Ép nhau xuống đáy, 'cuộc chiến' mới gây khó Donald Trump

Giá dầu thô giảm 24% trong một phiên, tụt xuống dưới gần ngưỡng 20 USD/thùng, mức thấp kỷ lục trong 18 năm trong bối cảnh Saudi Arabia quyết đẩy mạnh một cuộc chiến dầu khí khi đại dịch Covid-19 vẫn lan rộng.

Dầu lao dốc xuống mức nhạy cảm

Giá dầu chốt phiên giao dịch 18/3 trên thị trường Mỹ giảm 24% xuống gần ngưỡng 20 USD/thùng. Đây là mức thấp giá thấp nhất kể từ tháng 4/2002 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn làm tụt giảm nhu cầu đối với dầu và nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu khiến áp lực bán tháo tăng mạnh.

Giá dầu Brent cũng giảm 13% xuống còn dưới ngưỡng 25 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003.

Tính từ đầu tháng 3 tới nay, cả dầu WTI và Brent đều đã giảm khoảng 55-57%. Mức sụt giảm được xem là mạnh nhất kể từ sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 đến nay.

Giá dầu giảm vì chịu ảnh hưởng từ cả cung và cầu. Sự sụt giảm trong hoạt động đi lại du lịch và hoạt động kinh doanh đã khiến nhu cầu đối với xăng dầu giảm nhanh, trong khi đó cuộc chiến dầu khí giữa Saudi Arabia và Nga có thể khiến thị trường ngập chìm trong lượng cung dầu tăng đột biến.

Giá dầu tụt giảm mạnh xuống ngưỡng 20 USD/thùng.

Giá dầu tụt giảm mạnh xuống ngưỡng 20 USD/thùng.

Cuộc chiến dầu khí lần thứ hai trong vòng 5 năm qua nổ ra ngay sau khi hội nghị OPEC+ diễn ra tại Thủ đô Vienna (Áo) hồi đầu tháng 3 đổ vỡ. Hai thành viên chủ chốt là Saudi Arabia và Nga đã không đạt được đồng thuận về việc giảm mức khai thác dầu mỏ.

Ngay sau hội nghị, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng sản lượng dầu khai thác từ mức 9,7 triệu thùng/ngày lên 10-11 triệu thùng/ngày, thậm chí vượt cả công suất 12 triệu thùng/ngày của nước này. Đồng thời, lập tức giảm giá bán 6-7 USD/thùng cho các khách hàng châu Á và châu Âu.

Trong khi sức cầu suy giảm, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước sẽ sớm được phép bơm thêm dầu theo ý muốn.

Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent sẽ còn rớt xuống mốc 20 USD trong quý 2 năm nay do sự sụp đổ về nhu cầu tiêu thụ dầu do ảnh hưởng của virus Corona ngày càng rõ rệt.

Cũng theo Goldman Sachs, sức cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã giảm 8 triệu thùng/ngày và đây là một biến động chưa có tiền lệ.

Saudi Arabia giảm mạnh giá dầu và tuyên bố tăng vọt sản lượng từ tháng 4 tới.

Dầu giảm giá bất chấp một báo cáo cùng ngày của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, dự trữ dầu, xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ đã giảm trong tuần kết thúc vào 13/3.

Trong vài ngày gần đây, các cường quốc lớn trên thế giới đồng loạt lên kế hoạch tăng cường hàng tỷ USD chi tiêu nhằm giảm bớt tác động kinh tế của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới vẫn khá u ám.

Giá dầu vẫn không ngừng giảm và liên tục lập đáy mới, mà theo nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy, mỗi ngày dường như có một cái bẫy khác nằm dưới giá dầu. Giá dầu được cho là chỉ có thể tăng trở lại khi đạt được trạng thái cân bằng chi phí và sản xuất bị đóng cửa.

Hôm 18/3, Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Thamer al-Ghadhban đã đề nghị tiến hành một cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC để thảo luận về các biện pháp tức thời nhằm giúp cân bằng thị trường dầu mỏ.

