'Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên', bi kịch giết bạn trai vì bị cha mẹ phản đối

Đây là một câu chuyện gây nhiều tranh cãi pháp lý và là một tấn bi kịch trong tình yêu.

Cô gái và chàng trai yêu nhau tha thiết nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, cả hai cùng tự sát để mong được ở bên nhau.

Chàng trai tử vong, cô gái may mắn sống sót nhưng sau đó phải nhận một mức án cao của pháp luật về tội “Giết người”. Quan niệm tình yêu và thái độ tiêu cực của họ cũng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Hình minh họa.

Cuộc tình sóng gió

Điền Thiềm (19 tuổi) và Trương Vọng (21 tuổi, cùng ngụ huyện Vân Dương, TP Trùng Khánh, Trung Quốc). Thiềm là cô gái xinh đẹp, tính cách dịu dàng nhưng xuất thân trong gia đình nông dân, hoàn cảnh kinh tế tương đối eo hẹp.

Còn Vọng là nhân viên quản lý trong một doanh nghiệp tại địa phương có cha và mẹ đều là giáo viên trung học, điều kiện kinh tế khá giả. Tháng 1/2001, sau một thời gian tìm hiểu, hai người chính thức xác định mối quan hệ yêu đương.

Sau đó, cả hai nhanh chóng đi quá giới hạn khiến Thiềm hai lần mang thai với Vọng phải phá thai. Tuy nhiên, tình yêu của họ không thuận lợi như mong muốn, thấy Thiềm xuất thân nghèo khó nên cha mẹ Vọng không chấp nhận.

Mấy lần Vọng đưa bạn gái về nhà ra mắt nhưng cha mẹ anh đều nhìn Thiềm với ánh mắt và có lời lẽ không mấy thiện cảm. Cha mẹ Vọng thậm chí còn nói thẳng với Thiềm rằng cô và con trai họ không môn đăng hậu đối nên không xứng đáng về làm dâu.

Đồng thời đề nghị Thiềm không tiếp tục đeo bám theo Vọng nữa mà nên tìm một người hợp với mình hơn. Về phía Vọng lại rất chân tình, thực lòng yêu thương Thiềm nên hết lời thuyết phục mong cha mẹ nên nhìn nhận Thiềm là cô gái ngoan hiền chứ không nên để ý đến hoàn cảnh gia đình cô.

Thế nhưng, mỗi lần nhắc đến chuyện này, Vọng liền bị cha mẹ trách mắng thậm tệ. Hôm nào Vọng đi làm không về nhà hoặc về nhà muộn đều bị cha mẹ chất vấn, trách cứ, quyết tâm không cho Vọng đi lại với bạn gái.

Vọng vốn là người con hiếu thuận nên đứng trước thái độ kiên quyết và biểu hiện thương cảm của cha mẹ, Vọng vô cùng đau khổ, tiến thoái lưỡng nan không biết phải làm thế nào.

Năm 2002, Thiềm đã đến tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, cô rất muốn được làm cô dâu và mơ ước một cuộc sống gia đình nhỏ hạnh phúc.

Thiềm đánh bạo bàn việc kết hôn với Vọng. Tuy nhiên, cô lại rất lo lắng không biết gia đình Vọng có chấp nhận mình hay không? Vọng ôm chặt Thiềm nói sẽ không để bất cứ ai coi khinh cô và nhất định sẽ thuyết phục gia đình cho mình cưới Thiềm một cách đường đường chính chính.

Thế nhưng, sau đó sự việc lại đúng như sự lo lắng của Thiềm, cha mẹ Vọng kịch liệt phản đối hôn sự của con trai.

Để phản kháng, Vọng nhiều lần cãi nhau, giận dỗi cha mẹ. Mỗi lần như vậy Vọng lại bị họ chửi mắng thậm tệ, sau đó người mẹ vì quá tức giận sinh bệnh nằm ốm liệt giường mấy ngày. Cha Vọng thấy vậy thậm chí đã vác gậy đuổi đánh con trai ra khỏi nhà.

