EU cấm vận dầu Nga, bên nào hưởng lợi?

Cả Nga và EU sẽ phải tính đến việc tìm những đối tác mới sau lệnh trừng phạt nhắm vào dầu của Nga. Trung Quốc, Ấn Độ hay Saudi Arabia được cho là sẽ hưởng lợi từ gói trừng phạt.

“Đây là một thỏa thuận lớn mang tính lịch sử”, Robert McNally, người từng làm cố vấn năng lượng cho cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, nói về lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Nga. “Điều này không chỉ định hình lại quan hệ thương mại mà còn là vấn đề chính trị và địa chính trị”, ông McNally nói.

Châu Âu, Mỹ và phần còn lại của thế giới có thể chịu tác động bởi giá dầu, vốn tăng cao trong những tháng gần đây, và sẽ cao hơn nữa khi châu Âu mua năng lượng từ các nhà cung cấp xa hơn so với nhập dầu từ Nga.

Các công ty châu Âu sẽ tìm trên khắp thế giới loại dầu mà các nhà máy ở châu Âu có thể dễ tinh chế như dầu của Nga. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt một số loại nhiên liệu như dầu diesel, vốn quan trọng với xe tải và thiết bị nông nghiệp.

Không xuất khẩu dầu sang EU, Nga có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các đối tác lâu đời như Trung Quốc hay Ấn Độ. Ngoài ra, áp lực về giá dầu có thể thúc đẩy các quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia tăng sản lượng. Từ đó, "trật tự thế giới mới" về năng lượng có thể sẽ được thiết lập, khi không chỉ Nga hay EU chịu tác động do lệnh cấm vận dầu nhập từ Moscow.

Những bên hưởng lợi

Nga vẫn còn trong tay những lá bài có thể giảm hiệu quả của các lệnh cấm vận từ châu Âu. Một trong số đó là tăng cường xuất khẩu đến Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước này vốn đang được hưởng mức giá ưu đãi khi mua dầu của Nga nên sẽ ít chịu sức ép về giá so với châu Âu.

Trung Quốc đã tăng nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển trong những tháng qua, trong khi các đường ống năng lượng gần đạt hết công suất.

Điều này gây sức ép lên các đối thủ cạnh tranh như Saudi Arabia và Iran. Hai nhà cung cấp ở Trung Đông buộc phải giảm giá để có thể cạnh tranh với Nga tại thị trường tỷ dân.

Meghan O’Sullivan, Giám đốc dự án địa chính trị năng lượng tại trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, cho biết quan hệ giữa Nga, Saudi Arabia và các thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) có thể trở nên phức tạp khi Moscow và Riyadh cạnh tranh để duy trì thị phần tại Trung Quốc.

Nhà máy lọc dầu của công ty Essar Oil tại bang Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

“Có nhiều tác động địa chính trị. Lệnh cấm sẽ kéo Mỹ tham gia sâu rộng vào thị trường năng lượng toàn cầu, hay quan hệ Nga - Trung Quốc về lĩnh vực năng lượng sẽ được củng cố”, bà O’Sullivan nói.

Ngay cả khi các mối quan hệ thương mại về năng lượng bị xáo trộn, các nhà sản xuất lớn như Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có thể hưởng lợi từ xung đột Ukraine.

Nhiều công ty châu Âu đang muốn mua thêm dầu từ Trung Đông. Doanh thu xuất khẩu dầu của Saudi Arabia tăng vọt và có thể lập kỷ lục vào năm nay, đẩy thặng dư thương mại của nước này lên hơn 250 tỷ USD, theo Ấn phẩm Kinh tế và Dầu khí Trung Đông.

Với Ấn Độ, các nhà máy lọc dầu nước này sẽ tinh chế dầu thô của Nga, sau đó xuất sang châu Âu. Ấn Độ đang nhập khẩu 600.000 thùng dầu/ngày từ Nga, tăng từ 90.000 thùng/ngày vào năm 2021.

“Ấn Độ trên thực tế đang trở thành trung tâm lọc dầu cho châu Âu”, các nhà phân tích tại RBC Capital Markets cho biết trong một báo cáo gần đây.

Tuy nhiên, mua dầu từ Ấn Độ đồng nghĩa với việc giá dầu tại châu Âu sẽ tăng, do quãng đường vận chuyển xa hơn so với nhập từ Nga, kéo theo lạm phát có thể tiếp tục đà tăng ở khu vực đồng euro.

“Ấn Độ là bên hưởng lợi, miễn là họ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp”, Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC, cho biết.

Thông điệp từ EU

Theo những gì các quan chức EU thông báo, liên minh sẽ cấm dầu thô và các loại dầu tinh chế được vận chuyển bằng các tàu chở dầu của Nga - vốn chiếm hai phần ba lưu lượng nhập khẩu của EU từ Moscow. Lệnh cấm sẽ loại bỏ dần dầu thô trong 6 tháng và dầu tinh chế trong 8 tháng.

Thêm vào đó, Đức và Ba Lan đã cam kết ngừng nhập khẩu dầu Nga bằng đường ống, đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ giảm sản lượng dầu nhập từ Nga 3,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm.

Các quan chức EU vẫn chưa đưa ra tất cả chi tiết về nỗ lực cấm vận dầu của Nga, nhưng cho biết lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực sau vài tháng. Điều này giúp EU có thời gian chuẩn bị, nhưng cũng tạo cơ hội cho Nga và các đối tác tìm kiếm giải pháp. Việc ai thích ứng tốt hơn trong khoảng thời gian này vẫn là một dấu hỏi.

Các nhà phân tích năng lượng nhận định gói trừng phạt dầu mỏ của EU có thể định hình lại bản đồ năng lượng thế giới. Ảnh: New York Times.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo phương Tây muốn động thái cấm vận dầu Nga sẽ buộc các công ty sản xuất dầu của Moscow phải ngừng các giếng khoan, vì đất nước không có nhiều kho trữ dầu, trong khi đang tìm những nhà mua mới.

Các nhà phân tích năng lượng nói rằng nỗ lực của EU nhằm giúp châu Âu thoát cảnh phụ thuộc vào nguồn năng lượng đến từ Nga và hạn chế ảnh hưởng chính trị của Moscow lên các nước phương Tây.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nỗ lực này tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thất bại. Nếu giá dầu liên tục tăng, doanh thu từ dầu mỏ của Nga sẽ không suy giảm đáng kể.

Dù đã cấm vận dầu mỏ, châu Âu vẫn sẽ phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong thời gian tới, có thể là vài năm. Điều này phần nào duy trì vị thế của Moscow, đặc biệt khi nhu cầu khí đốt để sưởi ấm sẽ tăng cao vào mùa đông.

Các nhà lãnh đạo châu Âu không có nhiều lựa chọn thay thế nguồn khí đốt nhập từ Nga, khi các nhà cung cấp khí đốt như Mỹ, Australia hay Qatar không thể sớm mở rộng xuất khẩu.

Nga tung video pháo kích vào trận địa súng cối của Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/5 đăng video khẩu đội pháo D-30 122 mm của lực lượng lính dù Nga tấn công vào trận địa súng cối, khí tài và công sự phòng thủ của Ukraine.

Trần Hoàng

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/eu-cam-van-dau-nga-ben-nao-huong-loi-post1322903.html