ECSS 2018: đã có phương pháp định lượng cảnh báo điểm nóng sạt lở bờ sông

Nhờ phát hiện sớm những đoạn bờ có nguy cơ sạt lở cao, cơ quan quản lý có thể nhanh chóng lập quy hoạch, giải quyết vấn đề sạt lở bờ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn miền Tây có hơn 500 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 800km bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, An Giang có 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, chảy qua cùng một hệ thống rạch tự nhiên rải rác khắp địa bàn của tỉnh, vì vậy không thể tránh khỏi sạt lở bờ sông. Trên 40 điểm sạt lở nghiêm trọng đã được xác định ở khắp các huyện tiếp giáp sông Tiền, sông Hậu.

Sạt lở bờ sông Vàm Nao.

Để đánh giá hiện trạng nguy cơ và cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông mang tính định lượng, nhóm tác giả Nguyễn Thị Thanh Nguyệt và Phạm Ngọc thực hiện đề tài nghiên cứu phương pháp kết hợp chỉ số nguy cơ sạt lở bờ (BHEI – Bank Erosion Hazard Index) với chỉ số công trình bảo vệ gần bờ, chỉ số tải trọng bờ và chỉ số ứng suất gần bờ (NBS – Near Bank Stress). Đây là phương pháp mới dùng để xác định nguyên nhân, cơ chế và đề xuất các giải pháp khả thi về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế nhằm hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông đồng bằng sông Cửu Long.

Nội dung nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị quốc tế về nghiên cứu Biển, Cửa sông và Bãi bồi (ECSS 2018) do Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (thuộc Sở KHCN TP.HCM) phối hợp cùng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức diễn ra ngày 31/10/2018.

Đề tài được ứng dụng cho khu vực ngã ba sông Hậu - sông Vàm Nao (tỉnh An Giang), đoạn sông hợp lưu chịu nhiều ảnh hưởng của hoạt động dân sinh, nhằm xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ lập được bản đồ nguy cơ sạt lở phản ánh đúng tình trạng thực tế bờ sông của khu vực nghiên cứu, phương pháp mới còn định rõ được những điểm nóng có nguy cơ sạt lở cao trên bản đồ, phân loại theo xếp hạng nguy cơ sạt lở, cung cấp thông tin rất hữu ích cho việc quản lý hệ thống sông, hỗ trợ đưa ra quyết định chủ động giải quyết vấn đề sạt lở bờ. Với độ tin cậy cao như vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng phương pháp này để nghiên cứu, đánh giá nguy cơ sạt lở bờ sông tại đồng bằng sông Cửu Long.

Kết hợp với kết quả phân tích thực địa, nhóm nghiên cứu còn phát hiện rằng các đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở thấp và rất thấp chủ yếu là các đoạn bờ bồi, ổn định, ngoài ra còn được bảo vệ bằng các công trình kiên cố/bán kiên cố hoặc các công trình dân gian. Trong khi đó, đoạn bờ có cấu tạo đất mềm yếu, chịu tác động của dòng chảy và đặc biệt không có công trình bảo vệ thì nguy cơ sạt lở rất cao và cao.

Để hạn chế nguy cơ sạt lở tại các đoạn bờ này, nhóm nghiên cứu kiến nghị nhà nước cần đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ kiên cố/bán kiên cố. Ngoài ra, có thể áp dụng trong các loại cây như tre, cỏ voi cũng có tác dụng tốt trong việc bảo vệ bờ. Do tre có bộ rễ chùm, dài trung bình từ 1-1,7m, có khả năng giữ đất rất tốt giúp hạn chế nguy cơ sạt lở bờ.

ECSS là Hội nghị thường niên diễn ra tại Việt Nam với nội dung trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất về các hướng vật lý biển, động lực học biển, sinh thái biển, quản lý biển, quy hoạch không gian biển.

Năm nay, ECSS 2018 - Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về nghiên cứu Biển, Cửa sông và Bãi bồi sẽ đề cập đến một số diễn biến phức tạp như tình hình suy giảm bãi cát biển, môi trường vùng bờ biển và xu hướng xói lở ven biển ở vùng bờ biển Việt Nam.

Hoàng Kim

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/giai-phap/2018/11/1259975/ecss-2018-da-co-phuong-phap-dinh-luong-canh-bao-diem-nong-sat-lo-bo-song/