Em vẫn đợi anh về

Khi cuộc chiến biên giới nổ ra vào năm 1979, giữa những hành khúc rất sôi nổi khi ấy thì ca khúc Em vẫn đợi anh về của nhạc sĩ Hoàng Hiệp xuất hiện như một ngôi sao lạ. Bài hát như thể khúc vọng phu hiện đại, làm lay động, lấy nước mắt của cả một thế hệ. Nhưng ít ai biết ý tưởng bài hát này đã có từ gần một thập niên trước và là một câu chuyện có thật.

Chuyện bình thường vĩ đại

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp là vua nhạc phổ thơ và ông cũng là người “lẩy” rất nhiều nhân vật bình thường trở thành tiêu biểu trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn như người gác đèn biển ở Cửa Tùng đã giúp ông sáng tác ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương . Má Năm ở xã Nam Thái Sơn đã thôi thúc ông sáng tác Đất quê ta mênh mông… Còn với ca khúc Em vẫn đợi anh về thì cảm hứng là đội trưởng ở một đội hợp tác xã nông nghiệp.

Đó là thời điểm khoảng năm 1967 - 1968, lúc Mỹ đánh ra Hà Nội rất ác liệt, gia đình Hoàng Hiệp từ Hà Nội sơ tán vào Hà Đông. Và chính ở đấy ông đã gặp nhân vật của mình. Theo lời ông kể trong cuốn sách Nhạc và đời thì “cô ấy là một đoàn viên thanh niên, đội trưởng ở một hợp tác xã nông nghiệp. Vừa lập gia đình nhưng chưa kịp có con thì người chồng gia nhập quân đội đi vào Nam chiến đấu”.

Trong suốt hai năm đằng đẵng, cô gái ấy không nhận được thư từ hay tin tức gì của chồng. Tuy nhiên, qua thái độ bình thản không lộ vẻ ưu tư hay buồn bã của cô, người không quen biết có thể tưởng cô là một phụ nữ chưa lập gia đình, hoặc nếu đã có thì hai vợ chồng cũng không hề có sự chia cách.

Mỗi sáng cô dậy thật sớm, ăn qua loa một bát cơm hay vài củ khoai luộc rồi vội vã ra đồng ngay. Buổi trưa, cô ít khi về nhà. Buổi chiều cơm nước xong cô lại sửa soạn đi họp. Khi thì họp đoàn thể, khi thì họp đội sản xuất. Gặp bất kỳ ai cô đều tươi cười, nói chuyện vui vẻ. Nói chung, qua thái độ của cô mà nhạc sĩ để ý quan sát khiến ông có cảm giác hình như cô đã quên người chồng đang ở tận chiến trường xa lại không hề có tin tức. Đã bao lần nhạc sĩ Hoàng Hiệp nhìn cô và tự hỏi “Phải chăng do hoàn cảnh chiến tranh quá kéo dài khiến cho tình cảm của người phụ nữ Việt Nam xa chồng ngày nay cũng trở thành sắt thép như ý chí của họ?”. Nhưng rồi ông lại nghĩ khác “Chắc là không phải như vậy. Vì đã là con người thì ai lại không có một trái tim biết đau khổ, nhớ nhung?”.

Một hôm, khi đã quen thân, nhân câu chuyện, nhạc sĩ Hoàng Hiệp buột miệng hỏi: “Xin lỗi cô, nếu tôi hỏi điều gì không phải, xin cô cứ bỏ qua cho”.

- Anh cứ hỏi - cô nói

- Tôi muốn hỏi rằng, hiện tại, cô có thường nghĩ đến anh ấy không?

- Sao lại không nghĩ. Chúng em yêu nhau rồi mới lấy nhau cơ mà.

- Vậy thì tôi cho rằng cô là một phụ nữ không giống như nhiều phụ nữ khác mà tôi đã gặp. Tôi không thấy có khi nào cô tỏ ra… Tôi nghĩ rằng cô đã quên anh ấy.