Trước áp lực gia đình, tình yêu của Thiềm và Vọng dường như không có lối thoát. Trong tình cảnh đó, hai người phải đứng trước những lựa chọn khó khăn, hoặc phải chia tay, cắt đứt mọi liên hệ để ai tìm hạnh phúc riêng của người đó.

Hoặc họ phải đoạn tuyệt với gia đình, tự vun đắp hạnh phúc với nhau. Tuy nhiên, kết cục chuyện tình này lại không đi theo một hướng khác, vượt ra ngoài dự liệu của mọi người.

Kế hoạch “gạo nấu thành cơm”

Chiều 10/5/2002, Thiềm gọi điện cho người yêu, hẹn Vọng đến cửa hàng của nhà mình để tiếp tục bàn tính chuyện hôn sự của hai người.

Thiềm hi vọng cả hai có thể âm thầm đăng ký kết hôn rồi tổ chức hôn lễ, đến lúc đó khi “gạo đã nấu thành cơm” thì cha mẹ Vọng sẽ đành phải chấp nhận.

Tuy nhiên, Vọng lại do dự cho rằng không thể làm như vậy được, bởi chắc chắn khi biết chuyện cha mẹ mình sẽ tức giận mà sinh bệnh, nhỡ may họ có mệnh hệ nào thì bản thân hối hận cũng không kịp.

Thiềm nghe vậy cảm thấy đau lòng, vừa khóc vừa nói: “Chúng mình yêu nhau, muốn lấy nhau mà sao khó khăn như vậy? Hơn nữa em đã hai lần bỏ thai vì anh, nếu mình không lấy nhau thì người ta sẽ cười mình.

Sau này em còn biết sống thế nào nữa, liệu còn ai có thể chấp nhận một người con gái như em? Em không có tội khi sinh ra ở nông thôn, em cũng có thể kiếm tiền, không cần đến sự giúp đỡ của gia đình anh”.

Nhìn bạn gái đau đớn dằn vặt, Vọng cũng không kìm được lòng ôm chặt lấy Thiềm khóc không thành tiếng. Lúc này, quả thực Vọng cũng không biết phải giải quyết thế nào nên thú thực với Thiềm rằng mình đã hết cách, đề nghị chi bằng hai người chia tay…

Thiềm nghe Vọng nói vậy sững sờ không tin vào tai mình, cô như người bị sét đánh, đẩy mạnh Vọng ra, nhìn anh như một kẻ xa lạ. Cô có nằm mơ cũng không thể ngờ được rằng người mà mình yêu thương lại có thể nói một câu vô tình như vậy.

Còn Vọng tuyệt vọng nhìn Thiềm đau khổ cho biết bản thân không thể đoạn tuyệt với cha mẹ được, cách của Thiềm lại không thể thực hiện được, bây giờ Vọng cũng không biết phải làm sao. Hai người lặng lẽ nhìn nhau mãi không nghĩ ra cách gì khả quan.

Đến phương án chết chóc

Càng nghĩ, Thiềm càng cảm thấy tương lai của mình vô cùng ảm đạm. Đúng lúc này Vọng liền đưa ra một ý kiến khiến Thiềm nghe xong không khỏi kinh ngạc: “Nếu mình không cam lòng để người khác sắp đặt vận mệnh của mình thì mình vẫn còn có chọn lựa khác tốt hơn đó là đánh cược với vận mệnh của mình, em nghĩ như vậy có được không?

Mình sẽ đi mua thuốc chuột, sau đó pha 4 bát nước, bỏ thuốc chuộc vào 2 bát, nếu ai uống phải thì coi như người đó chịu đen đủi, nếu cả hai đều không uống phải thì đó rõ ràng là định mệnh cho chúng ta được lấy nhau, bất cứ ai cũng không thể ngăn cản được”.

