EU đối phó với Mỹ và Trung Quốc bằng cách nào?

Thỏa thuận EU-Nhật Bản nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án là bền vững cả về môi trường và tài chính.

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản hôm 27-9 đã ký hiệp ước thúc đẩy các dự án đầu tư dựa trên nguyên tắc bền vững và quy ước chung để đối phó với các rủi ro do Mỹ, Trung Quốc (TQ) gây ra.

EU trong việc đối phó Trung Quốc

Anh và Pháp đã lái tàu chiến qua biển Đông đáp lại sự xâm phạm của TQ ở vùng biển nhộn nhịp này. Lãnh đạo Đức bắt đầu quan tâm đặc biệt những vi phạm quyền con người và tham vọng thống trị các ngành công nghệ cao của TQ. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 3-2019, Ủy ban châu Âu tuyên bố TQ là đối thủ mang tính hệ thống và đưa ra những đề xuất tăng cường giám sát đầu tư TQ cũng như củng cố ngành viễn thông, công nghiệp của châu Âu chống lại sự ảnh hưởng của TQ.

Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã cảnh báo về những thách thức đến từ TQ. Đồng thời, ông kêu gọi châu Âu tăng cường hợp tác với các đồng minh Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong khi một số cường quốc châu Âu bắt đầu tỏ ra lo ngại những chính sách của TQ, nhiều nước nhỏ hơn ở phía nam và đông nam vẫn xem TQ là nhà đầu tư vàng. Năm 2017, có 53% người Hy Lạp xem TQ là đối tác quan trọng thứ hai sau EU, chỉ có 36% người dân bình chọn Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại sự kiện ngày 27-9. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại sự kiện ngày 27-9. Ảnh: REUTERS

Những khó dễ từ Mỹ

Washington có những chính sách thường không nhất quán với lục địa này. Mỹ ra sức kêu gọi châu Âu mạnh mẽ hơn với TQ nhưng đồng thời Mỹ cũng gây khó dễ với châu Âu.

Theo tờ Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn của ông đã luôn ủng hộ việc Anh rời EU và củng cố mối quan hệ ngoại giao và quân sự với Ba Lan trong việc đối phó những thách thức từ Nga, chứ không phải xây dựng chủ nghĩa dân chủ vốn đang bị xói mòn ở châu Âu. Ông Trump nói về EU như một đối thủ (tệ hơn cả TQ) và sử dụng thuế quan như vũ khí chống lại khu vực này.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự định ngày 30-9 sẽ đưa ra quyết định trong vụ kiện 15 năm giữa Mỹ và châu Âu liên quan đến cáo buộc chính phủ châu Âu trợ cấp bất hợp pháp nhà sản xuất máy bay Airbus. Cổ phiếu của Airbus đã giảm mạnh đầu tháng này sau các báo cáo rằng WTO sẽ đưa ra quyết định theo hướng có lợi cho Mỹ và ông Trump sẽ có quyền áp thuế hàng tỉ USD vào châu Âu xem như việc bồi thường, hãng tin CNBC cho hay.

Theo nguồn tin của Reuters, Mỹ có thể sẽ giành quyền áp thuế vào khoảng 7,5 tỉ USD hàng xuất khẩu của châu Âu sang Mỹ hằng năm, thay vì con số 11,2 tỉ USD như Mỹ mong đợi.

Khi EU và Nhật Bản thực hiện một việc gì đó, cho dù đó là xây dựng một con đường hay bến cảng, chúng tôi đều có thể tạo nên sự kết nối mang tính bền vững, toàn diện và dựa trên các nguyên tắc, từ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến Tây Balkan và châu Phi.

Thủ tướng Nhật Bản SHINZO ABE

Thỏa thuận Nhật-EU

Ngày 27-9, Nhật Bản và EU đã ký kết một thỏa thuận để thúc đẩy những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghệ và trao đổi văn hóa giữa hai châu lục Á-Âu, theo hãng tin AFP.

Thỏa thuận EU-Nhật Bản nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án là bền vững cả về môi trường và tài chính. “Đó là vấn đề đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều quốc gia trên thế giới và không thể phụ thuộc vào một đất nước nào” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu tại sự kiện.

Theo hãng tin Euractiv, thỏa thuận này là một bước tiến trong nỗ lực của EU nhằm xây dựng một liên minh toàn cầu đối phó với chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương của Washington. Đồng thời, sự hợp tác này là một giải pháp thay thế cho các kế hoạch đầu tư gây tranh cãi của Bắc Kinh trên toàn thế giới.

Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết châu Âu muốn định hình giai đoạn mới của toàn cầu hóa dựa trên tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Ông Altmaier cũng thừa nhận rằng châu Âu đáng lẽ nên thực hiện sáng kiến tốt này từ 10-15 năm trước.

Một số nước châu Á tỏ ra khá thận trọng với thỏa thuận mới này. Thứ trưởng Bộ Năng lượng Kazakhstan Murat Zhurebekov cảnh báo rằng các chiến lược mới trong việc kết nối giữa hai châu lục không nên xung đột với các dự án hiện tại chủ yếu của TQ là Vành đai, Con đường, hiện đã được 152 quốc gia và tổ chức ủng hộ.

Trái ngược với ý kiến này, Trưởng ban Kinh tế trung ương Việt Nam Nguyễn Văn Bình phản đối việc có sự xung đột giữa hai chiến lược của EU và TQ. Chắc chắn thỏa thuận này sẽ tạo ra nhiều cơ hội ở châu Á và Việt Nam hoàn toàn đồng ý với nó, đại diện Việt Nam phát biểu.

Mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản-EU

Theo Ủy ban châu Âu, hiệp định đối tác kinh tế của EU và Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 1-2-2019. Các doanh nghiệp EU đang xuất khẩu sang Nhật Bản hàng hóa trị giá hơn 58 tỉ euro, dịch vụ trị giá khoảng 28 tỉ euro hằng năm.

Năm 2018, Nhật Bản là đối tác lớn thứ sáu nhập khẩu hàng hóa EU và đối tác lớn thứ bảy xuất khẩu hàng hóa sang EU.

HÀ MINH THU

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/eu-doi-pho-voi-my-va-trung-quoc-bang-cach-nao-861020.html