Ethiopia: Xung đột sắc tộc dẫn tới bạo lực trường học

Khi xung đột sắc tộc âm ỷ nhiều năm, kéo dài thì sinh viên thường là những kẻ chịu trận của các lực lượng cực đoan. Ngoài ra, bạo lực trường học cũng làm đau đầu chính phủ quốc gia châu Phi này.

Bạo lực kéo dài

Từ cuối tháng 10-2019, bạo lực đã bùng phát ở Addis Ababa và vùng Oromia. Cảnh sát Ethiopia cho biết con số thương vong trong các cuộc đụng độ ở những khu vực thuộc cộng đồng Oromo lên đến hàng trăm người. Bạo lực kéo dài khiến lực lượng an ninh phải triển khai đến các điểm nóng để thiết lập trật tự. Giới chức Ethiopia cho biết, hơn 400 người đã bị bắt trong cuộc điều tra liên quan bạo lực tại nước này.

Hiện nay, vấn đề an ninh được cho là một trong những thách thức lớn mà Thủ tướng Abiy Ahmed phải đối mặt trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5-2020. Ông cũng đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nạn bạo lực gia tăng tại các trường đại học, chủ yếu do xung đột giữa sinh viên từ các nhóm sắc tộc khác nhau.

Sinh viên là nạn nhân bắt cóc đòi tiền chuộc ở Ethiopia.

AP dẫn nguồn tin từ giới chức Ethiopia cho biết, các tay súng đã chặn chiếc xe buýt chở sinh viên đang trên đường từ Đại học Dembi Dollo tới Thủ đô Addis Ababa và bắt cóc họ. Một nữ sinh trốn thoát nói rằng các tay súng tự nhận họ là thành viên của Mặt trận Giải phóng Oromo (OLF), một nhóm vũ trang hoạt động mạnh tại khu vực phía Tây và Nam vùng Oromia với mục tiêu là giành lại lợi ích cho nhóm sắc tộc người Oromo.

Vụ việc xảy ra là diễn biến gần đây nhất và gây quan ngại về tình trạng mất an ninh tại các trường đại học, cao đẳng ở Ethiopia. Giới chức nước này lo ngại việc tiến công nhằm vào sinh viên là do xung đột giữa các nhóm sắc tộc gây ra.

Phong trào Quốc gia Amhara, đảng chính trị đại diện sắc tộc Amhara ở Ethiopia, cho rằng đang có một cuộc tiến công toàn diện nhằm vào các học sinh, sinh viên Amhara ở vùng Oromia của Ethiopia. Họ tố cáo nhóm bắt cóc sinh viên nhằm đòi thêm lợi ích cho người Oromo ở khu vực Oromia.

Oromo là nhóm dân tộc lớn nhất trong số hơn 80 dân tộc sống ở Ethiopia. Thống kê cho thấy, người Oromo chiếm khoảng 35% dân số trong khi người Amhara và Tigrean chiếm 33% dân số. Đây là các cộng đồng có tiếng nói nhất ở Ethiopia.

Trước đây, dù Oromo là nhóm dân tộc lớn nhất song người Amhara đã phát triển và có ảnh hưởng lớn, liên tục trong nhiều năm. Kết quả là xung đột sắc tộc giữa người Amhara với người Oromo đã nổ ra trong suốt một thời gian dài.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, OLF đã bị buộc tội tàn sát và tiến hành nhiều hành động khủng bố ở Kenya, Somalia và Ethiopia, dù các thủ lĩnh của tổ chức này không thừa nhận. Năm 1998, OLF bị cáo buộc đã tham gia vụ thảm sát tại làng Bagalla ở biên giới Ethiopia và Kenya, khiến 187 người thiệt mạng.

Các tay súng của nhóm này cũng bị Chính phủ Kenya cáo buộc cướp hàng nghìn đàn gia súc của người dân và là thủ phạm bắt cóc nhiều trẻ em gái trong các khu làng gần biên giới. Chính quyền Kenya đã nhiều lần yêu cầu giới chức Ethiopia giải quyết tình trạng hoành hành của phiến quân OLF trong lãnh thổ nước này.

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Minnesota (Mỹ) về tình trạng xung đột sắc tộc ở Ethiopia, OLF đã thừa nhận các vụ thảm sát kể trên có thể do những người ủng hộ nhóm này thực hiện, nhưng tuyên bố rằng OLF không lên kế hoạch và không chịu trách nhiệm về các vụ việc.

Đến năm 2012, các thủ lĩnh chính của OLF tan rã, song vẫn có nhiều cáo buộc nhóm này thực hiện các cuộc tiến công khác nhau nhằm vào dân thường cũng như lực lượng chính phủ. Tháng 8-2018, Chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed đã ký kết thỏa thuận hòa bình với OLF, tuy nhiên thỏa thuận này vẫn chưa thể chấm dứt cuộc xung đột như mong đợi.

Nhiệm vụ khó khăn

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 4-2018, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã được đánh giá cao về những nỗ lực chấm dứt chế độ hà khắc của chính quyền tiền nhiệm nhằm "hạ nhiệt" xung đột sắc tộc và cải cách kinh tế.

Ông Abiy là một người Oromo, đã chủ trương hòa giải một cách mềm dẻo giữa các nhóm sắc tộc, thả tù nhân, xóa bỏ nhiều lệnh cấm… Năm 2019, ông Abiy đã nhận giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực giải quyết cuộc xung đột giữa Ethiopia với nước láng giềng Eritrea.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng trao giải Nobel Hòa bình cho ông Abiy còn quá "vội vàng", vì chính phủ của ông vẫn đang phải đương đầu với tình trạng bạo lực gia tăng mà chưa có giải pháp rốt ráo.

Ông Abiy cũng đối mặt những chỉ trích là chậm trễ và thiếu quyết đoán trong cách thức phản ứng trước tình trạng bạo lực sắc tộc. Hồi tháng 6-2019, hai đồng minh thân cận của Thủ tướng Abiy đã bị sát hại sau một cuộc đảo chính bất thành ở Thủ đô Addis Ababa.

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Abiy Ahmed đã cảnh báo cuộc khủng hoảng sắc tộc hiện nay ở quốc gia châu Phi này có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn nếu người dân không đoàn kết. Người đứng đầu Chính phủ Ethiopia cũng khẳng định rằng, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp ngăn chặn các cuộc đụng độ liên quan sắc tộc và tôn giáo. Ông cũng nhắc lại quan điểm đề cao giải pháp đối thoại như một lựa chọn ưu tiên để giải quyết bất đồng.

Nguyễn Hưng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/ethiopia-xung-dot-sac-toc-dan-toi-bao-luc-truong-hoc-581847/