Duyên thầm nón lá Tân An

Nghề làm nón lá của người Tày ở Tân An (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) có từ khi nào là 'câu hỏi khó' mà ngay đến các bậc cao niên ở đây cũng không có câu trả lời. Chỉ biết rằng, giữa thời buổi hiện đại, các sản phẩm nón lá truyền thống của đồng bào Tày vẫn được làm hoàn toàn bằng thủ công với nhiều công đoạn kỳ công không thể thay thế. Và, dù chỉ là thứ vật dụng che mưa, che nắng đơn sơ, nhưng sau vành nón lá ấy, duyên thầm của các cô gái Tày vẫn tỏa sáng và đi vào thơ ca, nhạc, họa...

Người dân ở Tân An chặt lá cọ về làm nón. Ảnh: Ánh Tuyết

Người dân ở Tân An chặt lá cọ về làm nón. Ảnh: Ánh Tuyết

Kỳ công nghề làm nón

Đến Tân An những ngày này, có thể bắt gặp ở góc sân, bờ giậu trong các gia đình còn duy trì nghề làm nón được phủ kín những tàu lá cọ đang “ngậm sương”, “ăn nắng”. Mở đầu câu chuyện với khách, bà Ma Thị Lống, một thợ làm nón lâu đời ở thôn Tân Thịnh tiết lộ: “Được nắng là yêu cầu quan trọng nhất trong các công đoạn làm nón truyền thống của người Tày. Các công việc khác như chẻ nan, uốn vòng, vào khuôn, chằm, nức... thợ làm nón đều có thể tranh thủ làm ở mọi lúc, nhưng riêng việc cho lá cọ “ngậm sương”, “ăn nắng” phải đảm bảo nghiêm ngặt về thời gian”.

Theo bà Lống, nguyên liệu để sản xuất nón lá là những tàu lá cọ không quá non, cũng không quá già mà dân gian thường gọi là lá “bánh tẻ” dài trên dưới nửa mét. Ở tầm này, lá đang còn búp nhưng đã phát triển hết chiều dài, chiều ngang, chưa chuyển sang màu xanh đậm. Nếu lá già quá, thếp lá sẽ không được thanh, chưa kể màu lá sẽ bị xỉn vàng, còn lá non quá thì nhiều gân xanh ảnh hưởng đến vẻ nuột nà của mặt nón...

Bên bát nước chè tươi, bà Lống tay vẫn thoăn thoắt nức vành nón, miệng thủng thẳng kể về nghề làm nón truyền thống của người Tày Tân An. Theo bà thì nghề này có từ lâu lắm, khi lứa những người có tuổi “thất thập cổ lai hi” như bà còn nhỏ xíu đã thấy ông bà, cha mẹ thau khuôn, tay chít để cho ra đời những chiếc nón lá cung cấp cho các chị, các bà ngày hai buổi lên nương, để rồi, đến lúc tóc bắt đầu tết chỏm, nghề nón đã “ngấm” vào người lúc nào không hay.

Bà Lống nhấn mạnh: Cũng như người Kinh và một số dân tộc khác, chiếc nón lá là vật dùng không thể thiếu trong các đồ dùng mà cô gái Tày mang về nhà chồng sau lễ vu quy. Với ý nghĩa như vậy, chỉ với nguyên liệu là những đọt lá cọ và những khúc tre, sợi giang, người làm nón bằng kỹ thuật điêu luyện của mình đã làm ra những chiếc nón bền bỉ và tinh tế.

“Nghề làm nón truyền thống của người Tày dễ học, dễ làm nhưng lắm công phu, tỉ mẩn. Từ khâu chọn lá, vót nan làm vành, tạo khuôn, đan nón đều đòi hỏi sự công phu. Quan trọng nhất là việc chế biến lá cọ, kỹ thuật “ngậm sương”, “ăn nắng” phải làm sao để lá thành phẩm mềm và dẻo dai. Muốn vậy, lá tươi được đưa về, đem hơ qua lửa, sau đó, đem phơi sương, phơi nắng theo bí quyết riêng. Thêm một công đoạn quyết định đến chất lượng của nón là việc khâu. Ai nắm được kỹ thuật khâu chắc tay và đều, chiếc nón sẽ bền và đẹp hơn...” - Bà Lống chia sẻ.

