EU mời Turkmenistan tham gia Hành lang khí đốt phía Nam

Liên minh châu Âu (EU) và Azerbaijan đã đưa ra đề nghị với Turkmenistan để quốc gia Trung Á này tham gia cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Hành lang khí đốt phía Nam (SGC), Chủ tịch Ủy ban Ngân sách và Nguồn lực châu Âu G. Oettinger cho biết vào ngày 20/2.

Được biết, ngày 19/2, chính phủ Turkmenistan đã cử một đại diện cao cấp của mình tham gia cuộc họp của Hội đồng tư vấn cho SGC. Đây được coi là một tín hiệu rất rõ ràng nói lên sự quan tâm của Turkmenistan đối với dự án này.

Sơ đồ Hành lang khí đốt phía Nam

Sơ đồ Hành lang khí đốt phía Nam

Azerbaijan, quốc gia sản xuất khí đốt chính cho SGC, đã nhiều lần tuyên bố rằng, nếu có các nguồn năng lượng ở bờ phía đông của Biển Caspian để chuyển đến châu Âu qua ngả Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ, Bacu sẵn sàng cung cấp khả năng vận chuyển của mình.

Lời đề nghị của Azerbaijan và EU được coi là nhiều thiện chí, quyết định có tham gia hay không sẽ được đưa ra bởi chính phủ Turkmenistan.

Tuy nhiên, ông G. Oettinger không nêu rõ chi tiết về đề xuất và các điều kiện cho sự tham gia của Turkmenistan vào SGC.

Tuyến ống SGC với chiều dài 3,5 nghìn km và chi phí 40 tỷ USD sẽ cho phép Azerbaijan cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Cơ sở tài nguyên chính yếu cho dự án này là mỏ khí ngưng tụ Shakh Deniz của Azerbaijan trên thềm lục địa biển Caspian.

Tuyến ống SGC bao gồm các cung đoạn Đường ống dẫn khí Nam Caucasus (SCP), cũng như các đường ống dẫn khí Trans-Anatilian (TANAP) và Trans-Adriatic (TAP).

Đoạn TANAP đã được đưa vào hoạt động vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 tại Eskisehir, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng chiều dài của TANAP là 1.850 km, công suất thông lượng - 16 tỷ m3 khí mỗi năm, trong đó khoảng 6 tỷ m3 khí sẽ được cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, 10 tỷ m3 còn lại sẽ được chuyển đến châu Âu qua đoạn đường ống TAP, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Chiều dài của TAP sẽ là 878 km, trong đó 550 km đi qua phần phía bắc của Hy Lạp, 215 km qua Albania, 105 km qua biển Adriatic và 8 km trên đất Ý.

Dự án SGC hấp dẫn Turkmenistan ở chỗ nó sẽ cho phép đa dạng hóa hướng xuất khẩu khí đốt từ quốc gia Trung Á có trữ lượng khí đốt đứng thứ tư thế giới này.

Nếu Turkmenistan tham gia dự án, Bacu sẽ có thể yên tâm trong trường hợp khí của Azerbaijan sản xuất không đủ để lấp đầy công suất đường ống SGC.

EU đang theo đuổi chính sách đa dạng hóa nhập khẩu khí đốt, vì thế luôn sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ cho dự án SGC này.

Các chính trị gia châu Âu thường đưa SGC ra để làm đối trọng với các đường ống khí đốt của Nga đến châu Âu, tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, SHC không thể cạnh tranh nổi với các đường ống của Nga, vì công suất thông lượng của nó chỉ là 16 tỷ m3 khí mỗi năm, trong đó 6 tỷ m3 cho Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ còn có 10 tỷ m3 cho EU, không đáng kể gì so với lượng khí đốt mà Nga cung cấp hàng năm cho toàn bộ châu Âu.

Hơn nữa, chính SOCAR cũng tuyên bố rằng SGC chỉ là sự bổ trợ cho các dự án của Gazprom nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí đốt ngày càng tăng ở châu Âu.

Các cuộc đàm phán với EU về việc Turkmenistan có tham gia vào dự án hay không đã diễn ra trong một thời gian dài.

Trước đây, Azerbaijan đã bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Turkmenistan trong việc cung cấp khí đốt cho EU.

Vào tháng 11 năm 2018, trong chuyến thăm làm việc tới Turkmenistan, Tổng thống Azerbaijan đã hội đàm với phía chủ nhà và ký một gói lớn các tài liệu, bao gồm tăng cường sự tương tác của 2 quốc gia trong lĩnh vực vận chuyển khí đốt và xây dựng những tổ hợp nhiên liệu - năng lượng.

Bá Thủy

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/eu-moi-turkmenistan-tham-gia-hanh-lang-khi-dot-phia-nam-528372.html