EU đạt thỏa thuận 'lịch sử': Bước đi quan trọng đối với sự đoàn kết và hội nhập

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài tới 4 ngày 4 đêm của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc với một thỏa thuận về ngân sách của EU và một gói cứu trợ lịch sử. Đây là một bước đi quan trọng đối với sự đoàn kết và hội nhập của khối, song những cuộc thảo luận gay gắt cho thấy không có gì đảm bảo rằng EU sẽ duy trì được sự nhất trí này.

Rốt cuộc thì EU cũng đã đạt được thỏa thuận. Thỏa thuận về ngân sách nhiều năm (MMF) và nỗ lực phục hồi cho Thế hệ Tiếp theo của EU, bao gồm quỹ phục hồi và duy trì (RRF), là một cột mốc quan trọng đối với EU trong bối cảnh khối này đang nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

"Kế hoạch Marshall của châu Âu"

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel phát biểu tại một cuộc họp báo vào rạng sáng 21-7, sau khi thỏa thuận rốt cuộc cũng đạt được vào 5g15 phút sáng theo giờ địa phương: “Thỏa thuận này gửi đi một tín hiệu cụ thể rằng châu Âu là một lực lượng hành động. Đó không chỉ là vấn đề về tiền mà còn nhiều hơn thế. Đó còn là vì những người lao động, gia đình họ, công việc của họ, sức khỏe và sự thịnh vượng của họ. Tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ được coi là một khoảnh khắc then chốt trong lịch sử của châu Âu, và cũng sẽ đưa chúng ta đến tương lai”.

Để đối phó với cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử của mình, EU sẽ thiết lập một quỹ Covid-19 trị giá 750 tỷ euro nhằm trợ cấp và tạo nguồn vay cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tự hào nói: “27 đại diện đã ngồi vào bàn đàm phán và nỗ lực để thống nhất một ngân sách chung. Liệu có một tổ chức chính trị nào khác trên thế giới làm được điều này không? Không có.” Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng ca ngợi thỏa thuận này giống như một “Kế hoạch Marshall cho châu Âu.”

Cuối cùng thì EU cũng đã đạt được một thỏa thuận quan trọng.

Cuối cùng thì EU cũng đã đạt được một thỏa thuận quan trọng.

Những điều được nhất trí

Gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (858 tỷ USD) đã được nhất trí sau cuộc thảo luận căng thẳng vốn chứng kiến hàng loạt sự đe dọa từ việc Pháp rút khỏi cuộc họp cho đến Hungary phủ quyết, cũng như sự phản đối mạnh mẽ của Hà Lan và Áo về mức độ hào phóng của gói này. Thỏa thuận được thông qua có giá trị tổng cộng 1.824 tỷ euro, trong đó có 1.074 tỷ euro dành cho MMF trong giai đoạn 2021-2027. Trong gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro, sẽ có 390 tỷ được phân bổ dưới hình thức trợ cấp cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, còn 360 tỷ còn lại được phân bổ trong các khoản cho vay có hoàn trả của các nước thành viên.

Gói cứu trợ sẽ bổ sung gói kích thích tiền tệ chưa từng có tại Ngân hàng Trung ương châu Âu, điều đã có thể làm yên lòng các thị trường tài chính bất chấp một sự suy thoái thảm họa ở châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, sẽ chịu trách nhiệm phân bổ ngân quỹ, trong đó 27 nước thành viên đều có quyền phủ quyết mọi kế hoạch chi tiêu nếu đa số quyết định như vậy.

Thỏa thuận thiếu khả thi?

Các lãnh đạo hy vọng gói cứu trợ 750 tỷ euro cùng ngân sách 1.074 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027 sẽ giúp phục hồi châu lục này khỏi cuộc suy thoái lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai sau khi Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, liệu ngân sách và gói cứu trợ này có khả thi hay không? Bài viết trên trang think-ing.com cho rằng không khả thi. Về mặt quy mô, quỹ phục hồi này vẫn khá nhỏ so với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tiếp theo, quỹ này chỉ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1-1-2021, nghĩa là khoản tiền đầu tiên được bơm vào nền kinh tế có thể phải đợi đến tận giữa năm 2021.

Song, xét trong bối cảnh hơn 1 năm trước ngân sách nghèo nàn của khu vực eurozone còn là bất khả thi đối với mọi kế hoạch và mức độ xung đột mà các nước thành viên trải qua vào thời điểm bắt đầu cuộc thảo luận, thì kết quả đạt được vào rạng sáng 21-7 này vẫn rất đáng chú ý. Đây không phải là kết quả của một sự đoàn kết và thống nhất, mà đúng hơn là một sự thỏa hiệp đầy khó khăn, và chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta biết mức độ khả thi của nó ra sao.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã lên tiếng bác bỏ những chỉ trích nói rằng việc đạt được thỏa thuận ngân sách mới của EU phải đánh đổi bằng những vấn đề bảo vệ pháp quyền và biến đổi khí hậu. Trước đó, các thành viên Nghị viện châu Âu đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ rằng vấn đề pháp quyền đã bị trung lập đáng kể do sức ép của các nước như Hungary và Ba Lan. Chính phủ hai nước này tuyên bố cần phải loại bỏ việc liên kết các khoản chi trả của EU với việc tuân thủ các giá trị của EU. Tuy nhiên, Chủ tịch EC đã bác bỏ điều này, nói rằng Hội đồng châu Âu đã "bật đèn xanh" cho việc đảm bảo ngân sách châu Âu xét tới vấn đề pháp quyền.

Bên cạnh đó, bà Von der Leyen cũng bác bỏ chỉ trích của nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg nói rằng ngân sách của EU đã phớt lờ vấn đề trái đất ấm dần lên. Bà Von der Leyen cho rằng các mục tiêu bảo vệ khí hậu và số tiền phải chi cho bảo vệ khí hậu đã tăng từ 25% lên 30%. Bà nhấn mạnh Thỏa thuận Xanh châu Âu là một trong những ưu tiên chính cho các kế hoạch tái thiết ở các nước thành viên.

Quỹ Chuyển đổi công bằng (JTF) thậm chí đã được tăng gấp đôi so với kế hoạch ban đầu và đó là sự tập trung rõ ràng cho vấn đề khí hậu. Chủ tịch EC cũng cho rằng 100 giờ đàm phán của các nhà lãnh đạo EU rất hữu ích bởi đây là lần đầu tiên EC phải vay hàng tỷ euro trên thị trường tài chính để đầu tư cho việc hiện đại hóa, do vậy nhiều lợi ích khác nhau đã được đặt lên bàn cân.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/eu-dat-thoa-thuan-lich-su-buoc-di-quan-trong-doi-voi-su-doan-ket-va-hoi-nhap-202280.html