Duyên nợ với miền biên viễn cực Tây

Điều khác biệt mà nhiều đồng nghiệp thường nói về Nguyễn Uyển, đó là khi đặt chân lên Tây Bắc, ông thường dành sự quan tâm, khám phá những vùng sâu, vùng xa, nơi mà báo chí chưa hoặc ít nói đến...

Dù sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hạ Hòa (Phú Thọ), sau đó trưởng thành ở những cương vị như Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú (cũ) rồi Trưởng ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam, thế nhưng nhà văn Nguyễn Uyển lại say mê đến với những miền biên viễn cực Tây để trò chuyện, sẻ chia, đồng cảm với những khó khăn, vất vả, những suy nghĩ, tâm tư của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Như ông chia sẻ, đó cũng là một cách để thể hiện trách nhiệm công dân của người cầm bút.

Tháng 5 này, mọi con tim và trí óc người Việt lại hướng về mảnh đất miền biên viễn cực Tây, nơi cách đây 65 năm có một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Mảnh đất này đã đi vào nhiều tác phẩm văn học, báo chí, trong đó không thể không nhắc đến những bài bút ký thể hiện tình yêu cháy bỏng với con người, mảnh đất Điện Biên đầy nắng và gió của nhà văn Nguyễn Uyển.

Mới đây, nhân chuyến đi về mảnh đất này, ông đã có nhiều tư liệu mới về vùng đất Mường Phăng đang “thay da đổi thịt” và có bài ký “Ước về Mường Phăng” được in trang trọng tên Báo Nhân Dân và được đọc trên kênh VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Uyển.

Nhà văn Nguyễn Uyển.

Đã bấy lâu nay, bà con các dân tộc nơi đây coi ông như người con yêu quý của quê hương, người làm báo, làm văn nơi đây coi ông như người đồng nghiệp gần gũi, thân thiết. Đọc những bút ký của ông, tôi hình dung ông hiểu hết từng đường đi lối lại, từng phong tục tập quán nơi đây. Năm nào cũng lên Điện Biên đôi ba lần, và có hàng chục bút ký ra đời nhưng không bài nào giống bài nào, mỗi bài một góc nhìn, một khía cạnh mà tôi tin rằng đến cả người dân bản địa cũng chưa chắc nhìn ra.

Thế rồi, khi đã thân thiết với ông, tôi mới vỡ lẽ ra rằng vì sao ông lại viết nhiều về vùng đất này đến thế. Nguyên do là chiến dịch Điện Biên Phủ đã lấy đi một phần máu thịt người cha của ông và cũng là nơi nằm lại của hai người chú ruột mà đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt, chỉ lưu tên trên tấm biển ghi công trong nghĩa trang dưới chân Đồi A1. Ông đã đến với mảnh đất này từ 30 năm về trước với nguyện vọng tìm lại hài cốt của người thân nhưng rồi lại bị chính mảnh đất và con người nơi đây thôi thúc, mê hoặc cầm bút như một ý thức tự thân.

Những bài bút ký sự kiện và ký chân dung nhân vật của ông thường không to lời, lớn tiếng, không tô hồng vẽ vời bởi những mỹ từ sáo mòn, viển vông. Ông tả thật, tả đúng diện mạo, nghĩ suy, hành động, bản chất nhân vật mà ông nêu gương, như: Thiếu úy quân y Nguyễn Chí Ninh luôn tận tình chăm sóc sức khỏe chiến sĩ, cứu giúp dân khi bệnh tật, nhưng cũng can trường, mưu mẹo khi tham gia cùng đồng đội “đánh án” trong “Chiến sĩ quân y nơi “cửa gió” Tây Trang”; Đại tá quân y Trần Đăng Dân cùng Đồn Biên phòng A Pa Chải gắn bó mật thiết với dân bản Hà Nhì, xây nên “Thế trận lòng dân” như một mẫu hình tiêu biểu đoàn kết quân dân, đoàn kết với nhân dân nước bạn trên nguyên tắc giữ vẹn nguyên từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong “Lên với đỉnh Giời”.

Điều khác biệt mà nhiều đồng nghiệp thường nói về Nguyễn Uyển, đó là khi đặt chân lên Tây Bắc, ông thường dành sự quan tâm, khám phá những vùng sâu, vùng xa, nơi mà báo chí chưa hoặc ít nói đến. Trong đó có thể kể đến miền đất xa xôi, hẻo lánh, trắc trở ở các xã Thu Lũng, Ka Lăng của huyện Mường Tè, Lai Châu, nơi có độ cao trung bình 2.300m so với mặt nước biển, xứ sở của ruồi vàng, bọ chó luôn bâu bám châm cắn người lạ và cũng là nơi giáp ranh với huyện Lục Xuân, Vân Nam, Trung Quốc.

Ông đã đến để nghe chiến sĩ Biên phòng và đồng bào dân tộc Hà Nhì, La Hủ giãi bày, để thấu hiểu công việc, thấu hiểu tình quân dân nơi đỉnh điểm gian nan, để rồi ông cho ra bút ký “Đỉnh trời Ka Lăng” trên Báo Văn nghệ tháng 4/2007. Bài viết cuốn hút người đọc về một miền cương thổ quốc gia luôn cố kết cộng đồng trong phương lược biên phòng, đúng như lời Đức vua Lê Thái Tổ khi xưa đã răn dạy: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”, nghĩa là “Biên phòng cần có phương lược phòng bị tốt/ Đất nước cần có kế trị an lâu bền”.

Nhà văn Nguyễn Uyển (trái) trong chuyến trở lại Điện Biên gần đây.

