Eleen Vo -'sứ giả' tình thân ái

Với Eileen Vo, quê hương quá đỗi thân thương với những con người hiền hòa và giàu lòng hiếu khách. Nơi ấy gắn với ký ức tuổi thơ khiến cô tha thiết tìm về với mong muốn góp tay xây dựng quê hương.

Eileen Vo bên chiếc xe đạp cùng cô rong ruổi trên những con đường quê

Những ngày sống nơi quê nhà, dẫu khá bận rộn nhưng cô luôn nở nụ cười thân thiện, vui vẻ giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. “Người con gái Việt Nam da vàng” ấy để lại ấn tượng khó phai trong lòng người giao tiếp...

Cô Việt kiều tháo vát

Dựng chiếc xe đạp vào bóng râm, Eileen Vo vội lau mồ hôi rồi đến bên những học sinh Mỹ đang phụ giúp xây dựng nhà ở cho bà Phạm Thị Huệ ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Những thanh, thiếu niên khác màu da đến từ nhiều tiểu bang của nước Mỹ vây quanh cô chuyện trò râm ran.

Cô tận tình hướng dẫn công việc cho từng người, ân cần nhắc nhở như người chị cả trong gia đình. Khoảng cách giữa người dân địa phương và những thanh, thiếu niên đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương được rút ngắn qua lời phiên dịch của cô.

“Ba mẹ em quê ở Bạc Liêu sang Mỹ định cư rồi sinh ra em. Do bận công việc nên ba mẹ ít khi nói chuyện với em về đất nước Việt Nam. Kiến thức về Việt Nam ở trường học chúng em tiếp thu được rất ít, chủ yếu là về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Khi qua đến đây, em phát hiện nhiều điều thú vị, dù gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với người dân.

Nhờ chị Eileen Vo, em được hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam hiền hòa, dẫu cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Những ngày sống ở đây, em thêm yêu đất nước này, nơi đã sinh ra ba mẹ em...” – nam sinh Micheal Dieu (16 tuổi, đến từ bang New Jersey) bộc bạch.

Eileen Vo hiện là Phó Giáo sư, giảng viên giảng dạy tại Trường Đại học Gallaudet, ở thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ (đào tạo sinh viên khiếm thính nhiều nước trên thế giới). Công việc khá bận rộn nhưng cô luôn cố gắng sắp xếp thời gian tham gia công tác thiện nguyện với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn đối với những mảnh đời bất hạnh.

Là thành viên của tổ chức Putney Student Travel, cô kết hợp với các đơn vị hữu quan đưa hàng chục học sinh Mỹ sang Việt Nam tham gia công tác tình nguyện vào mỗi dịp hè về. Khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới khiến cho lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng các em luôn tươi cười thân thiện.

Các em rất hào hứng giúp người dân xây nhà, thu hoạch hoa màu, dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, tham quan các danh lam thắng cảnh hay giao lưu với người dân bản địa. Sự ngạc nhiên rồi dần chuyển qua thích thú cùng những tiếng “good! Very good!” khi các em tham gia chế biến và thưởng thức các món ăn truyền thống ở địa phương.

“Trước khi qua đây, chúng tôi đã giới thiệu sơ lược về đất nước và con người Việt Nam để các em khỏi bỡ ngỡ. Khi qua đến đây, được tận mắt nhìn thấy khung cảnh thiên nhiên, gặp gỡ người dân các em rất thích thú. Nhưng do khác biệt ngôn ngữ nên các em chưa mạnh dạn khi giao tiếp, dù có thông dịch viên...” – cô tâm sự.

Với vai trò là “người chị cả”, Eileen Vo luôn lo lắng, sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho 17 thành viên trong đoàn. Vừa trò chuyện, cô luôn miệng nhắc nhở những thanh, thiếu niên cẩn thận nhằm tránh xảy ra tai nạn khi phụ giúp những người thợ xây nhà. Cô cùng cán bộ đoàn thanh niên xã Phổ Châu vạch kế hoạch cụ thể các hoạt động ngày hôm sau.

“Chị ấy rất năng nổ và nhiệt tình, cùng chúng tôi bàn bạc cặn kẽ mọi việc. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa các thanh, thiếu niên Mỹ và người dân ở đây. Nhờ vậy, các hoạt động đều diễn ra suôn sẻ, tạo nên tình cảm chân thành giữa các thành viên trong đoàn với thanh, thiếu niên và người dân địa phương...” – anh Nguyễn Hưởng Tiền Tài – Bí thư Xã đoàn Phổ Châu, cho biết.

Rời nhà bà Huệ, cô gái người Mỹ gốc Việt với thân hình nhỏ nhắn gò lưng đạp xe trên con đường làng quanh co dưới trưa nắng như đổ lửa. Vừa thấy dáng cô ở cửa lớp, các em học sinh Trường Tiểu học Phổ Châu tíu tít: “Hello Eileen Vo! How are you?”.

Nụ cười hồn nhiên trên những gương mặt thơ ngây làm cho không khí lớp học thêm phấn chấn. Những “giáo viên” và học sinh với nhiều màu da vây quanh cô, vui vẻ nói cười. Chiếc điện thoại di động đổ chuông liên hồi, cô bấm máy rồi vội vã rời lớp học đạp xe đến điểm xây dựng nhà ở cho ông Văn Ngọc Tri, ở thôn Châu Me. “17 thành viên trong đoàn chia thành nhiều nhóm nên em phải đi lại nhiều nơi để động viên các em vui vẻ làm việc” – cô nói.

