Duy trì quy mô khoảng 29 đến 30 triệu con lợn trong giai đoạn 2020-2030

Ngày 25-12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị 'Đánh giá kết quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040'.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (bên trái) và ông Nguyễn Xuân Dương chủ trì hội nghị. Ảnh: Bích Nguyên

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (bên trái) và ông Nguyễn Xuân Dương chủ trì hội nghị. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sau 10 năm triển khai chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, ngành Chăn nuôi chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn giữ mức cao trong nhiều năm qua, trung bình 5-6%/năm.

Năm 2018, sản lượng thịt các loại đạt trên 5,3 triệu tấn (trong đó, thịt lợn đạt trên 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,2 triệu tấn) tương đương 220.000-230.000 tỉ đồng, riêng giá trị ngành hàng thịt lợn đã ngang bằng với ngành lúa gạo. Cả nước sản xuất trên 11,5 tỉ quả trứng, tương đương khoảng 23.000 tỉ đồng và trên 960.000 tấn sữa tươi nguyên liệu (tương đương với trên 12.000 tỉ đồng).

Trên cơ sở kết quả đạt được giai đoạn 2008-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Mục tiêu chung của chiến lược là tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành Chăn nuôi.

Phấn đấu, đến năm 2030 sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực, phần lớn sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp an toàn sinh học, thân thiện với môi trường bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt một số chỉ tiêu cụ thể như: Mức tăng trưởng giá trị sản xuât bình quân giai đoạn 2021-2025 trung bình 4-5% năm, giai đoạn 2026-2030 trung bình 3-4% năm.

Duy trì tổng đàn lợn thường xuyên ở quy mô khoảng 29 đến 30 triệu con.

Về gia cầm duy trì thường xuyên khoảng 400-500 triệu con gà, trong đó có ít nhất 60% nuôi theo phương thức công nghiệp và khoảng 100-120 triệu con thủy cầm.

Về gia súc lớn, duy trì 2,4 đến 2,6 triệu con trâu bò, trong đó có ít nhất 80% tổng đàn được nuôi trong các nông hộ. Đàn bò sữa đạt quy mô từ 600-650 nghìn con.

Ngành Chăn nuôi đặt mục tiêu duy trì đàn lợn ở quy mô 29 đến 30 triệu con. Ảnh: Bích Nguyên

Dê, cừu ổn định ở quy mô khoảng 4-4,5 triệu con trong đó trên 90% là đàn dê, cừu lai được nuôi chủ yếu ở các trang trại, hộ lớn theo phương thức bán công nghiệp kết hợp chăn thả có kiểm soát.

Về tầm nhìn đến năm 2040, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu xây dựng ngành Chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, trình độ và năng lực sản xuất ngành Chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm đầu của các nước trong khu vực ASEAN. Khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

100% sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua chế biến, trong đó có 30% được chế biến sâu.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/duy-tri-quy-mo-khoang-29-den-30-trieu-con-lon-trong-giai-doan-2020-2030/