDTC-PC ngày 30/06/2020 Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rằng: “Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy) của Bộ luật Hình sự được hiểu là trong 01 lần phạm tội với 02 người trở lên hay bao gồm cả phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng mỗi lần là 01 người khác nhau?

Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã mua bán trái phép chất ma túy đối với từ 02 người trở lên. Nội dung này cũng phù hợp với hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 là “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197, 198 và 200 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên”.

Tại phiên tòa cũng không làm rõ được nguồn gốc số ma túy được các đối tượng sử dụng tại phòng hát Vip 3 - Vip 5 - Vip 6. Chưa làm rõ được Nguyễn Đình Cường là khách tại phòng Vip 5 có mang ma túy ke đến quán Karaoke Lê Gia hay không? Chưa xác định được khách ở phòng Vip 3 đã trả tiền nửa chỉ ke lần 2 chưa? Nếu trả thì đưa ai? Chưa xác định làm rõ người nhân viên tên là Hiền đã đưa tiền cho Khu hay chưa?

Kết thúc phiên tòa, khi nghe Thẩm phán tuyên án, cả căn phòng xử án như lặng đi vì một bản án được coi là chưa thỏa đáng đối với các bị cáo, đặc biệt là bị cáo Nguyễn Tiến Khu (phạm tội khi chưa đủ 18). Tất cả các bị cáo đều kêu oan tại phiên tòa xét xử, HĐXX chỉ căn cứ vào lời khai tại hồ sơ vụ án, cho rằng lời khai tại phiên tòa không có căn cứ. Trong khi đó, 3 bị cáo được cách ly và cho lời khai hoàn toàn trùng khớp tại phiên tòa xét xử, HĐXX không xem xét đến những mâu thuẫn giữa lời khai trong hồ sơ và lời khai của bị cáo tại phiên tòa.

Những phân tích trên đều xuất phát từ mong muốn công lý được thực thi một cách nghiêm minh chứ không vì mục đích nào khác. Mong rằng các cơ quan tố tụng trước hết phải tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật tố tụng, tuyệt đối không được nhân danh công lý mà bỏ qua các nguyên tắc ấy.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/duy-tien-ha-nam-can-mot-ban-an-cong-tam-214292.html