Đynh Trầm Ca: Từ 'Ru con tình cũ' đến 'Sông quê'

Hình ảnh anh nông dân Mạc Phụ và những tứ thơ, ca từ trong tác phẩm, nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca là cả một khoảng cách - không gian và thời gian. Trong khoảng cách đó, là một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, sâu đậm với quê hương và tình yêu

Quảng Nam nóng như đổ lửa những ngày tháng tư năm nay. Tôi chở Đoàn Thạch Biền đi Hội An chơi rồi gọi điện cho Đynh Trầm Ca. Anh đang ngồi với một bạn thơ ở nhà hàng gần nhà anh ở Vĩnh Điện. Dáng anh ngồi khom khom, mắt mơ màng. Thỉnh thoảng nhìn lên với ai đó hoặc nhìn vào chỗ trống không như vẫn vậy và tiện tay nâng cốc bia đưa lên miệng, uống chậm rãi. Nói cũng kiệm lời, nếu không phải bạn thân quen…

Nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca (trái) và tác giả Ảnh: QUANG NAM

Nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca (trái) và tác giả Ảnh: QUANG NAM

1- Tôi biết anh rất lâu nhưng gặp nhau lần đầu khi về làm việc ở Báo Thanh Niên đầu những năm 1990. Khi anh về ở hẳn tại quê nhà, thì gặp thường xuyên hơn. Mới đây, tôi ghé thăm anh sau Tết theo yêu cầu của hai người bạn nữ vừa về thăm quê từ Mỹ vốn đã hâm mộ tên tuổi anh. Trong lúc chuyện vãn, một bài hát của anh bỗng phát đoạn này từ chiếc loa trên tường của quán cà phê mà cha con anh làm chủ, quán Thạch Trúc Viên:

"Hãy bay đi những bụi mưa/ Trên đường về chuyện xưa/ Hãy bay đi, bay đi những giọt vươn trên hồn người hằng nhớ/ Một dĩ vãng hắt hiu buồn/ Về lãng đãng giữa cơn mưa phùn/ Một dĩ vãng có mưa là lệ ta khóc nhau/ Hãy bay đi những bụi mưa trên hồn người lẻ loi…".

Chúng tôi trầm ngâm lắng nghe. Tôi biết những cuộc tình đã đến trong đời anh để từ đó thăng hoa thành những bài thơ, những ca khúc.

2- Đến mùa hè 2019 này Đynh Trầm Ca bước vào tuổi 77. Anh định cư hẳn ở quê nhà, trong khu vườn cha mẹ để lại. Anh nâng cấp và dựng thêm mấy căn nhà lợp lá làm quán cà phê Thạch Trúc Viên. Một kế sinh nhai tuổi già và làm một điểm hẹn văn nghệ để bạn bè lui tới. Mạc Quảng Thịnh - con trai anh - đưa vợ về ở chung rồi ra Đà Nẵng làm việc mỗi ngày. Một mình anh không cáng đáng được, quán dần thưa khách.

Từ trước Tết Mậu Tuất 2018, Thạch Trúc Viên lại được nâng cấp với các "dự án": Một phòng đọc sách chuyên đề văn hóa - văn nghệ Quảng Nam, trong đó có trưng bày chân dung các danh nhân văn hóa, lịch sử Quảng Nam và chương trình giao lưu tác giả. Mới đây, một số tác giả và mạnh thường quân đã bắt đầu gửi sách báo về tặng. Mạc Quảng Thịnh cho biết nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê (diễn viên chính trong các phim "Mùi đu đủ xanh", "Xích lô") đang lên chương trình về giao lưu với người hâm mộ điện ảnh ở quê nhà… Nhưng rồi quán lại vắng, dự án cà phê sách phải đình lại. Hai tủ sách anh mướn người đóng giờ vẫn nằm yên chờ đợi, các cuộc giao lưu hẹn vào một dịp khác…

