EU, Hàn Quốc tự tuần tra Hormuz: Tránh xung đột với Iran

8 nước EU ủng hộ hộ tống hàng hải eo biển Hormuz, Hàn Quốc cũng triển khai lực lượng hải quân độc lập với Mỹ, vì không muốn đối đầu với Iran.

Châu Âu tham gia lực lượng tuần tra eo biển Hormuz

8 quốc gia Liên minh châu Âu là: Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italia, Hà Lan và Bồ Đào Nha đã ủng hộ lực lượng tuần tra hảng hải mới được thành lập có trụ sở ở Abu Dhabi (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất), nhằm hộ tống các thương thuyền di chuyển qua eo biển Hormuz.

Ngày 21/01/2020, một quan chức quốc phòng Pháp yêu cầu giấu tên cho biết, một tàu khu trục của Hà Lan dự kiến sẽ tiến hành tuần tra luân phiên tại lối vào chiến lược ở vùng Vịnh vào cuối tháng 2 này, nhằm giúp tránh các cuộc xung đột tiềm ẩn ở eo biển huyết mạch của biển Ba Tư.

Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch và Hà Lan đã cam kết hỗ trợ hoạt động tuần tra cụ thể, còn các nước khác sẽ cung cấp những hỗ trợ khác; trong khi Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất sẽ cung cấp trụ sở và tổ chức các hoạt động của lực lượng hải quân chung.

Được biết, sáng kiến này đến từ Pháp, chính quyền Paris nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động do sự bất ổn gia tăng và mất an ninh ở Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, dẫn đến nhiều sự cố hàng hải và phi hàng hải, mà thế giới gọi là “Cuộc chiến tàu chở dầu” vịnh Ba Tư.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, tình hình căng thẳng với Iran đã ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải và an ninh của các tàu, cùng với thuyền viên châu Âu và ngoài châu Âu, đã và đang gây nguy hiểm cho thương mại và nguồn cung cấp năng lượng.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tuyên bố hôm 20/01 sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao khối là tám quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cũng đã quyết định thành lập một phái đoàn giám sát hải quân ở eo biển Hormuz.

Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Italia, Bồ Đào Nha, Đức và Hy Lạp đã quyết định sẵn sàng tham gia liên minh tuần tra hàng hải eo biển Hormuz, vì vậy các quốc gia thành viên EU có thể thực hiện các bước chính sách đối ngoại hơn nữa mà không cần thiết phải có sự ủng hộ nhất trí của toàn bộ khối.

“Châu Âu đang giành lại quyền kiểm soát”, nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp, Jean-Yves Le Drian nói với các phóng viên sau cuộc họp và nhấn mạnh rằng, Liên minh châu Âu không chỉ cất lên tiếng nói mà còn cho thấy khối này thực sự có công cụ để hành động.

Hormuz là eo biển huyết mạch vận chuyển dầu của thế giới

Hormuz là eo biển huyết mạch vận chuyển dầu của thế giới

Châu Âu và Hàn Quốc hành động độc lập với Mỹ

Cũng trong ngày 21/01, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, nước này sẽ triển khai binh sĩ tới eo biển Hormuz nhằm bảo vệ vùng biển huyết mạch của tuyến đường vận chuyển dầu từ vịnh Ba Tư ra Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, các lực lượng hải quân Hàn Quốc tham gia nhiệm vụ hộ tống hàng hải sẽ không gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu mà hoạt động một cách độc lập, một động thái được đưa ra dường như sau khi cân nhắc mối quan hệ với Iran.

Đầu tháng này, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ gửi hai tàu chiến đến Vịnh Ba Tư để đối phó với căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Iran, sau vụ Mỹ sử dụng trực thăng và UAV không kích vào sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) hôm 03/01, giết chết tướng Iran Qassem Soleimani.

Trong bối cảnh căng thẳng với Iran, Mỹ đã đề nghị Hàn Quốc và các đồng minh châu Âu gia nhập một liên minh quân sự nhằm bảo vệ vùng biển này trước sự uy hiếp của Iran.

Tuy nhiên, Seoul đã nói rằng sẽ xem xét các phương án khác nhau để đóng một vai trò ở khu vực, còn các nước châu Âu cũng quyết định tự thành lập lực lượng hộ tống hàng hải của riêng mình.

Ông Borrell chỉ ra rằng, nhiệm vụ tuần tra eo biển Hormuz do Châu Âu lãnh đạo khác biệt với sáng kiến của Mỹ và là một đóng góp độc lập quan trọng của châu Âu vào việc cải thiện tình trạng leo thang trong khu vực, vì nó đảm bảo môi trường giao thông an toàn.

Năm ngoái, các quốc gia thành viên EU [ngoại trừ Anh] đã từ chối đề xuất của Hoa Kỳ về việc thiết lập một nhiệm vụ tuần tra chung trong khu vực biển này, bất chấp sự cố bắt giữ tàu chở dầu qua lại giữa Iran và Anh, cùng với mối đe dọa của Tehran phong tỏa eo biển Hormuz.

Dường như Liên minh châu Âu đang bất mãn với Mỹ về việc nước này rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 (Iran Nuclear Del-IND, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện - JCPOA), bất chấp sự phản đối quyết liệt của Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức.

Mặc dù các quốc gia hàng đầu châu Âu là Đức và Pháp đều coi Iran là mối đe dọa tiềm tàng nhưng họ hiểu rằng, những mâu thuẫn ở Trung Đông trong thời gian qua đều xuất phát từ những hành động đơn phương của Mỹ nhắm vào Iran, nên họ không muốn đẩy căng thẳng lên cao và gia tăng nguy cơ đối đầu với Iran bằng hành động tham gia liên minh của Mỹ.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-han-quoc-tu-tuan-tra-hormuz-tranh-xung-dot-voi-iran-3395578/