Êm mềm đôi tay

Lần đầu tiên Trinh đứng trước mái tóc của một bé gái. Mái tóc đơn giản, chỉ được yêu cầu cắt ngắn, mái bằng nhưng Trinh hồi hộp không thể nào che giấu nổi. Mím môi.

1.

Mắt nhìn lên nhìn xuống. Rồi giật mình thấy bà chủ trong gương. Hít một hơi thật sâu. Cây kéo nhỏ trong tay lúc này như một thử thách. Thật căng thẳng. Các ngón tay bắt đầu cứng đơ. Trinh không biết mình đang bặm môi thật chặt. Bà chủ đứng sau cô, cười:

Lần đầu tiên con cầm kéo sao Trinh?

Dạ không, nhưng con cứ thấy lo thế nào!

Trinh đến với nghề làm tóc một cách thật tình cờ. Học hết cấp ba, trước ngã rẽ cuộc đời, Trinh phải chọn một nghề gì đó để nuôi sống bản thân. Là con gái, lại có đôi tay mềm, khéo, nhiều lần mẹ nói Trinh có thể chọn làm thợ may hay làm tóc chẳng hạn; nghề này tuy không thu nhập nhiều nhưng lại hợp với con gái, sau này còn có thời gian ở nhà cơm nước cho chồng con. Nghĩ cũng phải, Trinh xin mẹ ít vốn đi học nghề.

Nhiều kiểu tóc làm Trinh hoa mắt. Dù là người khéo léo và tỉ mỉ, lần đầu tiên cầm cây kéo để hành nghề cũng khác xa với việc đứng bên cạnh bà chủ, chăm chú xem bà làm để học hỏi. Bàn tay bà chủ sao mà nhanh. Lát kéo gọn ơ. Hai ngón tay kẹp tóc ngược lên, đưa kéo ngang qua xoẹt xoẹt, những đường tỉa thật ngọt. Vừa làm vừa ngắm, ngó bên này, soi bên kia. Vừa làm vừa nói, hầu chuyện khách, hết chuyện này đến chuyện nọ. Không bao giờ khách cảm thấy buồn chán vì phải ngồi im nhìn vào gương… Mọi thứ như một bài học tổng hợp, quá nhiều điều thành thạo ở bà khiến Trinh ngưỡng mộ. Chỉ vài phút thôi là có một "quả" đầu đẹp. Và cũng chỉ vài phút là có thể chỉnh được một mái tóc hư của khách từ tiệm khác đem tới. Làm nghề, mà làm cho giỏi, cho vững, đâu phải chuyện đùa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trinh nhớ lần cắt tóc lúc nhỏ. Mẹ khéo tay nên Trinh thường xuyên ở nhà cho mẹ cắt. Cũng là tóc ngắn, mái bằng. Kiểu tóc của một cô búp bê: hiền lành, dễ thương, hợp với đôi mắt nâu tròn xoe của Trinh. Trinh nhớ mẹ bắt ngồi im, cẩn thận, ngay ngắn. Trinh nhắm mắt. Từng đường kéo đi trên tóc cô đều cảm nhận rõ rệt. Đường kéo đôi khi lành lạnh, chạm vào trán. Và mỗi lần chuẩn bị soi gương xem kết quả là một lần hồi hộp. Trong gương, cô bé mặt tròn với vài món tóc còn dính vào mặt, ngộ nghĩnh. Khi lớn hơn một chút, Trinh được mẹ dẫn ra tiệm. Không hiểu sao, Trinh lại thường được ngồi vào ghế cho những chị học việc cắt tóc. Ôi, mỗi lần là mỗi kiểu khác nhau, không khi nào đúng như ý mình…

