Duy trì động lực, giữ đà cho tăng trưởng kinh tế

Ngày 1-8, tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 7-2018, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã dành phần lớn thời gian thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH).

Trong 7 tháng của năm 2018, mặc dù điều kiện không thật thuận lợi nhưng kết quả KT-XH nhìn chung tích cực, đánh giá của quốc tế về kinh tế Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết bất thường và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới gây ra những lo ngại ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, đòi hỏi phải có các giải pháp điều hành hữu hiệu.

Quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7%-7,1%

Bức tranh KT-XH tháng 7-2018 khá tươi sáng, kết quả khả quan hơn tháng 6. Lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,09% sau khi tăng mạnh hai tháng trước đó. Thị trường tiền tệ tín dụng tương đối ổn định. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 20-7 là 7,69%. Thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cơ bản được bảo đảm; tổng thu cân đối NSNN đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán, tăng 13,4% so với cùng kỳ; tổng chi cân đối NSNN ước đạt gần 760 nghìn tỷ đồng, bằng 49,9% dự toán, tăng 9,8%.

Tăng trưởng kinh tế thể hiện đều trên cả 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt là sản xuất công nghiệp tăng mạnh với mức 14,3%. Trong đó, chế biến, chế tạo tăng 16,6%, là động lực tăng trưởng trong tháng 7. Xuất khẩu đạt gần 134 tỷ USD, xuất siêu 3,1 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, có thêm gần 80.000 doanh nghiệp thành lập mới, có 18,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đời sống của người dân tiếp tục cải thiện, số hộ thiếu đói giảm gần 40%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp chỉ còn 2,2%...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018. Ảnh: TTXVN

Với những tín hiệu tích cực của KT-XH, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và dự báo tốt về triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng tới 7,1%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Tức là đánh giá của quốc tế về kinh tế Việt Nam thậm chí còn lạc quan hơn so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội và Chính phủ đề ra (tăng trưởng 6,5-6,7%).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lạc quan với việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho Bộ Công Thương. Thời gian qua, không chỉ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao mà ngành khai khoáng cũng đang phục hồi tốt. Thời gian tới, sẽ có các dự án lớn được đưa vào vận hành, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Formosa Hà Tĩnh tăng thêm công suất, rồi Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast cũng sẽ cho ra đời sản phẩm ô tô, xe máy điện vào cuối quý III-2018... sẽ có đóng góp tích cực hơn nữa cho tăng trưởng GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thu ngân sách năm nay đạt khá. Lãi suất trái phiếu Chính phủ hiện ở mức rất thấp, nếu so với các khoản vay ưu đãi nước ngoài thì còn thấp hơn nhiều, đặc biệt là các kỳ hạn 10-15 năm. Mấy năm trước, ngân sách khó khăn nên còn phải vay ngân hàng để chi tiêu công, nhưng năm nay thanh khoản của các kho bạc rất dồi dào. Tình hình kinh tế vĩ mô tốt đã tác động tích cực tới hoạt động của doanh nghiệp, 86% doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán kinh doanh có lãi.

Hai thách thức lớn: Thiên tai và căng thẳng thương mại trên thế giới

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, diễn biến trên bình diện thế giới và ngay trong nước không hoàn toàn có lợi cho phát triển kinh tế của Việt Nam, đòi hỏi phải có những điều hành hết sức linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trong thời gian tới. Trong đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế chủ chốt có thể tạo nhiều biến động và sức ép lên giá cả hàng hóa thế giới cũng như tỷ giá giữa đồng USD với tiền tệ các nước, cũng như rủi ro về nguồn cung hàng hóa thế giới. Đối với kinh tế trong nước, bối cảnh những tháng đầu năm cơ bản thuận lợi, tuy nhiên, những tháng cuối năm các yếu tố thuận lợi và khó khăn tiếp tục đan xen. Trong đó, thuận lợi là do nền kinh tế vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng. Chính phủ thì quyết tâm cao cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tính đến hết quý II-2018, đã có 738 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi, hoặc đơn giản hóa. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp đang trong lộ trình cắt giảm... Về khó khăn, nổi lên là sức ép về lạm phát do các yếu tố bên ngoài, như giá dầu thô tăng cao (bình quân 7 tháng khoảng 74USD/thùng, tăng 37% so với cùng kỳ), kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản thế giới tăng cao. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ dự kiến diễn biến khó lường do những phản ứng điều chỉnh của phía Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ, cũng như lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Bên cạnh đó, thiên tai diễn biến phức tạp cũng tạo ra nhiều lo ngại.