Với đề nghị Vọng đưa ra đánh cược sinh mệnh của mình, Thiềm kịch liệt phản đối: “Chúng ta đã nói trước với nhau dù sống dù chết cũng không bao giờ xa nhau, ngộ nhỡ một người uống phải thuốc độc chết đi thì người còn lại biết làm thế nào?”.

“Chúng ta chưa chắc đã chết, bởi có thể sẽ chẳng ai uống phải bát nước có thuốc độc. Hơn nữa, sự lựa chọn này của chúng ta cứ để cho ông trời sắp xếp, cũng là để một lần chứng minh xem mình có duyên với nhau hay không? Nếu em thực sự sợ thì đừng uống…”, sau một hồi thuyết phục, cuối cùng Thiềm cũng đồng ý với ý kiến của Vọng.

Sau đó, cả hai con người trẻ tuổi này đều rất cảm tính, bắt đầu một trò chơi chết chóc. Vọng dẫn Thiềm đến một tiệm bán hàng nông nghiệp để mua thuốc chuột. Đến nơi, Vọng rút tiền đưa cho Thiềm vào mua còn mình đứng đợi ở bên ngoài.

Sau đó, Thiềm cầm hai lọ thuốc chuột kịch độc bước ra rồi cùng Vọng đi khỏi quán. Lúc này, tâm trạng của Thiềm vô cùng căng thẳng, không thể tự khống chế được tình cảm nên muốn thay đổi ý định.

Thiềm đưa ra đề nghị hết sức điên rồ và tuyệt vọng, đó là chỉ lấy hai bát nước, một trong hai bát đó bỏ thuốc chuột, ai uống phải thì người đó chết và hai người sẽ tự chia tay.

Sau khi Thiềm lấy hai bát nước ra ngoài thì lại tiếp tục thay đổi, cho thuốc chuột vào cả hai bát nước, sau đó cho đường vào cùng thuốc chuột ngoáy đều.

Thiềm nghĩ, cả hai sống đã không được ở bên nhau thì sẽ cùng chết. Thiềm cho Vọng biết ý định điên rồ này thì Vọng lập tức đồng ý, sau đó lấy một tờ giấy viết di thư có nội dung: “Cái chết của anh không liên quan gì đến em (Điền Thiềm). Ký tên: Trương Vọng”.

Viết xong, Vọng dùng ngón tay chấm mực điểm chỉ lên di thư. Nhìn bạn trai viết thư, Thiềm thương cảm vô hạn, ôm đầu Vọng khóc lóc nói kiếp này không được làm vợ chồng, hẹn kiếp sau sẽ mãi làm người tình của nhau.

Nói xong, Thiềm buông bạn trai, tay run run cầm bát thuốc độc lên uống trước. Thấy ánh mắt bạn gái tỏ ra đau đơn tuyệt vọng, Trương Vọng lòng đau như dao cắt, nghĩ không thể bạn gái của mình phải chết nên nhào đến dùng tay hất mạnh bát thuốc độc rơi xuống nền nhà vỡ tan, sau đó tiện đà đẩy ngã Thiềm xuống đất.

Khi Thiềm còn chưa kịp định thần đứng dậy thì Trương Vọng hét lớn, nói Thiềm vô tội đồng thời xin lỗi Thiềm vì từ nay về sau không thể chăm sóc được cho cô.

Vừa nói xong, Vọng cầm bát thuốc độc còn lại ngửa cổ tu một hơi hết sạch. Điền Thiềm nhìn cảnh tượng đó kinh hãi hét: “Anh Vọng, đừng như vậy! Đừng bỏ lại em! Muốn chết thì chúng ta cùng chết!”.

Thiềm lồm cồm bò dậy định kéo Vọng đi bệnh viện cấp cứu, nhưng Thiềm chưa kịp thực hiện ý định thì Vọng đã bỏ chạy ra ngoài, vẫy một chiếc xe ôm đưa Vọng đến nhà một người bạn.

