EU hỗ trợ quốc đảo Thái Bình Dương quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học

Chương trình Pacific BioScapes, trị giá 12 triệu euro, sẽ góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học ven biển, và các ứng phó dựa trên hệ sinh thái để thích ứng biến đổi khí hậu.

(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký Chương trình môi trường khu vực Thái Bình Dương (SPREP) vừa ký kết Chương trình đa dạng sinh học và bền vững đất-biển Thái Bình Dương (Pacific BioScapes) để hỗ trợ 11 quốc đảo Thái Bình Dương quản lý tài nguyên biển và ven biển.

Chương trình Pacific BioScapes trị giá 12 triệu euro sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) trên Thái Bình Dương, thông qua việc thực hiện 30 hoạt động tập trung vào đa dạng các hệ sinh thái ở Melanesia, Polynesia và Micronesia.

Chương trình góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến đa dạng sinh học ven biển, và các ứng phó dựa trên hệ sinh thái để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lễ ký chính thức diễn ra tại thủ đô Suva của Fiji, giữa Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU về Thái Bình Dương Sujiro Seam và Tổng Giám đốc SPREP Sefanaia Nawadra.

Phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Seam nhấn mạnh bảo vệ tài nguyên biển và ven biển vẫn là một trong những ưu tiên hỗ trợ của EU ở Thái Bình Dương và là một phần thiết yếu của Liên minh Xanh giữa EU và các quốc đảo Thái Bình Dương được phát động trong năm 2021.

Chương trình Pacific BioScapes sẽ hỗ trợ một số hoạt động chính để bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý hệ sinh thái ở cấp tiểu vùng và quốc gia, có tính đến các nhu cầu và thực tế khác nhau ở các quốc gia khác nhau.

Chương trình sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận từ sườn núi tới rạn san hô, bao gồm cả môi trường biển và trên cạn, đồng thời giải quyết các rào cản đối với việc bảo tồn hiệu quả và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Các hoạt động của chương trình sẽ bao gồm quy hoạch không gian biển ở quần đảo Cook và Kiribati, quản lý dựa trên hệ sinh thái thông minh với khí hậu ở Fiji, quản lý nghề cá rạn san hô và khả năng phục hồi của hệ sinh thái rạn san hô ở quần đảo Marshall, quản lý tổng hợp đảo và đại dương ở trong quần đảo Solomon, và nâng cao năng lực cho mạng lưới các khu bảo tồn Palau.

Tất cả các hoạt động trên được kỳ vọng sẽ giúp các quốc đảo nhỏ trên Thái Bình Dương đạt được các mục tiêu của Lộ trình SAMOA và đạt được Mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển cho phát triển bền vững, cũng như Mục tiêu phát triển bền vững thứ 15 về bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn.

Chương trình Pacific BioScapes sẽ do SPREP quản lý và thực hiện, thông qua Chương trình Hệ sinh thái đảo và đại dương. Chương trình sẽ tăng cường năng lực của các quốc gia Thái Bình Dương để quản lý hiệu quả đa dạng sinh học ven biển và biển cũng như tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực của khu vực, quốc gia và địa phương nhằm đánh giá, bảo tồn, bảo vệ, quản lý và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trên biển và trên cạn.

Các quốc gia Thái Bình Dương, cụ thể là quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Cộng hòa quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Palau, Papua New Guinea, Samoa, quần đảo Solomon, Tonga và Vanuatu, sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động do chương trình tài trợ hỗ trợ từ cấp quốc gia đến cộng đồng./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/eu-ho-tro-quoc-dao-thai-binh-duong-quan-ly-bao-ton-da-dang-sinh-hoc/794353.vnp