EU liệu đã sẵn sàng sống thiếu nước Anh?

Chỉ trong thời gian một năm, các bộ trưởng nước Anh sẽ 'biến mất' khỏi các văn phòng của Hội đồng châu Âu - nơi đưa ra các quyết định của EU - và văn phòng Quốc hội châu Âu.

Cờ Anh (phía trên) và cờ EU tại Westminster, London ngày 12/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Một năm nữa Vương quốc Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Ở nước Anh, ngày Brexit - ấn định vào ngày 29/3/2019 - đang được một số người miêu tả như sự kết thúc của thế giới, còn những người khác lại chế giễu là một sự kiện đáng thất vọng.

Những người ủng hộ quá mức cho Brexit đang cảm thấy không hài lòng bởi Thủ tướng Theresa May đã đàm phán một thời kỳ chuyển đổi “thực hiện đầy đủ” các nghĩa vụ mà trong suốt thời kỳ đó, nước Anh sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định của EU.

Jacob Rees-Mogg, Chủ tịch nhóm ủng hộ “rời khỏi EU” của đảng Bảo thủ Anh, đã phàn nàn rằng trong suốt quá trình chuyển đổi này, Anh quốc sẽ là “một nước chư hầu”, bị tước quyền đưa ra quyết định trong các vòng đàm phán của EU, dù vẫn phải chấp hành các nhiệm vụ của một quốc gia thành viên và vẫn phải chi trả cho các đặc quyền.

Tuy nhiên tại Brussels, câu hỏi tương tự về việc liệu ngày Brexit sẽ tạo ra những khác biệt gì ngày càng trở nên hiếm hoi. Mặc dù Michel Barnier, nhà đàm phán về Brexit của EU, đã nhiều lần cảnh báo đối tác phía nước Anh là David Davis rằng “đồng hồ đang nhích dần” (ám chỉ thời gian đàm phán sắp hết). Lời cảnh báo này cũng có thể là nhằm gửi tới 27 quốc gia thành viên còn lại của EU.

Nhìn qua lăng kính méo mó của cuộc tranh luận Brexit, điều này có thể được lý giải như một kết quả đáng mừng cho 27 quốc gia còn lại của EU: Họ sẽ được tự do kinh doanh mà không phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng đang tồn tại ở nước Anh (vốn được một số người cho rằng đã phá hỏng tư cách thành viên của "xứ sở sương mù" trong EU kể từ năm 1973).

Tuy nhiên, cách giải thích như vậy có vẻ là quá dễ dàng đối với sự tính toán của chiến dịch trưng cầu dân ý Brexit (và thực sự là cả những cuộc đàm phán tiếp theo về các điều khoản rời khỏi EU) cùng sự ám ảnh về những gì nước Anh có được với vai trò là thành viên EU.

Những gì EU nhận được - và những gì EU sẽ bị tước đoạt chỉ trong một năm - từ một quốc gia lâu nay giữ vai trò then chốt trong hầu hết các lĩnh vực chính sách của EU. Nước này có thể không phải là siêu cường hùng mạnh như trước kia, nhưng so với hầu hết các quốc gia khác của liên minh, họ gần như xếp nhất.

Hiển nhiên, đây là một “chiến mã” đáng gờm về kinh tế, với một khu vực dịch vụ-tài chính và thị trường tiền tệ quan trọng. Đây cũng là nước có hoạt động chính sách đối ngoại vượt trội - một cường quốc hạt nhân có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, nước này còn sở hữu nhiều lĩnh vực chuyên môn (từ các thế mạnh như trong luật pháp và kế toán), trong ngoại giao và quốc phòng, dù chưa nổi bật, nhưng rất quan trọng đối với EU.

Có thể coi đó là những thế mạnh truyền thống có từ lâu đời của nước Anh, nhưng điều gây ấn tượng mạnh với EU chính là, nước Anh đã đi tiên phong trong các lĩnh vực chính sách mới nổi như công nghệ thông tin, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Đó chính là một chức năng để trở thành một nền kinh tế lớn và tương đối cởi mở: Các công ty sẽ cung cấp dịch vụ cho nước Anh sớm hơn các nước khác, chẳng hạn như Bỉ. Tuy nhiên, dù bất kể nguyên nhân nào, Vương quốc Anh đã có những kinh nghiệm và chuyên môn mà nhiều nước EU khác không có được.

Trong những năm gần đây, một loạt cuộc khủng hoảng đã tràn vào EU - cuộc khủng hoảng tín dụng và sự thất bại của các ngân hàng đã đe dọa các thành viên của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) như Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus và nhiều nước khác, điều này đã dẫn đến việc EU phải áp đặt những cương lĩnh khắt khe hơn.

Những làn sóng di cư, một số xuất hiện là do các cuộc chiến tranh ở Iraq và Syria, đã dấy lên nghi vấn về vùng biên giới tự do đi lại ở khu vực Schengen, và đe dọa đến sự cai trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Những cuộc khủng hoảng này đã thử thách tính gắn kết của EU và đặt dấu hỏi về sự trung thành của khu vực Tây Âu với 13 quốc gia gia nhập EU hồi năm 2004 hoặc sau đó.

Các cuộc đàm phán Brexit gần đây đã cho thấy một sự đoàn kết “giả tạo” của 27 quốc gia thành viên EU còn lại - những nước đang có quan điểm đối lập với nước Anh trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, những căng thẳng Đông-Tây vẫn còn, cùng những cuộc thảo luận về chu kì ngân sách 7 năm tới của EU sẽ khiến những căng thẳng này bùng phát trở lại.

Hơn nữa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có tham vọng củng cố năng lực của Eurozone (không bao gồm Ba Lan, Czech, Hungary, Romania, Bulgaria và Croatia). Ông kêu gọi EU tăng cường sự bảo trợ xã hội và cảnh báo chống lại sự cạnh tranh không công bằng đối với lao động giá rẻ.

Nhìn chung trong các cuộc tranh luận như vậy, nước Anh là một đối trọng với Pháp và là đồng minh với Đông Âu: ủng hộ một nền kinh tế tự do, sức cạnh tranh hàng đầu và phản đối chi phí xã hội tăng cao.

Câu hỏi được đặt ra tại Brussels hiện giờ là nước nào, sau khi Brexit diễn ra, sẽ dám dũng cảm đương đầu với Pháp? Câu hỏi đó vẫn bị bỏ ngỏ trong bối cảnh liên minh chính phủ ở Đức đang được hình thành, và vẫn còn quá sớm để hiểu rõ bản chất mối quan hệ giữa ông Macron và bà Merkel.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/eu-lieu-da-san-sang-song-thieu-nuoc-anh-/80825.html