Duy trì tăng trưởng ngành dệt may: Xác định 'sân nhà' là điểm tựa

Chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19, dự báo, xuất khẩu dệt may năm nay có nguy cơ giảm tới 30 - 40% so với năm trước. Tập trung cho thị trường nội địa, đa dạng sản phẩm là giải pháp các doanh nghiệp (DN) dệt may đang thực hiện nhằm duy trì tăng trưởng và tạo việc làm cho người lao động.

Thị trường xuất khẩu giảm sâu

Phân tích về tình hình thị trường dệt may 6 tháng cuối năm, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết, 6 tháng đầu năm, DN dệt may vẫn có nguồn hàng sản phẩm khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân) kéo lại. Tuy nhiên, tình hình sẽ khác rất nhiều trong 6 tháng cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp dệt may chuyển đổi quy trình sản xuất

Nhiều doanh nghiệp dệt may chuyển đổi quy trình sản xuất

Cụ thể, thị trường và nhu cầu PPE đang và sẽ thu hẹp rất nhanh. Đã có những dấu hiệu cho thấy, nhu cầu này sẽ gần như trở về mức bình thường từ tháng 9/2020. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc các nhà sản xuất ồ ạt lao vào mặt hàng này trong giai đoạn vừa qua đã dẫn tới nguồn cung lớn hơn cầu, giá đã tới giới hạn của chi phí. Mặt hàng PPE không còn dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả, việc trông đợi vào nhu cầu PPE như 6 tháng đầu năm là không thực tế.

Bên cạnh đó, dịch bệnh trên thế giới có giảm tốc nhưng chưa chấm dứt, tác động và khiến mức cầu hàng hóa tiêu dùng chưa thể trở lại. Tổng cầu giảm đã và đang đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn. “Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội nên thị phần tại Mỹ và EU đã tăng lên. Cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới” - ông Lê Tiến Trường nhận định.

Tình hình thị trường khó khăn sẽ khiến thị trường xuất khẩu dệt may có nguy cơ giảm tới 30 - 40% so với năm trước. Giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm, thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn sẽ là chủ đề chi phối hoạt động của DN.

Tập trung vào thị trường nội địa

Chia sẻ về những “điểm sáng” thị trường trong những tháng cuối năm, ông Lê Tiến Trường cho biết, những sản phẩm cơ bản vẫn sẽ có nhu cầu cao. Do đó, cần triển khai giải pháp để có thể phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, mặc dù quy mô của thị trường nội địa nhỏ (chỉ chiếm 10% đối với năng lực của ngành) nhưng vẫn cần được quan tâm, khai thác để tạo doanh thu và việc làm cho người lao động.

Đồng ý kiến, ông Nguyễn Văn Miêng - Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dệt May Nam Định - cho biết, Tổng công ty đã có những xoay chuyển trong cơ cấu sản xuất. “Chúng tôi đang mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất và cung cấp cho các công ty may. Đồng thời, nâng cao liên kết chuỗi sợi - dệt - nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển” - ông Nguyễn Văn Miêng chia sẻ. Nhiều DN dệt may khác đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể, khi gặp khó với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp..., chuyển sang đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... Đây là giải pháp cấp thiết để duy trì tăng trưởng, chờ cơ hội thị trường “ấm” lên trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may dịp lễ, Tết, Giáng sinh tăng cao. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 tới dự báo cũng sẽ giúp xuất khẩu dệt may khởi sắc hơn.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/duy-tri-tang-truong-nganh-det-may-xac-dinh-san-nha-la-diem-tua-141020.html