Eo biển Bosphorus: Vũ khí độc Thổ Nhĩ Kỳ đánh Hy Lạp?

Tàu Hy Lạp chiếm 21% công suất đội tàu buôn toàn cầu đi qua eo biển Bosphorus, đóng góp cho nền kinh tế Hy Lạp tới 16,6 tỷ euro (năm 2018).

Vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ

Mâu thuẫn giữa giữa các đối thủ truyền thống nhưng lại là đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp - Síp đã bắt đầu leo thang kể từ tháng 7 vừa qua. Cuối tháng 10, cuộc đối đầu giằng co ở Biển Aegean và Địa Trung Hải thậm chí còn leo thang lên mức độ nguy hiểm.

Athens đã tuyên bố một Cảnh báo Hàng hải NAVTEX (Navigational Telex) cho các cuộc tập trận ở biển Aegean trong một khoảng thời gian, bao gồm cả ngày 29 tháng 10 – tức là ngày quốc khánh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp lại, Ankara đã phản ứng bằng cách tuyên bố NAVTEX của riêng mình tại Aegean vào ngày 28 tháng 10 và quyết định gửi tàu khảo sát địa chất hải dương Oruç Reis đến vùng biển thềm lục địa tranh chấp, chỉ cách hòn đảo Kastellorizo của Hy Lạp 6,5 hải lý.

Vậy Thổ Nhĩ Kỳ có những vũ khí gì để đẩy căng thẳng leo thang? Theo giới phân tích, Ankara có nhiều lựa chọn hơn để chống lại Hy Lạp, bao gồm cả việc “vũ khí hóa” các eo biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ. Các eo biển huyết mạch này có tầm quan trọng rất lớn về giao thông vận tải đường biển, đặc biệt là eo biển Bosphorus.

Năm 1936, Công ước Montreux được ký kết giữa các nước Australia, Anh, Bulgaria, Pháp, Nhật, Rumania, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô và Nam Tư, Italia, thiết lập Bosphorus như một tuyến đường vận chuyển quốc tế.

Công ước Montreux 1936 xác lập chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ tại các eo biển Bosphorus và Dardanelles, trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền hạn chế tàu từ các quốc gia không thuộc Biển Đen, bao gồm cả giới hạn tải trọng lẫn quyền lưu thông tự do. Tuy nhiên, công ước cũng có những điều khoản duy trì nguyên tắc tự do đi lại và giao thông trên biển.

Theo Công ước này, trong thời bình, các tàu được tự do đi lại qua eo biển không thu phí và thuế. Giả sử trường hợp chiến tranh khu vực và chiến tranh thế giới xảy ra, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tham chiến thì quyền đi lại của các tàu thương mại qua eo biển vẫn được đảm bảo.

Eo biển Bosphorus rất quan trọng đối với đội thương thuyền của Hy Lạp

Tầm quan trọng của eo biển Bosphorus

Bosphorus là một eo biển có chiều dài 31 km, ngăn cách giữa châu Á và châu Âu. Nó có chiều rộng lớn nhất 3,7 km ở lối vào phía bắc (từ Biển Đen ra) và nhỏ nhất là 0,75 km nằm giữa hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari của thành phố Istanbul rộng lớn và cổ kính nằm vắt qua hai bên bờ eo biển; độ sâu dao động trong khoảng 36 - 124m tính theo giữa luồng.

Với vị trí chiến lược quan trọng nối liền biển Đen và biển Marmara (để ra Địa Trung Hải), khiến nơi đây từ lâu trở thành một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Ước tính mỗi năm có trên 50.000 lượt tàu qua lại giữa biển Marmara và biển Đen.

Hơn 40.000 tàu đã đi qua vùng biển này vào năm 2019 trong khi vận chuyển gần 650 triệu tấn hàng hóa. Khoảng 3 triệu thùng dầu thô và 20 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ lưu thông qua eo biển Bosphorus mỗi năm và những con số này có thể sẽ tăng lên trong tương lai gần.

Mức độ lưu thông này đã tái khẳng định eo biển Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những hành lang thương mại hàng hải quan trọng nhất trên thế giới.

Năm 2019, các tàu thuộc sở hữu của Hy Lạp chiếm gần 21% công suất của đội tàu buôn toàn cầu và 53% của EU, với 4.936 tàu trên 1.000 tấn và tổng công suất là 389,7 triệu tấn trọng tải.

Trong đó, các tàu thuộc sở hữu của Hy Lạp chiếm 32% tổng công suất tàu chở dầu, 23% tàu chở hàng khô và 15% công suất hóa chất và sản phẩm dầu mỏ. Năm 2018, tiền kinh doanh vận chuyển đã mang lại cho nền kinh tế Hy Lạp tới 16,6 tỷ euro.

Những con số này khiến các chủ tàu Hy Lạp trở thành nhóm đóng góp lớn nhất theo ngành nghề kinh doanh.

Từ trước đến nay, chính quyền Ankara cũng từng nhiều lần đề cập đến vấn đề đóng cửa eo biển này, một khi an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ bị xâm hại. Với tầm quan trọng của eo biển Bosphorus, đây sẽ là một đòn giáng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Hy Lạp nếu Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế lưu thông hàng hải của Hy Lạp qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eo-bien-bosphorus-vu-khi-doc-tho-nhi-ky-danh-hy-lap-3423037/