EU kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp JCPOA với Iran: Mềm không được, cứng có xong?

Sau thời gian nhường nhịn, động thái cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) liệu có buộc Iran quay trở lại Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA)?

Ngày 14/1, Anh, Pháp và Đức đã kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp được ghi rõ trong JCPOA, theo đó chỉ sau hai tháng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được quyền tái áp đặt lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Iran, hệ thống ngân hàng và một số quan chức cấp cao. Tuy nhiên, người châu Âu hoàn toàn có thể trì hoãn và kéo dài tiến trình này một khi có thiện chí từ Iran. Các ông lớn trong EU khẳng định họ tiếp tục tuân thủ và mong muốn cứu vãn JCPOA, trong bối cảnh Iran tuyên bố chính thức rút khỏi JCPOA cuối tháng 12/2019.

Ngay sau đó, Iran đã cảnh cáo quốc gia châu Âu về hành động này, cho rằng việc sử dụng không đúng mục đích cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ đối mặt với “phản ứng nghiêm trọng và mạnh mẽ”.

Thái độ quyết liệt của phía EU cho thấy sự tương phản rõ rệt với chủ trương mềm mỏng, sẵn sàng nhượng bộ trước đó trong vấn đề Iran, nhằm giữ quốc gia Trung Đông ở lại trong JCPOA. Tuy nhiên, liệu thay đổi này có mang lại hiệu quả cần thiết? Kết quả sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố sau.

Lùi để tiến

Thứ nhất, đó là kết quả tranh đấu giữa phe chủ hòa và phe chủ chiến tại Iran về giải quyết căng thẳng với Mỹ. Câu trả lời của phe chủ chiến, đứng đầu là Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã rõ qua ba cuộc tấn công căn cứ có lính Mỹ tại Iraq trong hai tuần.

Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU Joseph Borell tại Nghị viện châu Âu ngày 14/1 sau cuộc họp công bố kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong JCPOA với Iran. (Nguồn: AP)

Ngược lại, phe chủ hòa mong muốn tận dụng áp lực của cộng đồng quốc tế và biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp căng thẳng với Mỹ. Phần nhiều bài phát biểu của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, nhân vật chủ chốt của phe này, tại Đối thoại Raisina ở Ấn Độ ngày 15/1 là dành cho EU. Ông Zarif nhấn mạnh JCPOA là thỏa thuận tốt nhất có thể hình dung được và “sẵn sàng đảo ngược động thái trước đó nếu EU tuân thủ cam kết”. Ngoài ra, ông khẳng định muốn giải quyết căng thẳng thông qua các biện pháp ngoại giao, dù không muốn đàm phán với Mỹ ở thời điểm hiện tại. Đây là cách ông Zarif đánh tiếng với khối P5+1, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức.

Nếu Tehran muốn tranh thủ áp lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết căng thẳng với Mỹ, nước này cần tuân thủ luật pháp và các hiệp ước quốc tế đã ký, trong đó có JCPOA. Khi đó, ngồi lại với EU, bàn thảo về điều kiện trở lại JCPOA là hợp lý. Tuy nhiên, với phe chủ chiến, điều này chẳng khác nào nói rằng Iran nhượng bộ trước cấm vận, khiến người dân đặt câu hỏi về chính sách cứng rắn với Mỹ, trọng tâm chính sách đối ngoại từ khi thành lập nền Cộng hòa Hồi giáo. Tranh đấu giữa phe chủ hòa, chủ chiến tại Iran vì thế sẽ quyết định kết quả thay đổi cách tiếp cận từ EU.

Tại người, tại mình

Thứ hai, đó là thái độ của các ông lớn còn lại trong P5+1, đặc biệt là Mỹ. Sau động thái trên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng ủng hộ đề xuất kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp: “Chúng tôi tin rằng áp lực về kinh tế và ngoại giao cần được các quốc gia thực hiện. Thế giới văn minh cần gửi một thông điệp rõ ràng, thống nhất về chế độ Iran: Chiến dịch khủng bố, sát hại, hỗn loạn sẽ không được dung thứ nữa”. Nga thì cho rằng bước đi của EU có thể khiến căng thẳng leo thang theo chiều hướng xấu. Trung Quốc chưa có phản ứng cụ thể, song lập trường của Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn thiên về gìn giữ JCPOA nhằm đảm bảo lợi ích về nguồn năng lượng nhập khẩu từ Tehran.

Khi liều lượng quyết định chất lượng

Thứ ba, kết quả của thay đổi chính sách này sẽ phụ thuộc vào chính EU. Cả Anh, Pháp và Đức đều tin rằng cách duy nhất để Iran không phát triển vũ khí hạt nhân là thông qua JCPOA. Biện pháp dù mềm hay cứng đều nhằm thực hiện mục tiêu này, song triển khai ra sao là không đơn giản. Lịch sử cho thấy EU không có duyên với cấm vận. Một mặt, EU tiếp tục gia hạn trừng phạt và cấm vận đối với Nga tới cuối tháng 7/2020. Mặt khác, quan hệ Nga – Đức, thành viên trụ cột của EU, đang ấm dần lên, thể hiện rõ qua chuyến thăm ít có tiền lệ của Thủ tướng Angela Merkel tới Nga và hợp tác trong dự án đường ống dẫn khí đốt Nordstream-2. Cấm vận Nga là chủ trương của EU, song lợi ích từ Nga lại quá hấp dẫn. Khi ấy, thay đổi cách tiếp cận rắn hơn với Iran là nước cờ thú vị từ EU, song “cứng” đến đâu để không kích động phe chủ chiến ở Iran, “mềm” thế nào để tránh bị Tehran lấn lướt sẽ là bài toán khó cho các nước châu Âu.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-kich-hoat-co-che-giai-quyet-tranh-chap-jcpoa-voi-iran-mem-khong-duoc-cung-co-xong-107855.html