Duy trì 2 kênh giải phóng mặt bằng tránh khiếu kiện về đất đai

HoREA cho rằng cần duy trì 2 kênh giải phóng mặt bằng là nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư được thỏa thuận nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án KĐT, thương mại.

HoREA cho rằng cần duy trì 2 kênh giải phóng mặt bằng

HoREA cho rằng cần duy trì 2 kênh giải phóng mặt bằng

Theo Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, thực tế thường phát sinh khiếu kiện, thậm chí có trường hợp khiếu kiện đông người, gay gắt kéo dài đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Còn đối với các dự án đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội do tổ chức kinh tế (doanh nghiệp tư nhân) tự thỏa thuận với người dân, “thuận mua vừa bán” để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thường không phát sinh khiếu kiện.

Nhưng cũng đã có phát sinh một số trường hợp dự án đền bù “dở dang, da beo” đối với các phần diện tích đất còn lại cuối cùng trong khu vực dự án do các thửa đất này thường thuộc về giới “đầu nậu”, giới “đầu cơ” đất đai “đứng đằng sau” người sử dụng đất.

Theo HoREA, để tránh các trường hợp trên, nên xem xét chấp thuận và dung hòa vừa quy định Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” tại điểm c khoản 2 Điều 70 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc “Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”.

Đồng thời, vừa quy định Nhà nước cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” theo hướng hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai và cũng để đảm bảo thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất “để đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất” với các trường hợp để sử dụng vào mục đích công cộng; thu hồi đất để đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất”; các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; để đấu thầu dự án có sử dụng đất và để tạo quỹ đất theo hướng tuyến giao thông, và các điểm kết nối giao thông để phát triển các khu đô thị, nhà ở thương mại, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ để đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất.

Mặt khác, HoREA cũng kiến nghị Nhà nước không thu hồi đất đối với trường hợp các dự án sử dụng đất vào mục đích xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường ngoài công lập nếu các dự án này không thuộc các dự án đầu tư công hoặc không thuộc trường hợp thu hồi đất để thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, đơn vị này cũng cho rằng không nên quy định thu hồi đất đối với trường hợp “xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo” mà để cho “tổ chức tôn giáo” tự tạo lập quỹ đất để “xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo phương thức tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc do được tặng cho quyền sử dụng đất...

Và với các trường hợp xây dựng công trình “chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng” nhằm mục đích kinh doanh mà để cho nhà đầu tư tự tạo lập quỹ đất để xây dựng công trình “chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo phương thức tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo Mai An/diendandoanhnghiep.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/duy-tri-2-kenh-giai-phong-mat-bang-tranh-khieu-kien-ve-dat-dai-351709.html