Covid-19 và cuộc chiến dầu khí khiến Mỹ rúng động

Không giống các thời kỳ khủng hoảng kinh tế trước đây, bao gồm cả khủng hoảng tài chính 2008, tác động dài hạn của đại dịch Covid-19 lần này vẫn chưa rõ ràng. Ngày càng nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng, một cuộc suy thoái đang đến gần và giá dầu có thể sẽ còn giảm thêm.

Trong khi nhu cầu dầu sụt giảm vì dịch Covid-19 thì Saudi Arabia lao sâu vào cuộc chiến giá dầu với Nga.

Saudi Arabia cho hay sẵn sàng bổ sung 250.000 thùng mỗi ngày để xuất khẩu bằng cách tăng sử dụng khí đốt và năng lượng tái tạo cho tiêu dùng trong nước. Đây cũng là nguồn thu chính của quốc gia dẫn đầu khối OPEC.

Mỹ và đồng minh Saudi Arabia có nhiều trục trặc trong vài năm gần đây.

Tuần trước, Saudi Arabia tuyên bố tăng sản lượng tối thiểu 2,5 triệu thùng để đạt mức 12,3 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 4 tới khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC+ hết hạn vào cuối tháng 3.

Một số phân tích trên CNBC cho rằng, việc không cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga có thể coi là hành động tự hủy diệt. Lượng dầu nhiều thêm trong bối cảnh sức cầu thế giới tụt giảm sẽ đẩy giá dầu xuống thấp nữa.

Theo đó, sẽ không có ai trong số các nước OPEC hay Nga thắng cuộc khi giá dầu giảm mạnh. Thế giới cũng không thể hấp thụ lượng dầu giá rẻ khi mà dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng khiến hàng loạt quốc gia châu Âu, châu Á và Mỹ đã đóng cửa biên giới hoặc phong tỏa nhiều khu vực. Hoạt động đi lại, sản xuất,... có sử dụng đến dầu bị ngưng trệ trên phạm vi toàn thế giới.

Tuy nhiên, điều này dường như không ảnh hưởng tới quyết định đẩy cuộc chiến dầu khí lên cao của Saudi Arabia và Nga. Cả hai nước này đều có ngân sách phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ dầu mỏ. Giá dầu giảm trong vài tháng gần đây do Covid-19 khiến chính phủ các nước này muốn đẩy lượng dầu xuất khẩu nhờ giá thành dầu khí ở mức khá thấp.

Nga không thể bù lỗ cho các doanh nghiệp dầu khí trong nước trong một thời gian dài.

Hơn thế, đây cũng được xem là cơ hội để Saudi Arabia gây áp lực lên ngành dầu khí, đặc biệt dầu khí đá phiên của Mỹ vốn phát triển mạnh mẽ và góp phần lớn vào ngành công nghiệp dầu khí Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua.

Đầu những năm 80s thế kỷ trước, Saudi Arabia từng rơi vào tình trạng bi đát khi muốn lấy lại vị thế cho OPEC với việc giảm sản lượng khai thác để duy trì giá dầu mỏ cao. Tuy nhiên, chính quyết định đó đã khiến Saudi Arabia mất thị trường tiêu thụ. Sản lượng dầu của nước này tụt giảm từ mức trên 10 triệu xuống 3-5 triệu thùng/ngày trong vài năm sau đó.

Quyết định tăng khai thác trở lại của Saudi Arabia đã đẩy giá dầu tụt giảm, về mức khoảng 15 USD - đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô sau đó.

Nỗ lực hợp tác giữa Saudi Arabia và Nga 3 năm qua được xem là đã mang lại lợi ích không nhỏ cho ngành dầu khí đá phiến Mỹ trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chững lại nhiều năm qua.

Lựa chọn tăng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu dầu thế giới sụt giảm vì Covid-19 như hiện nay không hề dễ dàng. Tuy nhiên, cả Nga và Saudi Arabia đều cho thấy sự cứng rắn và quyết liệt. Một cuộc chiến mới ảnh hưởng tới nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump, bên cạnh 3 cuộc chiến lớn khác: thương mại với Trung Quốc, với châu Âu, cuộc chiến với dịch Covid-19 và cuộc đua nới lỏng tiền tệ trên phạm vi toàn thế giới.

V. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/dau-lao-doc-chua-tung-co-cuoc-chien-moi-gay-kho-donald-trump-625566.html