Edtech Việt sẽ giải 'bài toán' đưa trẻ em Việt thành công dân toàn cầu hậu Covid-19 ra sao?

Talkshow The WISE Talk số 02 với chủ đề 'Công nghệ giáo dục (Edtech) đang góp phần đưa trẻ em Việt Nam trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh mới như thế nào?' do Trung tâm Kết nối Công nghệ Tương lai (Tech Connect) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy thực hiện, phát trực tiếp trên nền tảng VnEconomy và Fanpage VnEconomy vào lúc 9 giờ ngày 22/06/2022…

Trong suốt hơn hai năm Covid-19 vừa qua, “học trực tuyến” có lẽ được xem là một trong những thứ nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các bậc phụ huynh và các nhà làm giáo dục. Việc đóng cửa tạm thời của các cơ sở giáo dục truyền thống do “cơn lốc” đại dịch tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ lớn hơn bao giờ hết cho các nền tảng công nghệ giáo dục và công cụ elearning.

Năm 2021, các nền tảng Edtech thế giới đã thu hút tổng số vốn đầu tư hơn 30 tỷ USD. Hơn 16 công ty kỳ lân (có định giá hơn 1 tỷ USD) đã phát triển trong lĩnh vực này. Còn riêng với thị trường Việt Nam, năm 2021 cũng được xem là năm kỷ lục với hơn 160 triệu USD đã được đầu tư vào thị trường Edtech Việt. Tổ chức nghiên cứu thị trường Ken Research nhận định, thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023.

Sau giai đoạn phát triển sôi nổi trong suốt hơn 2 năm Covid-19, có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc Edtech Việt liệu có còn tiếp tục “giữ được đà tăng trưởng” khi học sinh đã bắt đầu quay trở lại trường học và phụ huynh có xu hướng khắt khe hơn trong việc lựa chọn các nền tảng giáo dục online cho con em mình. Và liệu Edtech sẽ đóng vai trò đến đâu trong việc giúp giải các bài toán lớn trong lĩnh vực “trồng người” như đưa ngày càng nhiều trẻ em Việt thành công dân toàn cầu trong bối cảnh mới?

Đặc biệt, khi các ứng dụng công nghệ giáo dục ngày càng nở rộ cùng các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo tăng cường), thiết bị đo sóng não, Metaverse (vũ trụ ảo) đã bắt đầu được áp dụng vào Edtech trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, phụ huynh và các nhà làm giáo dục cần xem xét các tiêu chí gì để có thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất cho con em và học sinh của mình?

Để mang tới cho độc giả những cái nhìn cận cảnh hơn về các vấn đề này, Trung tâm Kết nối Công nghệ Tương lai (Tech Connect), Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Talkshow The WISE Talk số thứ hai với chủ đề: “Công nghệ giáo dục (Edtech) đang góp phần đưa trẻ em Việt Nam trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh mới như thế nào?

Các nội dung được thảo luận trong chương trình bao gồm:

Xu hướng thị trường Edtech tại Việt Nam trước, trong và sau COVID đang có sự thay đổi khác nhau như thế nào? Đối với thị trường edtech toàn cầu, đâu là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập cuộc đua quốc tế?

Công nghệ giáo dục đang góp phần ra sao trong tiến trình thực hiện mục tiêu lớn của nhiều bậc phụ huynh và các nhà làm giáo dục: giúp trẻ em Việt trở thành công dân toàn cầu?

Những tiêu chí để cha mẹ và các nhà quản lý giáo dục lựa chọn được sản phẩm và nền tảng phù hợp nhất trong thời điểm các ứng dụng công nghệ giáo dục nở rộ như hiện nay?

Với những thay đổi mạnh của thị trường và thay đổi trong kỳ vọng của người dùng, các công ty edtech cần có những điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh mới ra sao? Và để phát triển các sản phẩm edtech thành công, các startup nên quan tâm vào những điểm chính nào?

Khách mời của Talkshow bao gồm:

Anh Nguyễn Trí Hiển, Đồng Trưởng làng Công nghệ Giáo dục TECHFEST 2020-2022; CEO Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh
Chị Nguyễn Phương Dung, CEO Công ty CP 1Edtech, nhà phát triển ứng dụng Dino Đi học

Host: Bùi Cẩm Vân (Hachi), Giám đốc chi nhánh Startup Grind, Giám đốc thương hiệu Clevai- người đã có hơn 7 năm kinh nghiệm trong xây dựng cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Hoàng An -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/edtech-viet-se-giai-bai-toan-dua-tre-em-viet-thanh-cong-dan-toan-cau-hau-covid-19-ra-sao.htm