Đứng trước cô bé bây giờ, Trinh hồi hộp. Sợ làm hư mái tóc cô bé. Cái răng cái tóc là góc con người… Bà chủ nhiều năm trong nghề, cầm kéo cắt tóc như ăn cơm, uống nước. Nhiều khi nhìn cái này cái kia, dặn dò người này người nọ mà vẫn cho ra một "quả" đầu ngon lành. Trinh hít một hơi rồi bắt đầu quan sát. Cô đưa kéo cẩn thận sau khi đã kẹp một lớp tóc lên trên. Rồi từng lớp, từng lớp một. Phần tóc cuối cùng rơi xuống, cô bấm nốt vài cọng còn lệch. Xong. Một vòng mái đầu. Như một vòng trái đất. Tim Trinh rộn lên như muốn vỡ ra. Cô lấy tấm gương nhỏ để đằng sau mái tóc búp bê và nhẹ nhàng hỏi cô bé: Em có thích kiểu này không? Cô bé, sau khi được phủi sạch lớp tóc dính trên cổ và vai, mở mắt ra và ngắm nghía, được rồi chị ạ. Trinh cười mỉm. Cái cười lẽ ra phải vui hơn, thoải mái hơn nhưng sợ bà chủ bảo Trinh còn con nít nên thôi. Khi bé gái tính tiền và rời khỏi tiệm, Trinh vẫn còn lơ mơ, chưa tin hẳn là mình đã chính thức bước chân vào nghề.

2.

Sau này khi đã có tiệm làm tóc riêng, Trinh vẫn không quên được cô khách nhỏ đầu tiên ấy. Quan sát những học trò của mình bây giờ, Trinh biết có những em tay nghề vẫn chưa lên, chưa tiến bộ. Đã nhiều lần Trinh bị khách hàng mắng vốn vì mái tóc tiền triệu, nhuộm lên màu không ưng hoặc phần này phần kia nhìn thô, không sang. Và cũng nhiều lần những bộ móng tay, móng chân bị khách trề môi, liếc xéo. Thế nhưng, cũng có những người khách thật dễ tính, nhất là những cô bé, với ánh nhìn non tơ, không hề đòi hỏi gì. Có phải nhu cầu làm đẹp của họ quá đơn giản? Họ vô tâm, không biết đòi hỏi quá quắt? Không đâu, dường như Trinh còn cảm nhận được điều gì khác hơn trong cái nhìn trong trẻo của cô bé nhiều năm về trước. Một ánh nhìn thật dễ thương và động viên biết bao.

Em thấy kiểu này cũng được mà!

Trinh thấy mình được thắp lửa từ câu nói ấy. Những năm tháng về sau, Trinh chăm chỉ chú tâm học nghề. Một đường kéo đi sai cũng làm hư một mái tóc. Trinh biết điều đó nên càng cẩn thận. Càng đặt ra yêu cầu cao với những học viên của mình. Nhưng những khi thấy học trò quá căng thẳng, Trinh lại an ủi. Chín người mười ý. Huống chi đẹp xấu tùy vào mắt người đối diện, mình chỉ làm những gì tốt nhất là được rồi. Có lần Trinh thấy một cậu thợ học việc đang cắt, mà 3 - 4 người đứng xung quanh góp ý rồi bàn ra tán vào làm cậu lúng túng. Trinh yêu cầu mọi người im lặng, để cho cậu không bị phân tâm. Lúc ấy, Trinh lại nhớ ánh mắt và sự im lặng nhẫn nại của bà chủ ngày nào.

Trinh để cho học viên gội đầu cho chính mình, vừa dạy vừa thực hành trực tiếp. Bắt đầu ra sao, hỏi khách như thế nào, lựa chọn dầu gội gì, làm thêm mát-xa hay rửa mặt…? Gội đầu phải chú ý nhắc khách, nếu có đau rát thì nói em. Bàn tay của những cô gái mới lớn thật mềm mại và êm ái. Làm nghề này phải giữ bàn tay thật cẩn thận, độ dài móng tay vừa phải, được cắt sao cho khi cào nhẹ vào lớp da đầu không làm khách đau rát. Nhiều khi đứng gội đầu, lưng và chân mỏi nhừ, vậy mà nhìn những mái đầu sạch sẽ, thơm tho thì lại thấy hài lòng, thoải mái…

3.

