Ðể trẻ em hạnh phúc: Cần chu đáo và tinh tế!

Lại thêm một Ngày Quốc tế Hạnh phúc nữa đang đến, rất nhiều người muốn trẻ em Việt Nam thực sự được hạnh phúc. Để có được điều này, các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự quan tâm cụ thể hơn nữa, đặc biệt phải có thái độ chu đáo và tinh tế.

Nền móng vững chắc cho hạnh phúc của trẻ em

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1990.

Đa số trẻ em Việt Nam vẫn được học tập, vui chơi và chăm sóc y tế.

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có điều kiện để quan tâm hơn nữa đến đời sống của trẻ em. Những thành tựu kinh tế cho phép Chính phủ thực hiện nhiều chính sách để trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển.

Hầu hết trẻ em hoàn thành cấp tiểu học và THCS, gần 60% hoàn thành cấp THPT, phần lớn được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực trẻ em tiếp tục được hoàn thiện, các mục tiêu quốc gia về trẻ em không ngừng được nâng cao.

Để tất cả trẻ em có cơ hội phát triển

Không khó để nhận ra sự phát triển không đồng đều giữa thành phố và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi. Và chính là sự khác biệt này ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em.

Trẻ em được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo tính toán, có 20% trẻ em (khoảng 5,5 triệu trẻ em) vẫn gặp khó khăn, bị thiếu thốn trong giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, hòa nhập xã hội…

Đặc biệt, 74% dân số bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường và trẻ em là đối tượng bị tác động nặng nề nhất.

Các nghiên cứu và con số thống kê chỉ ra rằng, vẫn còn một số trẻ em chưa có được sự khởi đầu tốt nhất và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Con số 100 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày khiến chúng ta day dứt. Số trẻ dưới 5 tuổi tử vong ở các vùng dân tộc miền núi phía Bắc cao gấp 3,5 lần so với bình quân cả nước.

Những người làm công tác trẻ em, quan tâm tới hạnh phúc của trẻ em cũng đã cố gắng chú ý tới sự khác biệt về hoàn cảnh của các em để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tại Điều 10 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; Trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em không nơi nương tựa; Trẻ em khuyết tật; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em vi phạm pháp luật; Trẻ em nghiện ma túy; Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; Trẻ em bị bóc lột; Trẻ em bị xâm hại tình dục; Trẻ em bị mua bán; Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Nhà nước và các tổ chức xã hội quan tâm, các em dần dần vượt qua khó khăn và hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trẻ em không thuộc nhóm này nhưng các em đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ.

Đó là những trẻ sau khi cha mẹ ly hôn, những đứa trẻ bị xác định không cùng huyết thống với người vẫn được xem là cha… Những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh này thực sự khó khăn, đặc biệt là về mặt tinh thần. Tuy nhiên, quan tâm, giúp đỡ các em không phải chuyện dễ.

Chính vì vậy, để trẻ em Việt Nam hạnh phúc, chúng ta cần chu đáo và tinh tế trong hoạt động trợ giúp các em.

TS. Hồ Bất Khuất

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/de-tre-em-hanh-phuc-can-chu-dao-va-tinh-te-20240312165648366.htm