Trên đường đi, thuốc độc phát huy tác dụng, toàn thân Vọng run lên cầm cập, người xe ôm vội hỏi có chuyện gì thì Vọng thều thào nói mình uống thuốc chuột. Người lái xe vội vã chuyển hướng đưa Vọng đến bệnh viện nhưng tất cả đã quá muộn. Trên đường đi Vọng đã tử vong.

Hai lần tìm đến cái chết

Sau khi Trương vọng đi khỏi nhà của Thiềm, cô hoang mang không biết làm thế nào, mãi một lát sau mới định thần lại, vội vàng gọi điện thoại về nhà Vọng lắp bắp thông báo cho mẹ Vọng biết rằng Vọng đã xảy ra chuyện, đề nghị bà đến ngay lập tức.

Mẹ Vọng vốn tức giận chuyện yêu đương của con trai, vì vậy khi nhận được điện thoại của Thiềm, nghĩ cô ta giở trò gì đó nên không thèm quan tâm, nghe xong liền dập máy.

Sau đó, Thiềm gọi điện cho cha về trông hộ cửa hàng tạp hóa. Gọi xong, Thiềm nhặt hai vỏ chai thuốc chuột và gói đường chưa dùng hết vứt ra rãnh nước sau nhà và đem hai chiếc bát đựng thuốc chuột vứt cạnh hàng rào rồi bắt xe ôm về nhà mình.

Đến nơi, Thiềm lo lắng gọi vào máy di động của Vọng nhưng lúc này máy đã tắt. Không biết tình hình bạn trai sống chết ra sao khiến Thiềm ruột nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên, luôn miệng lẩm bẩm nói mình đã hại Vọng.

Lúc này, Thiềm tuyệt vọng đoán rằng bạn trai sau khi uống thuốc chuột có thể đã chết, mình có sống cũng chẳng ý nghĩa gì trên đời. Vậy là, Thiềm lặng lẽ đi ra hồ nuôi cá nhà hàng xóm, đầu óc trống rỗng gieo mình xuống tự tử.

Người hàng xóm nghe thấy tiếng động lạ vội vàng chạy ra xem thì phát hiện Thiềm đang vùng vẫy dưới hồ nên nhảy xuống kịp thời cứu sống Thiềm.

Sau khi được cứu sống, khi tỉnh lại điều đầu tiên mà Thiềm muốn biết là tin tức về bạn trai. Gọi điện thoại không có kết quả, Thiềm kể lại sự việc rồi nhờ người nhà đi tìm Vọng ở các bệnh viện.

Đợi đến tối vẫn chưa có thông tin gì, Thiềm nghĩ có điều chẳng lạnh nên một lần nữa tuyệt vọng nhảy hồ tự tử và lại được người hàng xóm cảnh giác cứu sống.

Thiềm liên tục kêu gào tại sao lại hết lần này đến lần khác cứu mình, tại sao không để cho mình được chết, sau đó ngất đi. Hai ngày sau, Thiềm mới tỉnh lại trong bệnh viện và biết tin Vọng đã chết nên tiếp tục hôn mê.

Người mất mạng, kẻ vào trại giam

Đây quả là một bi kịch quá đau lòng khiến người ta phải suy nghĩ, hai người trẻ tuổi thiếu lý trí, lựa chọn một phương thức vô cùng cực đoan và ấu trĩ, hi vọng có thể viết lại cuộc đời mình.

Tuy Trương Vọng tự uống thuốc độc tự sát, Điền Thiềm đau đớn mất đi người yêu, thế nhưng cô vẫn không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Giữa tháng 5/2002, cha mẹ Trương Vọng đến công an huyện Vân Dương trình báo sự việc, cảnh sát cũng nhanh chóng vào cuộc điều tra. Đầu tháng 6, sau khi thu thập chứng cứ, Điền Thiềm bị bắt giữ.