Đánh giá cao các kết quả đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cũng đặc biệt lo ngại về tình hình thiên tai, lũ lụt. Đáng lưu ý là năm nay, lũ lụt không chỉ diễn ra gay gắt ở Việt Nam mà còn cả trên bình diện châu Á. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương thu hoạch sớm lúa hè thu.

Một vấn đề gây nhiều lo ngại đó là tốc độ xây dựng hạ tầng kinh tế khá chậm hiện nay có thể sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn sắp tới. Việc này có hai lý do, một là thiếu vốn đầu tư, hai là có những công trình đã được thu xếp vốn đầu tư nhưng giải ngân quá chậm. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, trong mấy năm gần đây, hạ tầng giao thông vận tải ít được triển khai, hoặc triển khai rất chậm. Hiện nay, hạ tầng giao thông, cảng biển... vẫn đủ để đáp ứng, nhưng nếu không triển khai ngay các dự án lớn thì hạ tầng giao thông sẽ tạo thành điểm nghẽn trong tương lai gần.

Cùng quan điểm này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, tốc độ đầu tư nguồn điện mới rất chậm so với tốc độ phát triển, thiếu hụt hàng chục nghìn MW so với kế hoạch. “Điện hiện nay đủ nhưng nếu không sớm có các nguồn điện mới thì sẽ thiếu điện trong thời gian tới”, Phó thủ tướng nói.

Không thay đổi chính sách tiền tệ

Đánh giá về tình hình KT-XH, Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Thủ tướng cho biết, nền kinh tế có dấu hiệu tốt lên từ quý II-2017, bắt đầu có tốc độ tăng trưởng cao mà theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nguyên nhân chính là do những nỗ lực cải cách thể chế, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Chính phủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng năng suất lao động và chỉ số đổi mới sáng tạo tăng. Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả những năm tiếp theo; đồng thời, phát triển kinh tế nhưng phải chú trọng vấn đề môi trường, đặc biệt, chú trọng an toàn cho người dân, kể cả an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn trước lũ, bão.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thủ tướng nêu rõ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, khối lượng vốn còn rất lớn mà chưa giải ngân được. Các công trình dự án có vốn phải được giải ngân nhanh, sớm đi vào hoạt động, phát huy tác dụng. Các bộ trưởng phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề giải ngân trong lĩnh vực bộ mình quản lý, xem xét năng lực, trách nhiệm của các ban quản lý dự án, không để tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm và các khâu trung gian không cần thiết. Vấn đề này có nguyên nhân từ thể chế, do đó, Thủ tướng cho biết, trong tháng 8, Chính phủ sẽ có phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng như các dự án luật khác.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ tăng giá, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu, cải cách VAT, không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công, như giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, y tế”. Thủ tướng chỉ đạo, cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.

Vấn đề phòng, chống thiên tai, bão lũ, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ có liên quan cần có chương trình sát sao cảnh báo thiên tai, xử lý nghiêm hành vi phá rừng. Sắp xếp lại khu dân cư vùng lũ, vùng dễ sạt lở. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn các hồ chứa, hồ thủy điện. Mỗi hồ phải có người chịu trách nhiệm vận hành, điều tiết.

Về các vi phạm nghiêm trọng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia vừa qua, gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân, Thủ tướng nhìn nhận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trước Chính phủ và yêu cầu bộ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, rà soát lại hệ thống quản trị của ngành mình để kỳ thi lần sau tốt hơn. Thủ tướng nêu rõ, Thường trực Chính phủ và Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nào thay đổi lộ trình cải cách thi cử đã đặt ra. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác về kỳ thi này, không để dư luận hiểu sai lệch về công tác quản lý Nhà nước và kết quả chung của kỳ thi.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/duy-tri-dong-luc-giu-da-cho-tang-truong-kinh-te-545755