Học sinh Mỹ tham gia xây nhà giúp dân.

Nặng lòng với quê hương

Hơn 30 năm trước, Eileen Vo theo gia đình rời quê hương Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi) sang định cư ở Canada, khi cô vừa tròn 4 tuổi. Dẫu lúc ra đi còn thơ bé nhưng trong ký ức vẫn in đậm những hình ảnh thân yêu nơi quê nhà. Cô nhớ những người dân quê hiền lành nơi miền cát trắng, nhớ tiếng rì rầm của sóng biển vỗ vào bờ.

Nơi làng quê thân yêu có rặng thùy dương vi vu với gió như tiếng ru ầu ơ của bà, của mẹ vào những đêm mùa hạ. Khung cảnh trên bến – dưới thuyền rộn ràng tiếng nói cười khi tàu cập bến in đậm trong tâm hồn thơ trẻ...

Ở xứ người, cha mẹ cô phải nhọc nhằn mưu sinh để lo cho các con được cắp sách đến trường. Tuổi thơ của cô là những tháng ngày phấn đấu học hành để không hổ thẹn mình là con dân đất Việt. Sau đó, cô được nhận vào giảng dạy tại Trường Đại học Gallaudet, ở thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ.

Dẫu khá bận rộn nhưng cô vẫn gắng sắp xếp về Canada thăm gia đình và trở về Việt Nam thân yêu. Với vai trò là thành viên của tổ chức Putney Student Travel, hơn 10 năm qua, cô đưa nhiều thanh thiếu niên người Mỹ sang Việt Nam tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Nhiều gia đình nghèo có được căn nhà ấm áp với khoản tiền hỗ trợ cho mỗi nhà hàng chục triệu đồng cùng công sức của những học sinh đến từ xứ cờ hoa.

Nhìn căn nhà nhỏ đang được xây dựng, bà Phạm Thị Huệ trải lòng: “Chồng tôi đau ốm rồi qua đời cách đây vài năm, các con gái đều đi lấy chồng nhưng cuộc sống cũng khó khăn, không đủ khả năng lo cho mẹ. Nhờ khoản tiền hỗ trợ và công sức của các cháu mà tôi sắp có được căn nhà bao năm mơ ước...”.

Với Eileen Vo, mỗi lần trở về Việt Nam là cô được sống những ngày vui. Cô vui vì quê hương ngày càng phát triển, nhà cửa ngày càng khang trang hơn, cuộc sống của người dân được nâng lên so với trước, trẻ em tươi vui cắp sách đến trường.

Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn của người con tha hương thoáng chút ưu phiền vì nhiều mảnh đời vẫn sống trong cảnh cơ hàn. Rong ruổi trên những miền quê đất Việt, cô đã gặp gỡ nhiều người khuyết tật kém may mắn. Họ không được đến giảng đường đại học và học cao hơn nữa để thay đổi số phận mình.

“Tôi mong muốn Việt Nam phát triển hơn nữa, người dân giàu hơn nữa và nền giáo dục hoàn thiện hơn nữa. Có như vậy thì mọi người đều được tiếp cận tri thức để họ phát huy tài năng và cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Đặc biệt là tôi mong muốn những người khuyết tật đều được đến trường, học lên đến đại học hoặc bậc cao hơn.

Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục kết nối với các đơn vị chức năng đưa thanh, thiếu niên Mỹ đến tham gia tình nguyện và tìm hiểu về đất nước cũng như con người Việt Nam. Qua đó, giúp họ hiểu rằng, đất nước này không chỉ có chiến tranh, con người Việt Nam không chỉ giỏi đánh giặc ngoại xâm mà người Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, giàu lòng hiếu khách...” – cô tâm sự.

Anh Lê Văn Vin – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết: Từ năm 2006 đến nay, tổ chức Putney Student Travel phối hợp với đơn vị chức năng của Việt Nam tổ chức 13 đợt tình nguyện với gần 1.000 học sinh Mỹ tham gia công tác tình nguyện tại Quảng Ngãi.

Cùng với khoản tiền hỗ trợ hơn 1,5 tỉ đồng, những học sinh này còn đóng góp trên 12.000 ngày công lao động tham gia sửa chữa 1 trường mầm non và xây dựng 48 nhà ở cho người nghèo. Những học sinh đến từ nước Mỹ xa xôi còn dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh và lao động giúp dân, trao tặng gần 1.000 xe đạp cho học sinh nghèo...

“Trong đó, có phần đóng góp đáng kể của chị Eileen Vo. Chị ấy luôn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành những thủ tục theo quy định. Là con em của Quảng Ngãi nên chị rất tha thiết với quê hương” – anh cho biết.

Về quê. Hai tiếng thân thương ấy là niềm ước mong, làm bồi hồi cõi lòng những người con xa xứ. Những người con tha hương trở về quê nhà như dòng máu ấm chảy về tim. Và, Eileen Vo đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cô còn là người bắc nhịp cầu đưa bạn bè đến với quê hương Việt Nam tươi đẹp.

hữu nhân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/eleen-vo-su-gia-tinh-than-ai-624215.ldo