Tháng 1/2003, Viện kiểm sát nhân dân số 2, thành phố Trùng Khánh đã khởi tố Điền Thiềm lên tòa án nhân dân trung cấp số 2 thành phố Trùng Khánh về tội giết người.

Tháng 3/2003, tòa án đưa ra xét xử vụ án trên, đồng thời đưa ra phán quyết, Điền Thiềm phải nhận hình phạt 13 năm tù về tội “Giết người”, đền bù cho gia đình Trương Vọng 8,7 ngàn nhân dân tệ, bao gồm chi phí ma chay và tổn thất tinh thần.

Trong phán quyết của tòa án viết: “Hành vi của bị cáo Điền Thiềm đã cấu thành tội giết người, tội danh và sự thực mà cơ quan công tố đưa ra đã thành lập.

Tuy nhiên, bị cáo thực hiện hành vi giết người do tranh tranh chấp tình cảm không giống như các tội phạm giết người khác.

Bởi bị hại hoàn toàn biết rõ việc uống thuốc chuột có thể dẫn đến cái chết, đồng thời chính bị cáo là người đưa ra gợi ý đánh cược sinh mạng, tự nguyện và tích cực trong việc uống thuốc độc. Hành vi này là thái độ không coi trọng mạng sống và đã lập di thư trước khi uống, cổ vũ, khuyến khích bị cáo tham gia vào quá trình uống thuốc độc.

Vì vậy, tình tiết phạm tội của bị cáo không thuộc diện đặc biệt nghiêm trọng...”. Đối mặt với phán quyết này, Điền Thiềm cảm thấy mình bị oan nên làm đơn kháng cao lên tòa án nhân dân cao cấp thành phố Trùng Khánh.

Tháng 9/2003, tòa án cao cấp bác kháng cáo, y án sơ thẩm. Bản án này sau đó cũng đã gây nhiều tranh cãi trong giới luật sư và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, cho dù trên phương diện pháp luật việc tranh cãi kịch liệt đến đâu đi chăng nữa thì người ta vẫn phải chấp nhận một kết quả đã xảy ra, đó là chàng trai đã mất mạng chỉ vì một phút mất lý trí.

Còn cô gái không chỉ phải chịu bản án 13 năm trong trại giam, mà hơn thế nữa là suốt quãng đời còn lại, cô sẽ khó có thể có cuộc sống bình thản.

Trong câu chuyện trên, hai người yêu nhau vậy mà cuối cùng tại sao họ lại phải lựa chọn một phương thức cực đoan là đánh đổi mạng sống của mình như vậy?

Nếu lúc đầu tình yêu của họ không vấp phải sự phản đối của gia đình và khi bị gia đình phản đối, hai người không suy nghĩ tiêu cực như vậy thì có lẽ kết cục đã theo một chiều hướng khác.

Một điều đáng để chúng ta suy ngẫm đó là cái chết của Trương Vọng là do những phong tục tập quán, suy nghĩ lạc hậu hay do sự suy nghĩ tiêu cực của đương sự, đem sinh mệnh ra làm trò chơi hay là do sự quản lý thuốc kịch độc bị thả lỏng gây ra?

Có thể nói, yêu một ai đó thì cũng cần phải trân trọng chính sinh mạng của người đó. Bất kể trong trường hợp nào, việc lấy hành vi tự sát để phản kháng sự can thiệp tình yêu của mình cũng đều là sai trái. Là hành động tiêu cực, nhu nhược, trốn tránh áp lực cuộc sống thực tế.

Hy vọng rằng, câu chuyện này là một lời cảnh tỉnh đến tất cả các bạn trẻ cũng như người thân của họ, để chúng ta không phải chứng kiến một bi kịch như câu chuyện trên.

Duy Cường

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ep-dau-ep-mo-ai-no-ep-duyen-bi-kich-giet-ban-trai-vi-bi-cha-me-phan-doi-d68963.html