Khi mới có chồng, ra riêng, còn bao nhiêu khó khăn, muốn có một tiệm làm tóc đàng hoàng đâu phải chuyện dễ? Nhà cửa chật chội. Tiệm làm tóc cần phải có chỗ cắt, chỗ gội, chỗ sấy tóc, bàn trưng bày dầu gội và mỹ phẩm… Nhiều nhiều thứ phải lo chuẩn bị, sắm sanh nữa. Mẹ sang thăm, thấy Trinh như vướng trong mớ bòng bong, mẹ chỉ nói: "Con làm sao cho người ta đi gội đầu, làm tóc ở tiệm mình mà như được chính bàn tay của mẹ, của chị họ ở nhà chăm sóc. Có như thế, những thiếu sót của con mới được bỏ qua". Trinh nghe mẹ. Không ai làm móng lại lâu và kỹ như Trinh. Làm tóc thì tỉ mỉ từng đường kéo. Trinh học được từ mẹ, từ bà chủ năm nào cách chăm sóc một khách hàng như chăm sóc một người thân… Lấy công làm lời, năng nhặt chặt bị. Thậm chí có người sang nhờ nhổ giùm tóc sâu, Trinh cũng làm luôn.

Nhiều người thắc mắc sao Trinh không chịu làm tóc cho chính mình? Chủ tiệm làm tóc mà mái tóc để đơn giản thế? Trinh không biết trả lời ra sao. Có lẽ vì cô luôn nhớ về mẹ. Mẹ rất thích một mái tóc đen dài, giản dị và những móng tay được cắt gọn gàng. Bấy nhiêu đó, mà Trinh cứ nhớ hoài nhớ hoài... Mỗi lần làm xong tóc cho khách, nhìn vào gương, thấy kiểu đầu đơn giản của mình, cô không khỏi chạnh nhớ về những ngày thơ ấu.

Dẫu làm tóc bận rộn, Trinh vẫn dành thời gian để gội đầu cho con gái. Cô bắt đầu kể cho bé nghe những chuyện làm tóc thường ngày. Cô bé hay nói con không thấy mẹ giống người ta gì hết trơn, đã lấy giá rẻ, còn tâm sự, còn làm thêm đủ thứ này nọ. Ừ nhỉ, nhiều đêm nằm gác tay lên trán, Trinh không hiểu sao mình phải nhiệt tình đến vậy, khi giờ đây đã có bao nhiêu nhân viên, chỗ làm tóc cũng khang trang, đàng hoàng. Có lẽ Trinh biết, chính nghề đã dạy cho cô khám phá cái dịu dàng của người phụ nữ, sự quan tâm chăm sóc cho người khác và hình như cả những nhạy cảm lắng nghe. Nâng niu, giữ gìn từng chút, từng chút một. Điều này, ngay từ nhỏ, bằng vô thức, Trinh đã học được từ mẹ.

Trinh nuôi một mái tóc thật dài. Cô muốn người đầu tiên được cắt mái tóc ấy chính là học trò của cô.

Lần đầu tiên cầm kéo cắt tóc cho khách, "các ngón tay bắt đầu cứng đơ". Khách ngồi cắt tóc thì cảm nhận được "đường kéo lành lạnh chạm vào trán" và khi cắt xong, mở mắt ra nhìn vào gương, thấy "vài món tóc còn dính vào mặt", ngồ ngộ. Cắt xong gội đầu, móng tay thợ phải được cắt làm sao "khi cào nhẹ vào lớp da đầu không làm khách đau rát"... Còn khá nhiều những chi tiết tinh tế khác rải rác đây đó trong truyện ngắn của Nguyễn Đặng Thùy Trang. Hóa ra, một cái nghề có vẻ bình dị, khiêm nhường như nghề cắt tóc cũng có khối chuyện để kể, để viết thành văn đấy chứ!

Không những có chuyện để kể, mà còn có chuyện để suy ngẫm. Về những điều không mới nhưng chưa bao giờ cũ: làm gì không quan trọng; làm như thế nào mới chính là thước đo giá trị đóng góp, cống hiến của anh cho cuộc đời. Yêu quý, tận tâm với nghề nghiệp, nghề nghiệp sẽ giúp anh hiểu rõ con người anh hơn, sẽ đền bù cho anh một cách xứng đáng.

Nhưng cái khó "chết người" của những bài học đó không phải ở chỗ nhận ra, mà là để chúng thấm vào. Với Trinh - cô thợ cắt tóc đáng yêu trong truyện - chúng đã trở thành máu thịt của cô tự lúc nào, một cách thật tự nhiên, bằng con đường vô thức. Chỉ với những người như thế mới mong họ hành nghề thực sự có tâm...

Trần Đức Tiến

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Truyện dự thi của NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/em-mem-doi-tay-2019051120512467.htm