EHighway: Đường cao tốc sạc pin cho xe tải ở Đức

Tuần trước, nước Đức đã chính thức cho thông xe đoạn đường cao tốc cho phép các xe tải 'lai' (hybrid) - vừa chạy điện vừa chạy dầu diesel - có thể sạc pin ngay khi di chuyển trên đường.

Đoạn đường sạc pin có tên gọi eHighway (cao tốc điện), được thử nghiệm trên một đoạn Autobahn dài khoảng 10km thuộc đường cao tốc A5 ở phía nam thành phố Frankfurt, bang Hesse, một trong các tuyến đường giao thông chính của Đức.

Về mặt kỹ thuật, người ta sẽ xây dựng một hệ thống cáp cố định kéo dài 10km mang dòng điện 670 vôn. Các xe tải hybrid có cấu tạo thêm bộ phận dẫn điện, để khi muốn sạc điện, bộ phận dẫn điện sẽ vươn lên kết nối với hệ thống cáp nêu trên.

Hệ thống sẽ sạc điện cho pin và xe sẽ chuyển sang chạy ở chế độ điện. Điện sẽ sạc đầy pin của xe, cho phép phương tiện chạy bằng năng lượng điện một thời gian sau đó.

Trong khi di chuyển, dù tài xế có lái xe di chuyển xe qua trái hay qua phải thì kết nối với hệ thống cáp điện cũng sẽ không bị ngắt. Khi pin điện cạn kiệt, chúng sẽ tự động chuyển về chế độ bình thường, nghĩa là động cơ diesel sẽ được khởi động.

Xe tải hybrid kết nối với cáp trên cao để sạc điện.

Đây là dự án có tên Elisa (sáng kiến dùng điện cải tiến hệ thống vận tải hạng nặng trên Autobahn) do Bộ Môi trường Đức tài trợ, cùng sự góp sức của gã khổng lồ thiết bị điện Siemens. Mục tiêu của dự án này là xây dựng một hệ thống đường vận tải hạng nặng kết nối các thành phố với các cảng biển, sử dụng xe tải hỗn hợp kết hợp với eHighway. Hệ thống này vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí cho các công ty vận tải.

Theo thông số mà nhà xây lắp dự án Siemens đưa ra, thì công nghệ này có thể giúp một chiếc xe container 40 tấn tiết kiệm được 22.000USD trên quãng đường 100.000km và chỉ số khí thải bằng 0. Tuy nhiên, công ty này cũng đưa ra một hạn chế nhỏ là các xe chỉ được chạy ở tốc độ 90 km/h, do đó các hãng vận tải sẽ chịu một chút thiệt hại khi thời gian di chuyển tăng lên.

Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền đã tiêu tốn 14 triệu Euro cho dự án thử nghiệm, dự kiến kéo dài tới năm 2022. Ngoài ra, họ sẽ còn phải tốn thêm 70 triệu Euro nữa để 2 hãng Scania và Volkswagen sản xuất xe tải lai. Những khoản đầu tư này sẽ hiện thực hóa những cam kết bảo vệ môi trường của người Đức, và theo một nghiên cứu của Bộ Giao thông nước này, 80% số xe tải của Đức sẽ sớm trở thành xe điện.

Trước đó, vào năm 2016, ở ngoại ô Stockholm, Thụy Điển cũng có một con đường dài 2km mà các tài xế vừa có thể chạy xe vừa có thể sạc điện cho xe. Đó là đoạn đường nối sân bay Stockholm Arlanda đến khu hậu cần.

Tuy nhiên con đường này sạc điện cho xe không phải bằng dây cáp trên cao như ở Đức mà bằng hai đường ray dẫn điện. Theo đó, xe cộ kết nối với đường ray qua chiếc cần động dưới gầm xe để lấy điện, khi acquy đầy, cần tự động nhấc lên, ngắt kết nối.

Hệ thống đường sạc này cũng vô cùng an toàn cho người đi bộ cũng như khi có mưa lớn ngập đường vì điện chỉ tồn tại trên 2 đường ray như ổ cắm trên tường, sâu xuống 5-6cm là nơi có dòng điện. Nếu đường ngập chìm trong nước, sẽ tồn tại điện trên mặt đường với hiệu điện thế 1V. Bạn có thể đi chân không lên đó mà không vấn đề gì.

Bảo Ngọc

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-di-thuong/ehighway-duong-cao-toc-sac-pin-cho-xe-tai-o-duc-547999/