Nói tới đây, nhạc sĩ chợt nhận ra vẻ mặt cô đang vui bỗng trở nên buồn bã, một vẻ buồn thật khó diễn tả, chỉ có thể gặp ở một con người đang gặp bất hạnh to lớn.

Cô với tay rót một tách nước, uống liền một hơi. Đoạn, như người bị lạc giọng, cô nói: “Thế mà lâu nay em cứ tưởng rằng anh…”.

Khi cô nói như thế, nhạc sĩ Hoàng Hiệp vội vã cắt lời: “Không, không phải như vậy đâu. Cô đã hiểu lầm ý nghĩ của tôi. Tôi chỉ hỏi vì thắc mắc mà thôi. Vì tôi cho rằng, ở vào hoàn cảnh của cô, chắc người phụ nữ khác không thể không đau buồn như cô hiện nay được…”.

Lúc này, để cho vị nhạc sĩ đáng kính thanh minh đủ điều xong, cô mới nói “Vâng, em cũng biết vì sao anh hỏi vì vậy em cũng không muốn giấu anh làm chi. Nhưng lâu nay em cứ tưởng anh là văn nghệ sĩ, chắc phải là sâu sắc. Không ngờ anh cũng như mọi người khác. Anh cũng tưởng rằng xa anh ấy, em không nhớ thương đau khổ ư?”.

Nói đến đây, cô gái đứng lên và một tay nắm chắc chiếc chiếu đang trải trên giường và từ từ kéo về một góc và ôm mặt khóc. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp bất giác quay về phía ấy. Và mãi một lúc sau ông mới nhìn thấy cái mà cô muốn cho ông biết. Đó là những vết răng cắn dọc theo gần như suốt cả thành giường.

Sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói rằng gần như cả cuộc đời ông không làm sao quên được vết răng in trên thành giường và người phụ nữ ấy.

Bất hủ

Câu chuyện về người phụ nữ ở hợp tác xã năm ấy vẫn chôn chặt trong lòng nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho đến khi ông đọc được những vần thơ trong bài Em vẫn đợi anh về của nhà thơ Lê Giang. Thời điểm ấy và sau này vẫn có nhiều người nhầm lẫn là nhà thơ Lê Giang đã dịch từ bài thơ Đợi anh về của nhà thơ Xô viết Konstantin Simonov nhưng thật sự đây là sáng tác của nhà thơ Lê Giang, người có nhiều bài thơ phổ nhạc đã trở thành bất hủ.

Em vẫn đợi anh về có những câu thơ gây xúc động và ám ảnh như: Chờ phút giây bình yên/Đợi đạn bom ráo tạnh/ Để được ngồi bên anh, để được ghen để được hờn, để được thương, để được giận/Để thành chồng thành vợ và để cùng hôn con… Nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói rằng “Mỗi bài thơ, dù hay đến mấy, vĩ đại đến mấy nhưng khi tôi không có trải nghiệm, không có bối cảnh phù hợp thì không thể “kết hôn” được”. Và cuộc “kết hôn” ấy đã để lại một tác phẩm tuyệt đẹp.

Ca khúc Em vẫn đợi anh về được ra đời vào khoảng thời gian 1979 - 1980 khi những tiếng súng giữ nước vang lên ở biên giới. Nghệ sĩ Thanh Hoa, Lệ Quyên là những người đầu tiên thể hiện ca khúc này và được khán giả đặc biệt yêu thích, những câu hát trong bài vang lên ở khắp nơi: Năm tháng đội mưa rừng/ngày đêm vùi sương núi/em vẫn chờ vẫn đợi/ vẫn đợi anh về…

Bài hát trở thành tình khúc tiêu biểu cho những khát khao bình yên, giằng xé đến nhức nhối trước những khát vọng tự do, trước những mất mát to lớn từ những cuộc chiến…

Cùng nghe lại ca khúc Em vẫn đợi anh về :

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/em-van-doi-anh-ve-n20140417145531280.htm