Cũng theo tiết lộ của bà Lống, nghe thì đơn giản vậy, nhưng từ việc vót nan làm vành, đóng khuôn nón, rồi ghép lá, may... đều rất kỳ công, phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt mới mong nón bền, ít ngấm nước, không bị mốc, lại bóng đẹp. Khác với nón lá của đồng bào Kinh, phần bên trong của chiếc nón Tày là những sợi tre nhỏ được đan thành các mắt hình lục giác đều áp phẳng trên các khung tre. Đây chính là cái “cốt” để những lớp lá cọ “tựa” vào, được cố định bằng những vòng tre, sau đó buộc chặt bằng lạt giang.

Nghề làm nón truyền thống của người Tày ở Tân An dễ học, dễ làm nhưng lắm công phu, tỉ mẩn. Ảnh: Ánh Tuyết

Trăn trở với vốn quý truyền thống

“Trải qua bao đời, nghề làm nón truyền thống đã giúp cho không ít người Tày Tân An có thêm kế sinh nhai. Bây giờ, thế thời thay đổi, trong mỗi phiên chợ đều bày bán ê hề các loại mũ vải giá rẻ với đủ màu sắc. Dù vậy, chiếc nón lá của người Tày nơi dây vẫn chưa hết cái duyên thầm của nó. Tôi chỉ mong làm sao để lớp người có tuổi như chúng tôi có thể truyền dạy nghề làm nón cho bọn trẻ, qua đó, lưu giữ và phát huy được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày...” - Bà Hoàng Thị Tình, ở thôn Tân Thịnh nêu ý kiến.

Theo chia sẻ của bà Tình thì trước đây, ở Tân An có rất nhiều người biết làm nón. Ngay cả đàn ông, việc chính là tay cày, tay cuốc theo sau lưng trâu, nhưng khi động vào cây kim để chằm nón cũng thoăn thoắt không kém gì phụ nữ. Nhưng bây giờ, dù xã Tân An vẫn còn người làm nón, nhưng đếm đi đếm lại cũng chỉ vài chục người, trong đó chủ yếu là người già. Ngoài mục đích kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình, cháu con, trong tâm thức của họ còn có cái gì đấy gắn bó, nhớ tiếc, muốn níu giữ cái “hồn” nón là truyền thống của người Tày mãi mãi không bị mất đi...

Ông Hoàng Văn Vịnh, một cao niên ở Tân An bày tỏ nỗi niềm: “Bây giờ, nhìn các loại mũ vải, mũ nhựa được sản xuất theo lối hiện đại bày bán khắp nơi, tôi thấy lo lắng cho số phận của những chiếc nón Tày. Chúng tôi mong muốn, giống như chiếc đàn tính hay vải thổ cẩm cùng các loại dụng cụ sản xuất, sinh hoạt truyền thống khác của người Tày, một ngày nào đó, nghề làm nón sẽ “sống” lại, không còn phải chịu cảnh đìu hiu như bây giờ...”.

Ông Vịnh cũng thông tin thêm: Từ trước đến nay, ở Tân An, dường như không có ai khá lên được với cái nghề làm nón truyền thống. Đến cả những người làm nghề giỏi như bà Lồng, bà Tình, vài ba ngày mới làm ra được chiếc nón, sau khi trừ hết các khoản chi phí, chỉ còn dư ra được vài chục nghìn đồng. Dù không còn là nghề kiếm ra nhiều tiền, nhưng may mắn thay vẫn còn những người như hai bà vẫn đang ngày đêm âm thầm níu giữ cái nghề làm nên nét văn đặc sắc của người Tày ở Tân An.

“Trong khi lớp trẻ không còn thiết tha với nghề làm nón truyền thống của dân tộc mình, để giải quyết lao động nhàn rỗi và lưu giữ nghề làm nón cổ truyền, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện cần giúp địa phương chúng tôi mở các lớp truyền dạy nghề làm nón, đồng thời, có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ nghề làm nón tồn tại và phát triển...” - Ông Vịnh đề xuất.

Đặng Thị Ánh Tuyết

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/duyen-tham-non-la-tan-an/