EU muốn độc lập về an ninh quốc phòng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) kiểm soát an ninh và quốc phòng, thúc giục khối không nên dựa nhiều vào Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

“Châu Âu không thể dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình. Chúng ta có thể đảm bảo an ninh cho chính mình, bảo đảm chủ quyền của châu Âu”, báo Express của Anh dẫn lời ông Macron nói trong cuộc gặp tại Paris với các đại sứ Pháp ở nước ngoài hôm 27-8. Tổng thống Pháp cho rằng phiên bản kiến trúc châu Âu về quốc phòng và an ninh nên bắt đầu bằng cuộc đối thoại mới về an ninh mạng, vũ khí hóa học, vũ khí thông thường, xung đột lãnh thổ, an ninh không gian, bảo vệ vùng cực, đặc biệt với Nga. Theo Tổng thống Pháp, điều này là cấp bách trong bối cảnh chủ nghĩa cực đoan và dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn ở châu Âu.

Lời kêu gọi của ông Macron được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các đồng minh NATO rằng tất cả các thành viên của NATO phải trả phần chi tiêu quốc phòng công bằng chứ không nên dựa vào sự đóng góp của Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels hồi tháng 7, ông Donald Trump kêu gọi các nước châu Âu thuộc NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP của mỗi nước - mục tiêu mà nhiều thành viên NATO, kể cả Đức chưa đạt.

Kể từ khi được bầu làm tổng thống vào tháng 5-2017, ông Macron đã nhiều lần kêu gọi một châu Âu tích cực hơn, với ngân sách quốc phòng chung và chính sách phòng thủ chung. Theo ông Macron, các liên minh hình thành từ Chiến tranh Lạnh phải được sửa đổi và châu Âu giờ đây phải thay đổi “kiến trúc” quốc phòng và hệ thống an ninh. Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ đến Paris vào đầu tháng 9 để thảo luận về tương lai của châu Âu, trong đó có vấn đề an ninh và quốc phòng với Tổng thống Pháp Macron. Theo báo chí Pháp, ông Macron nói rằng Pháp sẽ đề xuất một sáng kiến để tăng cường hệ thống “đoàn kết” trong điều khoản bảo vệ tập thể của EU bằng cách tập trung vào Điều 42.7 của Hiến pháp EU chứ không phải là Điều 5 tương đương của NATO. Đó là khi một thành viên của EU bị tấn công xem như cả EU bị tấn công. Pháp từng phải chịu đựng vì hàng loạt cuộc tấn công khủng bố ở Paris năm 2015 không hề có phản ứng tập thể từ NATO. Đây là tín hiệu cho thấy Tổng thống Pháp càng muốn đẩy nhanh khả năng EU tự bảo vệ mà không có Mỹ. Theo ông Macron, lập trường của Nhà Trắng chống lại chủ nghĩa đa phương và các động thái ngoài lãnh thổ của Mỹ là lý do chính để EU xây dựng quyền tự quyết của mình.

Ông Macron cũng kêu gọi đánh giá toàn cầu về hợp tác thương mại và an ninh khi các quốc gia tập trung ở Paris vào tháng 11 để đánh dấu kỷ niệm kết thúc Thế chiến thứ I. Bloomberg dẫn lời ông Macron cho biết Pháp sẽ tổ chức các cuộc thảo luận thương mại cũng như một “diễn đàn hòa bình” bên lề các buổi lễ. Ông không muốn lịch sử lặp lại khi thất bại của quản trị toàn cầu trong những năm 1930 dẫn đến Thế chiến thứ II. Đối với ông Macron, các cải cách toàn cầu sẽ phải được bắt tay cùng thời điểm cải cách của EU vì chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng với các tranh chấp thương mại và thách thức an ninh toàn cầu.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/eu-muon-doc-lap-ve-an-ninh-quoc-phong-542402.html