Đynh Trầm Ca giờ rảnh huơ với tuổi mình! Anh lại làm thơ gửi cho bạn bè đọc. Nếu xưa anh đã viết "Ta, lục bình vừa trôi vừa trổ bông" (Khúc ca trôi dạt của khóm lục bình) làm nao lòng người đọc bởi trên bước đường lưu lạc mưu sinh, anh còn nguyên một niềm hy vọng mà khóm hoa lục bình là một ẩn dụ, thì nay anh xót xa những mối tình một đi không trở lại:

Tình bảy mươi vẫn sáng như trăng rằm/ Người bảy mươi sao nỡ đành khô héo/ May phước mình mỗi người mỗi nẻo/ Để lời thề có thể sống trăm năm...

3- Tôi và Đoàn Thạch Biền ngồi nghe anh nói về các ca khúc nổi tiếng của anh. Tác phẩm "Ru con tình cũ" của Đynh Trầm Ca in và phổ biến năm 1972, trước đó đã được ca sĩ Lệ Thu hát với phần hòa âm phối khí của ban nhạc Shotguns có tên đầy đủ là "Bài cho nàng/ Ru con tình cũ" là viết cho "nàng" Thu ở thị trấn Hà Lam, Quảng Nam. Anh đã "viết chơi" cho một mối tình thật đã dang dở và người con gái đã ở phía xa lòng. Sau được bạn của "nàng" mang vào Sài Gòn và lọt vào tay ban nhạc nổi tiếng Shotguns lúc bấy giờ để nó thêm nổi tiếng qua giọng ca Lệ Thu.

Còn ca khúc "Sông quê", theo anh dù viết bằng một giai điệu đậm chất dân ca Nam Bộ nhưng những kỷ niệm về quê hương, về con sông, ngôi làng chính là những kỷ niệm của tuổi thanh xuân và mối tình đầu đời bên dòng sông Vĩnh Điện. Có lẽ, khi "vọng cố hương" và "vọng mỹ nhân" thì người nghệ sĩ mới trở nên da diết đến vậy!

"Nhánh mù u, con bướm vàng không đậu/ Câu ca từ thuở thơ dại ru sang/ Sông quê, trường làng con đò trên cát lở/ Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ não lòng…

Hình ảnh "anh nông dân" Mạc Phụ và những tứ thơ, ca từ trong tác phẩm, nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca là cả một khoảng cách - không gian và thời gian. Trong khoảng cách đó, là một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, sâu đậm với quê hương và tình yêu.

Tháng tư đầu mùa hè nắng nóng, tôi hy vọng gửi đến bạn đọc những thông tin chân thật về anh, để hiểu thêm một tấm lòng vẫn êm đềm, xao xuyến trôi bên dòng sông quê Vĩnh Điện…

Nhà thơ - nhạc sĩ Mạc Phụ - Đynh Trầm Ca là người con của Điện Bàn. Anh sinh năm 1943, sáng tác và đăng thơ nhạc từ rất sớm trên nhiều báo ở Sài Gòn. Ngoài tập thơ tuổi học trò “Mắt đêm” in roneo năm 1969 được đánh giá cao, thơ anh vẫn tiếp tục được giới thiệu trên các báo, tạp chí từ sau 1975 đến nay. Với hơn 100 ca khúc đã giới thiệu từ trước ngày thống nhất đất nước, người yêu âm nhạc dành tình cảm sâu đậm với những ca khúc như: Ru con tình cũ, Sông quê, Bay đi những cơn mưa phùn, Phượng buồn, Mưa La Qua mưa Vĩnh Điện… từng được các ca sĩ nổi danh như Khánh Ly, Lệ Thu, Hồng Nhung, Phương Hồng Quế, Phi Nhung… trình bày trên các sân khấu trong và ngoài nước hoặc trên các đĩa CD mấy chục năm qua.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/dynh-tram-ca-tu-ru-con-tinh-cu-den-song-que-20190504202937669.htm