EC đánh giá lại chính sách 'bán hộ chiếu'

Chương trình đổi vốn đầu tư lấy hộ chiếu hoặc quyền cư trú đang được áp dụng tại 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu từng áp dụng, nhưng nay đã hủy hẳn.

Cụ thể đó là các quốc gia: Áo, Síp, Luxembourg, Malta, Hy Lạp, Latvia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ailen, Anh, Bulgaria, Hà Lan, Pháp, Hungary.

Ảnh minh họa

Nhiều tổ chức dân sự đang đẩy mạnh việc kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải có quan điểm chính thức chung liên quan đến chính sách nhiều nước thành viên áp dụng, cấp hộ chiếu và quyền cư trú cho các công dân ngoại quốc giàu có mang đến các khoản đầu tư lớn. Họ cho rằng, việc đánh đổi tấm hộ chiếu EU lấy vốn có thể vô hình chung tạo ra nhiều cơ hội rửa tiền đối với những nguồn tài chính thiếu minh bạch và không được kiểm soát chặt chẽ.

“Một người có rất nhiều tiền bằng nhiều cách rất đáng nghi ngờ, việc tìm một quê hương mới, một ngôi nhà mới tách biệt hẳn với nơi người đó “kiếm” được tiền quả thực là giải pháp không chỉ hấp dẫn mà còn vô cùng hợp lý”, cô Naomi Hirst từ tổ chức Nhân chứng toàn cầu nói. Naomi nhận xét thêm, cơ chế kiểm soát của các nước EU với dòng vốn hiện là chưa đủ, chưa đạt yêu cầu.

Báo cáo chung của hai tổ chức Nhân chứng toàn cầu và Minh bạch quốc tế hối thức EU phải nhanh chóng thiết lập ra được tiêu chuẩn chung kiểm soát các chính sách “bán hộ chiếu”, bổ sung các quy tắc và phạm vi chống hành vi rửa tiền tới mọi lĩnh vực trong xã hội, vốn hiện mới áp dụng cho hệ thống ngân hàng và ngành cờ bạc giải trí.

Hiện tại, Ủy ban Châu Âu (EC) đang đánh giá lại toàn diện chính sách này và dự kiến sẽ có báo cáo cập nhật vào tháng 12 tới, theo Reuters.

Việc “mua - bán” hộ chiếu đang khá phổ biến tại các quốc gia có nền kinh tế yếu hơn trong EU. Tại quốc đảo Síp, với khoản đầu tư 2 triệu EUR người ngoài có thể có ngay tấm hộ chiếu EU, trong khi giá bình quân được cho là chỉ có 900.000 EUR. Mỗi năm, Síp thu về 4,8 tỷ EUR, Bồ Đào Nha khoảng 1 tỷ EUR, số liệu dẫn trong báo cáo “Đường vào châu Âu - Nội tình thế giới âm u của thị thực vàng” được Nhân chứng toàn cầu và Minh bạch quốc tế công bố.

Tình hình còn thoáng đến mức như ở Malta, một người có hồ sơ phạm tội hay đang bị điều tra hình sự vẫn có thể được xem xét cấp hộ chiếu nhờ gắn mác “hoàn cảnh đặc biệt”, nhờ đó mà Malta đã thu được 718 triệu EUR. Tính chung, khu vực EU huy động được 25 tỷ EUR dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ việc đổi ít nhất 6.000 hộ chiếu và gần 100.000 giấy phép cư trú.

“Quản lý yếu kém tạo vô số cơ hội cho những kẻ làm giàu từ tham nhũng và rửa tiền nghênh ngang qua lại khắp EU mà không bị sờ gáy, việc đó làm xói mòn các giá trị an ninh của chúng ta”, Laure Brillaud - chuyên gia chống rửa tiền từ tổ chức Minh bạch quốc tế nhận định.

Trong số các quốc gia hiện có chính sách đổi hộ chiếu lấy vốn đầu tư, chỉ có Anh, Ailen và Bulgaria nằm ngoài khu vực tự do đi lại Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu.

Hộ chiếu Nhật Bản mạnh nhất thế giới

Theo xếp hạng Chỉ số Hộ chiếu Henley từ tập đoàn Henley & Partners công bố ngày 9/10, Nhật Bản vượt qua Singapore trở thành quốc gia có tấm hộ chiếu uy lực nhất thế giới năm 2018.

Kết quả này có được nhờ Nhật Bản vừa đạt được quy chế miễn thị thực với Myanmar vào đầu tháng 10. Hiện Nhật Bản có quy chế miễn thị thực hoặc xin thị thực tại điểm nhập cảnh với 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong khi Singapore mới có 189.

Đức xếp hạng 3 cùng với Hàn Quốc và Pháp. Vị trí thứ 4 của Đan Mạch, Phần Lan, Italy, Thụy Điển, Tây Ban Nha. Mỹ chia sẻ vị trí thứ 5 với Anh.

Xếp cuối Chỉ số Hộ chiếu Henley là Iraq và Afghanistan với 30 điểm đến được miễn thị thực. (CNA)

ĐỨC HUY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ec-danh-gia-lai-chinh-sach-ban-ho-chieu-post228477.html