Elon Musk dùng SpaceX khiến Nga vội vàng cải tổ

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roskosmos đang nghiên cứu cách giành lại thị phần dịch vụ phóng tàu không gian sau thành công của SpaceX.

Sputnik thông tin, các đơn vị thuộc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roskosmos đang tìm cách thay đổi các tên lửa đẩy của mình sau khi chứng kiến SpaceX đang ngày càng chiếm được các thị phần của dịch vụ phóng tàu không gian.

Cụ thể, Trung tâm sản xuất nghiên cứu Vũ trụ Nhà nước mang tên Khrunichev trước nay là kẻ thống lĩnh thị trường dịch vụ phóng tàu vũ trụ vào không gian với tên lửa đẩy Proton.

Nhưng đó là trước khi SpaceX xuất hiện.

Hiện nay, một lần phóng tên lửa hạng nặng Proton gồm 3 giai đoạn có giá vào khoảng 65 triệu USD - đắt hơn so với chi phí phóng tên lửa Falcon 9 của Elon Musk.

Tên lửa Proton -M

Tên lửa Proton -M

Để cạnh tranh với đối thủ ngày càng mạnh này, Khrunichev đang tìm cách thay đổi các chi tiết kỹ thuật của Proton: loại bỏ tầng thứ 3 khỏi tên lửa này cùng lúc phải tìm cách giảm giá thành dịch vụ của mình.

Năm 2016, Trung tâm Khrunichev đã thông qua quyết định chế tạo 2 phiên bản sửa đổi của tên lửa Proton-M là: Proton hạng Trung và Proton hạng nhẹ.

Trong phiên bản hạng "Trung", tên lửa sẽ loại bỏ tầng thứ ba. Điều này khiến giảm chi phí phóng và điều chỉnh tên lửa phù hợp với các vệ tinh truyền thống đã được làm nhẹ đi trong những năm gần đây. Tên lửa này được hoàn thiện và có thể sẽ được phóng lần đầu tiên vào năm 2019.

Đối với phiên bản hạng Proton hạng nhẹ, Khrunichev đã lập ké hoạch có thể loại bỏ 2 phần của tầng đầu, giúp giảm chi phí thuê tên lửa.

Hiện nay, Trung tâm Khrunichev cũng đang tìm cách phát triển dòng tên lửa đẩy hạng nhẹ tái sử dụng Angara. Tên lửa này có khả năng mang từ 2.000 và 40.500 kg vào quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Angara sẽ sử dụng nhiên liệu dựa trên dầu hỏa và ôxy lỏng làm chất oxy hóa, khác với các nhiên liệu đẩy hypergolic được sử dụng trong Proton

Năm 2017, Khrunichev đã bắt đầu phát triển phiên bản tên lửa hạng nhẹ tái sử dụng là Angara - 1.2. Sau khi phóng vệ tinh lên quỹ đạo, tầng đầu tiên của tên lửa này sẽ quay trở lại Trái Đất để tái sử dụng.

Trung tâm Khrunichev hiện đang xem xét một số phương án kỹ thuật để đạt được việc tái sử dụng này: hạ cánh bằng dù, hạ cánh trên động cơ riêng của mình như tên lửa Falcon của Mỹ hoặc dùng cánh để lái trở lại trái đất. Trong thời gian Angara chuẩn bị xuất phát phóng đi, cánh sẽ được xếp lại, và khi trở lại Trái Đất, chúng sẽ mở ra.

Tên lửa Soyuz mới

Cũng đang tìm cách thay đổi như Khrunichev, Tập đoàn Tên lửa vũ trụ Energiya do Sergei Korolev thành lập cũng muốn trở lại thiết kế tên lửa đẩy.

Energiya chính là công ty thiết kế tên lửa Vostok, đã phóng vệ tinh không gian đầu tiên cùng nhà du hành Yuri Gagarin lên vũ trụ, và sau đó là tên lửa lớn nhất thế giới Soyuz- hiện vẫn được sử dụng trong các chương trình không gian của nhiều nước.

Tên lửa Soyuz 2.1v.

Tập đoàn này đã phát triển tên lửa Soyuz-5 với kế hoạch sử dụng cho các chuyến bay có người lái đưa các phi hành gia lên Trạm Không gian Quốc tế, và vì mục đích thương mại.

Tên lửa này đang được lên kế hoạch thay đổi các thiết kế kỹ thuật để có thể tái sử dụng - giống như tên lửa của Elon Musk.

Tập đoàn này đang xem xét các biện pháp bổ sung để giảm chi phí phóng tên lửa: sử dụng lại tầng đầu tiên của tên lửa bằng dù hoặc hạ cánh phản lực như Falcon-9; đưa phần động cơ trở về bằng dù (đây là phần có giá trị bằng 30% giá trị của tầng tên lửa đẩy).

Theo kế hoạch, vào năm 2022 tên lửa Soyuz-5 sẽ được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur.

Tên lửa Korona

Tên lửa đẩy một kỳ sử dụng nhiều lần mang tên Korona là sản phẩm của các kỹ sư của Trung tâm thiết kế tên lửa Makeyev.

Dự án Korona bắt đầu vào năm 1992 nhưng với mục đích ban đầu chỉ là một tầng đẩy của tên lửa có thể tái sử dụng như SpaceX hay Blue Origin.

Tuy nhiên sau đó các nhà khoa học kiến nghị thay đổi mục đích, đưa tên lửa Korona trở lại Trái Đất nguyên vẹn.

Tên lửa Korona có thể trở về Trái Đất nguyên vẹn.

Tên lửa đẩy được đề xuất làm bằng vật liệu composite, sử dụng lớp phủ sợi carbon mới. Điều này sẽ làm cho tên lửa trở nên nhẹ hơn và có khả năng chịu tải cao trong suốt chuyến bay. Với tổng trọng lượng khoảng 300 tấn, Korona có thể chuyển lên quỹ đạo thấp khoảng 6-7 tấn hàng.

Sau khi đưa vệ tinh vào quỹ đạo, tên lửa phải trực tiếp sử dụng các xung của hệ thống động cơ đẩy để trở về Trái đất trên những chiếc "chân" chuyển động, giống như của Falcon.

Chỉ cần một ngày sau khi hạ cánh để trải qua quá trình chuẩn bị kỹ thuật, Korona sẽ lại sẵn sàng cho một chuyến bay mới.

Các nhà khoa họa ước tính khả năng sử dụng tên lửa đẩy này ít nhất trong 25 chuyến bay, và một số thành phần của nó có thể được sử dụng ít nhất 100 lần.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/elon-musk-dung-spacex-khien-nga-voi-vang-cai-to-3356270/