Trong một chuyến đi khác vào tháng 11/2006, ông lên thượng nguồn sông Mã, phần đất của huyện Điện Biên Đông để viết bài bút ký về nhà báo Lầu A Vàng “Cắm bản” đăng trên Báo Văn ng hệ và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã được đồng nghiệp và nhân dân biết đến, nể trọng. Rồi “Hãy cứu dân Khơ Mú ở Nậm Mạ” nói về cảnh nghèo khổ, đói cơm, rách áo, thiếu chữ, thiếu thuốc, cuộc sống lay lắt của đồng bào Khơ Mú ở Nậm Mạ, xã Pú Hồng của ông đăng trên Báo An ninh thế giới lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành phong trào quyên góp sôi nổi cả nước suốt hai năm sau, cứu giúp dân bản Khơ Mú và các dân tộc khác của Điện Biên với cả trăm kiện hàng, cả chục tỷ đồng.

Nguyễn Uyển thường nói về trách nhiệm của người làm báo “Luôn ở nơi đầu nguồn sự kiện”; hẳn là thế, nên ở tuổi ông chẳng ai bắt, chẳng ai buộc phải làm, và ông cũng chẳng nắm giữ một phương tiện báo chí nào trong tay, thế nhưng sự kiện người Mông tứ phương đổ về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé để đợi vua Mông giáng trần ban hạnh phúc, giàu có cho gia đình và con cháu họ thì Điện Biên đã gọi tới ông.

Cho nên, ông là người nói sớm nhất về đức tin hoang tưởng, lường gạt nhằm tụ tập gây rối của thế lực phản động. Với bài viết “Sự thật Mường Nhé” đăng trên Báo Nhân Dân và bút ký “Mường Nhé sau mưa” trên Báo Văn nghệ thấm đẫm chất nhân văn, bởi nguyên do kỹ càng, chi tiết thông tin chắt lọc, cẩn thận, cặn kẽ; bởi Chủ tịch tỉnh Mùa A Sơn đã tiếp cận trực tiếp với dân tộc mình để nói rõ kẻ xấu đã lường gạt họ. Cuộc tập tụ nhanh chóng giải tán, sự thật sáng tỏ và các phương tiện thông tin xấu của thế giới tự cải chính, gỡ bỏ, hoặc tảng lờ.

Và hơn thế nữa, những bài bút ký ấy đã được ông tập hợp, in trong cuốn “Tình người Điện Biên” (xuất bản năm 2010), cho dù từ đó đến nay, ông có thêm hàng chục bài bút ký khác. Những nơi không còn là lạ như Mường Phăng, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; như hạt thóc Mường Trời - hạt gạo Điện Biên; như mùa hoa ban nở trắng một trời Tây Bắc... nhưng với cách nhìn vô cùng độc đáo, thông tin của ông luôn mới mẻ, hấp dẫn.

Ông đã viết Mường Phăng còn là “Mường Nghe”, mường của những người biết nghe, là rừng nghĩa, rừng tình, không có cách mạng làm sao Mường Phăng được đổi thay, trù phú như bây giờ? Hẳn là vậy nên ông luôn theo sát thế hệ “đại thụ” và lớp “măng non” ở Mường Phăng. Còn hạt thóc Mường Trời là đặc sản của Mường Thanh, rộng ra là của cả Tây Bắc, song cái nghề “làm ruộng có năm tậu trâu, có năm phải bán con”.

Đó là cái được và cái chưa được của xứ này bây giờ, điều kỳ diệu là nó đã có sức lan tỏa, vươn xa, ấy là nhờ sự lãnh đạo Đảng, chính quyền ở Điện Biên đã sớm nhận thức và kịp thời đề ra những chủ trương thích hợp. Dưới ngòi bút linh hoạt của Nguyễn Uyển, cây ban, mùa hoa ban là hình ảnh đặc trưng của núi rừng Tây Bắc có vẻ đẹp huyền thoại, là hoa của đạo hiếu và lòng chung thủy, là hoa con gái Thái xinh đẹp bước ra từ bạt ngàn rừng ban trắng...

Người Điện Biên cũng được ông lột tả qua những nhân vật như: Chu Văn Tờn, Bí thư Đảng ủy kỳ cựu xã Na Lay; nhà lão thành cách mạng Hoàng Đeng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Chà Nưa, mẹ hiền của một bản nghèo; nữ nhà báo Lê Lan gắn bó với đề tài miền núi; chim sơn ca ven trời Tây Bắc Thái Hằng...

Với tác phong làm việc sâu sát, cẩn trọng, ông đã “gặt hái” được không ít tư liệu mới và xác tín về những phong tục, tập quán, lối sống của những tộc người mà bạn đọc ít có điều kiện tiếp xúc. Đó là lễ hội Phăng Khùa (ơn thầy) và Gầu Tào (du xuân) của người Mông, lễ hội cúng bản của người Si La và người Cống, lễ hội cúng Trời của người Thái... Qua đó làm nổi lên một không gian văn hóa thấm đẫm chất dân gian và môi trường sinh thái hứa hẹn nhiều triển vọng.

Dường như với Nguyễn Uyển chưa bao giờ có khái niệm nghỉ ngơi và cũng thật mừng khi ông được trời phú cho sức khỏe và trí tuệ minh mẫn để ở cái tuổi xấp xỉ 80 vẫn thấy ông đi, nghĩ và viết đều đặn, thường xuyên. Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết ông lấy nguồn năng lượng ở đâu để có thể làm việc được như vậy, thế rồi tôi lại tự tìm được câu trả lời mỗi khi ông đăng bài lên Facebook được bạn bè khen ngợi, tán thưởng, động viên. Niềm vui, niềm hạnh phúc của người cầm bút đôi khi từ những điều giản dị nhất như thế.

Ngô Khiêm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/duyen-no-voi-mien-bien-vien-cuc-tay-546678/