Ðể kỳ thi THPT quốc gia thật sự hiệu quả

Có một thời kỳ, mùa thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) trở thành nỗi lo lắng đối với người dân cả thành phố và nông thôn. Ở nông thôn là những lo lắng về tài chính trong việc đưa con đi thi. Trong khi ở các thành phố lớn là nỗi lo về ùn tắc giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự những ngày thi… Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia đã góp phần xóa bỏ những lo lắng nêu trên, tạo sự nhẹ nhàng cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh hoàn thiện thủ tục trước buổi thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: THỦY NGUYÊN

Giảm nặng nề, tốn kém trong thi cử

Trong một thời gian dài, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) chỉ đạo các sở GD và ÐT tổ chức cùng một thời gian trên toàn quốc, theo đề thi chung. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp này bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; trong đó rõ nhất là bệnh thành tích trong thi cử kéo dài nhiều năm, làm phát sinh các hiện tượng tiêu cực, gian lận ở một số địa phương, thi cử trở nên nặng nề, tốn kém. Từ năm 2012 đến 2014, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, thực chất hơn, nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn còn những băn khoăn. Ðối với tuyển sinh ÐH, CÐ, hình thức thi "ba chung" kéo dài 13 năm, bên cạnh thành công và ưu điểm cũng đã bộc lộ một số hạn chế, nhất là khi các trường ÐH, CÐ được quyền tự chủ tuyển sinh và đào tạo. Việc thí sinh phải tham dự nhiều đợt thi trong thời gian ngắn, ở các thành phố lớn đã tạo áp lực, tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ: Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, Nghị quyết số 37/2004/QH11 "tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực", Nghị quyết 44/NQ-CP năm 2014 yêu cầu "đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và ÐH, CÐ...", Bộ đã xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu khắc phục các bất cập nêu trên. Kỳ thi đặt mục tiêu bảo đảm trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội. Thực tế khi đổi mới thi, có ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ tổ chức thi ÐH, CÐ. Việc này không khả thi vì trái Luật Giáo dục. Chưa kể, nếu bỏ thi, với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay cũng như quan niệm học phải có thi đã ăn sâu vào tiềm thức người dân chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, học sinh sẽ không học hoặc học lệch, học tủ, kết quả học tập của học sinh khó được quốc tế công nhận. Việc bỏ thi tốt nghiệp THPT chỉ nên thực hiện với các lộ trình và bước đi cụ thể khi phần lớn người dân đạt được ý thức cao trong học tập, quan niệm học để lấy kiến thức thật sự như ở các nước phát triển trên thế giới. Trong khi đó, việc Bộ GD và ÐT đứng ra tổ chức thi ÐH, CÐ sẽ vi phạm quyền tự chủ của các trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Việc giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT sẽ không công bằng và trung thực về kết quả khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó; địa phương này coi thi lỏng, địa phương khác coi thi chặt. Phần lớn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý thống nhất tổ chức một kỳ thi quốc gia vừa bảo đảm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ÐH, CÐ. Bộ GD và ÐT đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý. Phương án vừa kế thừa những ưu điểm vừa khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đây, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Từ năm 2015 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm. Trong đó, từ năm 2017, kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố do Sở GD và ÐT chủ trì, các trường ÐH, CÐ phối hợp, hỗ trợ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Từ năm 2017, kỳ thi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết bài thi (trừ môn Ngữ văn), bảo đảm mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính.

Tập trung bốn vấn đề để hoàn thiện kỳ thi

Qua bốn năm thực hiện, kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội. Việc phối hợp lực lượng công an nhằm tăng cường giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật cho đề thi, bài thi, công tác coi thi và chấm thi. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD và ÐT tiếp tục áp dụng các giải pháp kỹ thuật để hoàn thiện các khâu trong quy trình tổ chức thi, hạn chế thấp nhất tiêu cực phát sinh. Tuy nhiên, theo Bộ GD và ÐT, kỳ thi bộc lộ những hạn chế nhất định như: Ðề thi chưa thật sự phù hợp yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao; phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng làm sai lệch kết quả thi; công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD và ÐT đối với các địa phương đã được tăng cường nhưng vẫn sơ hở, chưa sâu sát. Ðáng chú ý là sai phạm nghiêm trọng tại các hội đồng thi ở hai tỉnh Sơn La và Hà Giang. Bộ GD và ÐT đã nhanh chóng vào cuộc và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành; công khai minh bạch kết quả xử lý để rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, toàn ngành sẽ tổng kết công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị. Những sai sót của kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ tiếp tục được rà soát, để hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và xã hội để tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập. Trong đó, Bộ GD và ÐT tập trung bốn vấn đề nhằm khắc phục hạn chế, bất cập, hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia tốt hơn. Thứ nhất, tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Thứ hai, hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Thứ ba, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi. Thứ tư, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, đồng thời tăng cường vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra của Bộ GD và ÐT đối với các hội đồng thi.

NGUYỄN XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/37189502-%C3%B0e-ky-thi-thpt-quoc-gia-that-su-hieu-qua.html