Duy trì Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ

Ngày 1-10 trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử thương mại của khu vực Bắc Mỹ, khi Mỹ và Ca-na-đa ký thỏa thuận cuối cùng nhằm duy trì Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với ba bên tham gia, thay vì bị chia tách thành các thỏa thuận song phương; đồng thời mở đường cho ra đời thỏa thuận mới với tên gọi Hiệp định Mỹ - Mê-hi-cô - Ca-na-đa (USMCA).

Một nhà máy sản xuất ô-tô ở Ca-na-đa. Ảnh: CANADIANBUSINESS

Một nhà máy sản xuất ô-tô ở Ca-na-đa. Ảnh: CANADIANBUSINESS

Sau hơn một năm đàm phán căng thẳng, hơn bốn tuần thảo luận mà không có thành viên còn lại của NAFTA là Ca-na-đa, hai quốc gia Mỹ và Mê-hi-cô đã đạt thỏa thuận về một văn kiện mới, được Tổng thống Mỹ Đ.Trăm khi đó đề xuất gọi là Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mê-hi-cô. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm cảnh báo có thể thúc đẩy một thỏa thuận riêng với Mê-hi-cô và đánh thuế lên nhiều mặt hàng của Ca-na-đa, nếu Ốt-ta-oa không nhất trí với các điều khoản sửa đổi trước ngày 30-9 vừa qua. Ca-na-đa luôn tỏ ra cứng rắn và tuyên bố chỉ ký NAFTA mới, nếu thỏa thuận có lợi cho Ca-na-đa, nhất là tầng lớp trung lưu nước này. Song, áp lực lên cao khiến Bộ trưởng Ngoại giao Ca-na-đa C.Phi-len quyết định hoãn bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 để trở về Ốt-ta-oa nhằm nỗ lực hoàn tất cuộc đàm phán về sửa đổi NAFTA vào “giờ chót”, trước thời hạn mà Tổng thống Mỹ đặt ra.

Thỏa thuận mới đạt được giữa Mỹ và Ca-na-đa ghi dấu sự nhượng bộ đáng kể từ cả hai phía. Thỏa thuận này duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hội đồng độc lập, gồm thành viên từ cả ba bên hiệp định, điều Ca-na-đa coi là biện pháp phòng vệ trước các chính sách bảo hộ thương mại hoặc các biện pháp áp đặt thuế quan từ bên ngoài, giúp bảo vệ nền kinh tế trong nước. Đổi lại, Ca-na-đa nhất trí nới lỏng các biện pháp bảo hộ và cho phép các nhà sản xuất của Mỹ tiếp cận thị trường sữa trị giá 16 tỷ USD của Ca-na-đa.

Mỹ và Ca-na-đa đồng ý cân bằng lợi ích trong lĩnh vực sản xuất ô-tô, một trong những điều khoản mà từ lâu hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Ca-na-đa đồng ý với hạn ngạch xuất khẩu 2,6 triệu phương tiện mỗi năm sang Mỹ nếu Nhà trắng áp mức thuế nhập khẩu ô-tô toàn cầu vào Mỹ ở mức 25%. So với hạn ngạch xuất khẩu hai triệu xe một năm như hiện nay, đây là cơ hội cho các nhà sản xuất ô-tô của Ca-na-đa tăng trưởng. Việc áp thuế khiến các nhà sản xuất nước ngoài khó tiếp cận thị trường nội khối, cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho lao động Mỹ. Các công ty sản xuất ô-tô trong khối NAFTA lập tức hoan nghênh tin tức về USMCA, khi mối lo ngại về nguy cơ đóng cửa các nhà máy lắng xuống.

Cả ba thành viên NAFTA đều bày tỏ tin tưởng USMCA sẽ tạo nhiều việc làm tốt với mức lương cao và nhiều cơ hội mới cho gần 500 triệu cư dân sinh sống tại khu vực Bắc Mỹ. Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô khẳng định, hiệp định mới sẽ hiện đại hóa và ổn định nền kinh tế trong thế kỷ 21, bảo đảm một mức sống cao hơn cho người dân trong dài hạn. Tổng thống Mê-hi-cô E.Ni-ê-tô cũng nhận định USMCA sẽ đạt mục tiêu phục vụ lợi ích của cả ba nước thành viên. Trong khi, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm nhấn mạnh, Mê-hi-cô và Ca-na-đa sẽ là “những đối tác thương mại tuyệt vời” của Mỹ trong tương lai sau khi ba nước đạt thỏa thuận về USMCA.

Giới chuyên gia nhận định, mặc dù Mỹ, Mê-hi-cô và Ca-na-đa đều có những nhượng bộ nhất định để đạt được “thỏa thuận cùng thắng”, USMCA còn nhiều khía cạnh chưa thể đáp ứng tất cả mong đợi của các bên. Tổng thống Đ.Trăm vẫn giữ mức thuế 25% áp lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ Ca-na-đa và Mê-hi-cô vào Mỹ. Trong khi, cả Ca-na-đa và Mê-hi-cô đều tuyên bố cần phải loại bỏ mức thuế này trước khi thông qua USMCA. Bên cạnh đó, các nhà hoạt động môi trường lo ngại về sự thiếu vắng của vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường trong thỏa thuận mới. USMCA khiến thị trường ba nước thành viên khép kín hơn, khi quy định cấm các bên tham gia thực hiện bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với các đối tác chưa được công nhận là “nền kinh tế thị trường đầy đủ”.

Rõ ràng, việc “cứu vãn và hồi sinh” thỏa thuận thương mại với giá trị trao đổi hàng hóa mỗi năm ước tính hơn 1.200 tỷ USD đem lại sự lạc quan và những hy vọng mới cho tất cả các bên tham gia USMCA. Song, cần giải quyết bất đồng còn lại từ các phía, giúp USMCA hoàn thiện hơn trước khi được trình lên cơ quan lập pháp của các nước để xem xét thông qua và ký vào cuối tháng 11 tới.

ĐINH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37832702-duy-tri-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-bac-my.html